Thời gian đầu sau khi thành lập, SMIC gặp nhiều trở ngại, trong đó kế hoạch mua thiết bị trị giá 1 tỉ USD bị chặn; năm 2009, bị tòa án California ra phán quyết rằng họ đã sử dụng trái phép bí mật thương mại của TSMC và đến năm 2020, SMIC chính thức bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại.
Dù vậy, SMIC vẫn chứng tỏ tiềm năng công nghệ mạnh mẽ, bằng chứng rõ ràng nhất là việc sản xuất hàng loạt chip 7nm trong điều kiện không mua được các thiết bị xử lý tiên tiến.
Trên hành trình “chinh phục chip” của Trung Quốc, Trương Nhữ Kinh (Richard Chang), người sáng lập SMIC, chính là nhân vật đặc biệt không thể bỏ qua. Từ sản xuất tấm wafer, tấm silicon, đến mô hình CIDM và chip ô tô, hoạt động khởi nghiệp của Trương Nhữ Kinh đều tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc, tập trung giải quyết vấn đề tắc nghẽn về chip.
Sau hơn 20 năm phát triển, SMIC đã trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất mạch tích hợp ở Trung Quốc, đứng thứ 4 trên thế giới. Trương Nhữ Kinh được thị trường mệnh danh là "cha đẻ của chip Trung Quốc". Hiện nay, ở tuổi ngoài 70, ông vẫn đang “phi nước đại” trên hành trình chip Trung Quốc.
Từ bỏ TSMC, quay về Trung Quốc khởi nghiệp
Trương Nhữ Kinh bôn ba khắp nơi vì "chip Trung Quốc" trong phần lớn cuộc đời. Sinh ra tại Đài Loan (Trung Quốc), ông tới Mỹ du học. Sau khi tốt nghiệp với bằng Thạc sĩ công trình ở Mỹ, Trương Nhữ Kinh gia nhập Texas Instruments và làm việc ở đó 20 năm. Trong thời gian đó ông đã làm việc với Jack Kilby, nhà phát minh ra mạch tích hợp, trong 4 năm. Tại đây, ông gặp Trương Trọng Mưu (Morris Chang), Phó chủ tịch của Texas Instruments và sau này thành lập TSMC ở Đài Loan.
Tại Texas Instruments, Trương Nhữ Kinh đã thành lập và quản lý thành công việc phát triển công nghệ và vận hành vi mạch của 10 nhà máy ở Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Italy...
Nung nấu ý định thành lập hãng chip của riêng mình, Trương Nhữ Kinh kiên quyết từ chức và được mời thành lập Shida Semiconductor tại Đài Loan, muộn hơn TSMC 10 năm. Công ty này ngay từ đầu đã thể hiện sức mạnh, chỉ trong 3 năm đã đạt 1/3 năng lực sản xuất của TSMC và bắt đầu có lãi. Vào thời điểm đó, Trương Nhữ Kinh đã công khai tuyên bố rằng các nhà máy thứ nhất và thứ hai của Shida Semiconductor được xây dựng ở Đài Loan, nhưng các nhà máy từ thứ ba đến thứ mười sẽ được xây dựng ở Trung Quốc đại lục. Ông cũng lên kế hoạch đào tạo nhân sự và các vấn đề khác trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, Shida Semiconductor nhanh chóng phát triển thành công ty sản xuất chip lớn thứ ba Đài Loan đã khiến TSMC cảm thấy bị đe dọa và khiến Trương Trọng Mưu bất an. Cuối cùng, TSMC đã bỏ tiền mua lại Shida Semiconductor với giá cao gấp 8 lần giá trị thị trường.
Trương Nhữ Kinh từ bỏ nỗ lực giữ lại cổ phần của mình tại TSMC, ông nhận ra rằng thời điểm khởi nghiệp kinh doanh ở Trung Quốc đại lục đã chín muồi.
