|
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu tập trung giải quyết về liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. |
Tại Diễn đàn quốc gia về Kinh tế số và Xã hội số lần thứ nhất năm 2023 với chủ đề “Mang nền tảng số đến hộ gia đình”, do Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì cùng Ban Kinh tế Trung ương và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nam Định tổ chức tại TP. Nam Định hôm nay (14/9), vấn đề về dữ liệu và chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa khu vực công và tư là 1 trong 6 nhóm vấn đề trọng tâm mà Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề cập đến.
Để đạt được mục tiêu trong Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đề ra đến năm 2030 kinh tế số chiếm trên 30% GDP, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, đây là mục tiêu cao và rất thách thức, mặc dù Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Mục tiêu này đòi hỏi Việt Nam cần có cách tiếp cận và giải pháp đột phá để thực hiện. Trước thực tế triển khai hiện nay, ông chỉ ra có 6 nhóm vấn đề cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Nhấn mạnh cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới, là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó, trí tuệ nhân tạo (AI) đang là công nghệ nền tảng quan trọng dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức, doanh nghiệp, tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, thời gian tới, các bộ ngành, địa phương cần tìm ra không gian phát triển mới ở các lĩnh vực này; cần tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Đặc biệt, ông Trần Tuấn Anh lưu ý về việc “thúc đẩy sự liên kết, liên thông dữ liệu số, chia sẻ cao giữa các Bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư”.
Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số định hướng Make in Vietnam
Ngành công nghiệp công nghệ số đã trở thành 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng. Các doanh nghiệp công nghệ dù là phát triển công nghệ, sản xuất công nghệ hay cung cấp công nghệ như một dịch vụ đều là nhân tố quan trọng để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ vào toàn bộ nền kinh tế - xã hội, góp phần triển khai và thực hiện chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam (Make in Vietnam).
Theo ông Trần Tuấn Anh, các bộ ngành, địa phương cần tập trung ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo lập khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng "Make in Việt Nam".
Đồng thời, các doanh nghiệp phải biến công nghệ số thành động lực quan trọng cho sáng tạo, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, giúp Việt Nam bắt kịp với xu thế phát triển chung của thế giới và khu vực, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.
Phát triển kinh tế số trên nền tảng KHCN
Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số và phát triển kinh tế số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích, từ đó tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại với quan điểm xuyên suốt là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và động lực, nguồn lực của chuyển đổi số.
“Có như vậy, chuyển đổi số mới toàn dân, toàn diện, để công nghệ số, các nền tảng số hiện diện trong từng hộ gia đình, hiện diện trong mọi hoạt động của từng người dân” – ông Tuấn Anh nói.
Theo ông Trần Tuấn Anh, những vấn đề về mặt pháp lý, an toàn, an ninh mạng và việc đảm bảo quyền riêng tư của người dùng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; Nhận thức, thói quen của người dân còn chưa “thực sự sẵn sàng” cho nền kinh tế số; Việc ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn chậm...
Cùng với đó là việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết. Ưu tiên đầu tư cho khoa học - công nghệ như tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định, đổi mới sáng tạo đi trước một bước; có lộ trình tăng tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước tính trên GDP cho nghiên cứu và phát triển, phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN, tiệm cận tỷ lệ bình quân chung của các nước thuộc khối OECD.
Từ đó đặt ra yêu cầu cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế. Tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, Đổi mới sáng tạo và Năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.
Đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ cần tập trung quan tâm - theo ông Trần Tuấn Anh. Trong đó, cần nhanh chóng triển khai mô hình giáo dục đại học số; đổi mới chương trình đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.
Đặc biệt, ông Trần Tuấn Anh cũng lưu ý việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số phải là một nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia.
“Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả việc phổ cập 8 yếu tố cơ bản của xã hội số: Mỗi hộ gia đình một đường cáp quang băng rộng. Mỗi người dân một điện thoại thông minh, một danh tính điện tử, một chữ ký số cá nhân, một tài khoản thanh toán số, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến, một phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản và có kỹ năng số ở mức cơ bản” – người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương lưu ý.
Việc triển khai kinh tế số tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả ban đầu rất tích cực: Tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên đạt 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96% (theo ước tính và báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông); tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2022 là 28%, dẫn đầu trong các quốc gia Đông Nam Á (theo báo cáo thường niên kinh tế số e- Connomy SEA); Năm 2022 có hơn 1.400 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với năm 2021.
Cùng với đó, hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục được phát triển. 60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân của Việt Nam có trên 1 triệu người dùng hàng tháng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số lượng người dùng hàng tháng trên các ứng dụng di động Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, điểm sáng mới trong phát triển xã hội số ở các địa phương trong 6 tháng đầu năm 2023 là một số tỉnh đã có số lượng tài khoản thanh toán được mở tại các ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đã vượt mức dân số bình quân của tỉnh, có thể kể đến như Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Long An, Kiên Giang.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và những kết quả đạt được của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.