Sau khi trở về Trung Quốc đại lục để khởi nghiệp, Trương Nhữ Kinh gặp Giang Thượng Châu, một người bạn thân và là nhân vật quan trọng trong lịch sử ngành bán dẫn Trung Quốc. Trương Nhữ Kinh lúc đầu dự định mở một nhà máy ở Hong Kong, nhưng được Giang Thượng Châu thuyết phục về Thượng Hải xây dựng.
Phát triển thần tốc
Sự xuất hiện của Giang Thượng Châu đã thay đổi hoàn toàn kế hoạch nghề nghiệp của Trương Nhữ Kinh và cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.
Giang Thượng Châu hiểu rõ năng lực chuyên môn của Trương Nhữ Kinh, Trương cũng biết quy hoạch và lòng dũng cảm của Giang, sau khi điều tra, Trương Nhữ Kinh quyết định xây dựng một nhà máy ở Thượng Hải và thành lập SMIC.
Khi Trương Nhữ Kinh thành lập đội ngũ, hơn 300 kỹ sư của Shida Semiconductor và TSMC đã theo chân ông gia nhập SMIC và hơn 100 chuyên gia từ nước ngoài cũng đã về tham gia. Ông đặt mục tiêu xây dựng chuỗi công nghiệp, giúp các công ty đối tác cùng nhau thử nghiệm sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển của chuỗi công nghiệp trong nước và cải thiện hệ thống chuỗi cung ứng cho SMIC.
Tháng 9/2001, dây chuyền sản xuất chip 8 inch của SMIC chính thức hoàn thành, chỉ mất 13 tháng, Trương Nhữ Kinh đã lập kỷ lục mới về việc xây dựng nhà máy sản xuất chip nhanh nhất thế giới.
Dù khởi đầu muộn nhưng SMIC phát triển rất nhanh. Thông tin công khai cho thấy vào năm 2004, SMIC đã xây dựng dây chuyền sản xuất chip 12 inch đầu tiên của Trung Quốc tại Bắc Kinh. Vào thời điểm đó, chỉ có một số công ty ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc có khả năng đầu tư vào dây chuyền sản xuất chip 12 inch.
Tháng 12/2007, SMIC có được thiết bị sản xuất theo quy trình 45nm, chỉ muộn hơn các nước phương Tây khoảng một năm. Tháng 1/2009, SMIC đã nhận được giấy phép xuất khẩu thiết bị chip quy trình 32nm.
Từ khi chính thức bắt đầu sản xuất vào năm 2002 cho đến khi niêm yết tại Hong Kong ngày 18/3/2004, SMIC chỉ mất khoảng 2 năm. Trong giai đoạn này, số nhà máy của SMIC đã tăng lên tới 7 và công suất sản xuất hàng tháng tăng lên 110.000 tấm wafer.
Năm 2020, SMIC được niêm yết trên thị trường cổ phiếu A, trở thành công ty sản xuất wafer được niêm yết trên cả cổ phiếu A và cổ phiếu H. Công ty cho biết họ là một trong những công ty sản xuất wafer mạch tích hợp hàng đầu thế giới và là công ty dẫn đầu trong ngành sản xuất mạch tích hợp ở Trung Quốc. Họ cung cấp dịch vụ kỹ thuật và xưởng đúc wafer cho khách hàng trên toàn thế giới tại các nút công nghệ khác nhau.
Báo cáo thường niên năm 2022 tiết lộ SMIC đã gia công 7.510.800 tấm wafer, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo bảng xếp hạng doanh số bán hàng mới nhất năm 2022 do các công ty đúc thuần túy trên toàn thế giới công bố, SMIC đứng thứ 4 trên thế giới và đứng đầu ở Trung Quốc.
Năm 2022, SMIC thực hiện thu nhập hoạt động là 50,757 tỉ NDT (7,106 tỉ USD), tăng 33,87% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông của các công ty niêm yết là 12,661 tỉ NDT (1,772 tỉ USD), tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 2/6/2023, giá trị thị trường cổ phiếu loại A của SMIC đạt 425,7 tỉ NDT (59,598 tỉ USD).
Tiếp tục khởi nghiệp ở tuổi 75
Thành lập SMIC ở tuổi 52 chỉ là điểm dừng chân đầu tiên của Trương Nhữ Kinh tại Trung Quốc đại lục. Hiện nay, dù đã 75 tuổi, ông vẫn đang khởi nghiệp và dốc sức cho việc tự chủ sản xuất “chip Trung Quốc”.
Vào tháng 11/2009, Trương Nhữ Kinh đệ đơn từ chức và rời SMIC, nơi ông đã cống hiến hết mình. Đồng thời, ông cũng ký thỏa thuận không cạnh tranh.
Trương Nhữ Kinh buộc phải rời SMIC nguyên nhân là tranh chấp bằng sáng chế giữa SMIC và TSMC ngày càng gay gắt. TSMC thường xuyên kiện SMIC vì lý do bằng sáng chế công nghệ và cuối cùng đã đạt được thỏa thuận hòa giải. SMIC phải trả tổng cộng 375 triệu USD cho TSMC và phát hành miễn phí cổ phiếu phổ thông SMIC niêm yết tại Hong Kong cho TSMC. Ngoài ra, TSMC còn được mua lại với giá thấp tổng cộng 10% vốn cổ phần của SMIC.
Sau khi Trương Nhữ Kinh rời đi, Giang Thượng Châu lên nắm quyền, nhưng tháng 6/2011, ông qua đời vì bệnh tật. Trước đó, ông đã kịp đưa Trương Văn Nghĩa vào hội đồng quản trị. Hiện tại, ông Cao Vĩnh Cương giữ chức Chủ tịch SMIC.
Sau khi rời SMIC, Trương Nhữ Kinh không rời khỏi Trung Quốc đại lục hay lĩnh vực chip. Tháng 6/2014, ở tuổi 66, ông bắt đầu kinh doanh trở lại và thành lập Công ty TNHH Công nghệ bán dẫn Shanghai Xinsheng (Shanghai Xinsheng Semiconductor Technology Co.,Ltd), công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Tập đoàn Công nghiệp Bán dẫn Thượng Hải.
3 năm sau, Trương Nhữ Kinh một lần nữa rời bỏ công ty bán dẫn do mình sáng lập. Đến năm 2018, ở tuổi 70, ông đến Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông và thành lập Công ty mạch bán dẫn Qingdao SiEn. Ông đã đưa ra mô hình CIDM, tức là một IDM dùng chung. Theo mô hình này, các công ty tham gia các khâu thiết kế, nghiên cứu và phát triển, sản xuất chip không chỉ có thể chia sẻ tài nguyên mà còn giảm thiểu rủi ro. Ông cho rằng đây là "mô hình mới phù hợp nhất với Trung Quốc".
Tháng 8/2021, nhà máy 8 inch của Qingdao SiEn đã ra mắt thành công tấm wafer, đây là dự án sản xuất mạch tích hợp hợp tác (CIDM) đầu tiên của Trung Quốc.
Tháng 5/2022, Trương Nhữ Kinh từ chức tại Qingdao SiEn và gia nhập Shanghai GTA Semiconductor. Đây là công ty con của Huada Semiconductor và là một trong những nhà cung cấp chính chip xe năng lượng mới. Về vấn đề này, giải thích của người trong ngành là Trương Nhữ Kinh muốn tháo gỡ cục diện khó khăn về thiếu hụt chip trong ngành công nghiệp ô tô điện.
Một số người nhận xét Trương Nhữ Kinh có giấc mơ lớn về chất bán dẫn Trung Quốc và đã từ bỏ mọi thứ vì giấc mơ này, đây chính là điều đáng ngưỡng mộ nhất ở ông.
Tiến sĩ Lương Mạnh Tùng – "Công thần" đứng sau công nghệ chip 7nm của SMIC
[ĐỌC CHẬM] Xung đột toàn cầu thúc đẩy kế hoạch sản xuất chip Apple trên sa mạc như thế nào?
Arab Saudi và UAE chạy đua mua chip 40.000 USD của Nvidia, thúc đẩy các mục tiêu tham vọng về AI
Theo Finance.sina