Trung Quốc đang ráo riết bồi đắp những rặng san hô chìm thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam ) và xây dựng trên các đảo nhân tạo này các căn cứ quân sự. Một số người cho rằng không cần quá đau đầu về vấn đề này và có ảnh hưởng rất ít đến tình hình địa chính trị Đông Nam Á.
Nhưng đại đa số khẳng định đó là động thái phá hoại an ninh khu vực, những đảo nhân tạo này sẽ là các tiền đồn giúp Trung Quốc áp đặt chủ quyền cưỡng bức lên một khu vực kinh tế rộng lớn, kiểm soát các hoạt động tự do hàng hải, đánh bắt hải sản, khai thác năng lượng, cũng như các hoạt động hàng không trên hành lang vận tải thương mại đông đúc nhất thế giới.
Những hòn đảo này đang được Trung Quốc mở rộng, xây cất kiên cố, lắp đặt các trang thiết bị, biến thành các căn cứ có khả năng phòng thủ rất mạnh để trở thành một “cụm tàu sân bay không chìm”, nơi mà họ có thể xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay quân sự, trạm radars tầm xa, các hệ thống tên lửa đất đối đất, đất đối không. Hiện thực hóa được tất cả các yếu tố này, Trung Quốc hình thành mạng lưới phòng thủ biển và kiểm soát một khu vực rộng lớn các hoạt động kinh tế, thương mại vận tải thế giới, chiếm hầu hết Biển Đông.
Hiện nay, không ai công nhận tuyên bố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trong vùng lãnh thổ này, Mỹ cũng không công nhận. Những động thái trên đang gia tăng cẳng thẳng trên biển.
Nhưng liệu một cuộc chiến tranh giới hạn có xảy ra? Một số những hòn đảo mới nổi đã bị lực lượng biệt kích được huấn luyện kỹ lưỡng của Trung Quốc đánh chiếm. Bắc Kinh đã tổ chức lực lượng chấp pháp tầm xa (hải giám, hải cảnh, ngư chính) để bảo vệ những gì họ chiếm đoạt được. Hơn thế nữa, Trung Quốc phát triển mạnh lực lượng hải quân, bao gồm cả cụm tàu sân bay tấn công, sẵn sàng hiện thực hóa mục đích của họ.
Trung Quốc gần đây đã đưa vào khai thác sử dụng các phương tiện hải quân có những tính năng đặc biệt, thiết kế dành cho các hoạt động tác chiến đảo đối đảo hoặc biển đối đảo, một trong những phương tiện hải chiến khác thường đáng chú ý nhất là tàu đổ bộ đệm khí Zubr, họ cũng có được giấy phép sản xuất loại tàu đổ bộ này trong khu vực từ Ukraine.
Liên kết giữa lực lượng hàng hải chấp pháp tầm xa và các tàu đệm khí "Zubr Class", có khả năng đổ bộ lực lượng lính thủy đánh bộ quy mô lớn, rõ ràng Trung Quốc đang chuẩn bị xâm chiếm toàn bộ các đảo trong quần đảo Trường Sa lâu dài bằng sức mạnh quân sự.
Mặc dù bờ biển Trung Quốc cách quần đảo Trường Sa đến 500 dặm về phía Bắc, Bắc Kinh luôn khẳng định có chủ quyền “không thể tranh cãi” về văn hóa và lịch sử một cách phi lý và ngang ngược trên vùng nước này. Bắc Kinh tuyên bố tổ tiên của họ phát hiện ra các đảo này cách đây lâu, và kể từ đó ngư dân Trung Quốc vẫn khai thác vùng biển như là của riêng họ mà chẳng cần chứng mình.
Nhiều người bị đánh lừa trong nội dung những tuyên bố này do Trung Quốc muốn duy trì quyền đánh bắt hải sản trong khu vực, nhưng xây dựng các đảo nhân tạo dành cho các mục tiêu chiến lược quân sự lại là một câu chuyện mang tính chất hoàn toàn khác.
Theo Luật Biển và Công ước Liên Hợp Quốc, một hòn đảo, thậm chí là một hòn đảo rất nhỏ, có 12 hải lý ngoài khơi lãnh hải riêng và thêm 200 dặm đặc quyền kinh tế để khai thác khoáng sản và đánh bắt cá. Có thể tưởng tượng rằng, nếu Trung Quốc có một chuỗi của những rạn san hô được xây dựng thành chuỗi các đảo nhỏ, họ có thể tuyên bố kiểm soát một vùng nước rộng lớn đến trên nhiều trăm dặm.
Với trữ lượng dầu được tính đến hàng tỷ thùng và hàng nghìn tỷ khối khí đốt tự nhiên, chuỗi đảo nhân tạo của Trung Quốc có thể bù đắp đáng kể cơn khát năng lượng dữ dội, mà một phần lớn nhu cầu tiêu thụ đó Trung Quốc đang buộc phải nhập khẩu.
Từ chiến dịch xây dựng đảo quy mô lớn trên các rặng san hô, có thể làm gì để gây ra những chấn động phá hủy âm mưu và tham vọng địa chính trị của Trung Quốc, ở đây đòi hỏi giải pháp cứng rắn mà không dẫn đến những đối đầu quân sự.
Mỹ đề cập đến vấn đề này với Bắc Kinh một cách nhẹ nhàng, lần lượt theo thời gian, nhưng không làm một điều gì cụ thể đủ mạnh để đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Nếu như Washington thay đổi đường lối chính sách đối ngoại, có thể từ một chính phủ mới, cách tốt nhất là Mỹ hợp tác với các quốc gia láng giềng Trung Quốc để gây áp lực với Bắc Kinh dẫn đến một thỏa thuận chia sẻ lãnh thổ theo cách nào đó mà đôi bên cùng có lợi.
Vấn đề duy nhất là tại sao Trung Quốc phải ký vào một thỏa thuận như vậy nếu Bắc Kinh được cho rằng là đã đầu tư quy mô lớn vào xây dựng lãnh thổ nhân tạo, phát triển quân sự mà sức mạnh của họ vượt xa sức mạnh của tất cả các quốc gia có tranh chấp về lãnh thổ kết hợp lại?
Cuối cùng, Mỹ và phần còn lại của thế giới chỉ có thể đối đầu với Trung Quốc về vấn đề "độc chiếm biển Đông" này một lần trước khi các máy bay chiến đấu Su 27 Flanker Made in China (J-11) xuất kích từ những hòn đảo nhân tạo và các hệ thống tên lửa không đối không, hải đối hải được lắp đặt.
Đến thời điểm đó, chiến lược tấn công phá hủy nền kinh tế sẽ trở thành vô hiệu. Nếu Mỹ muốn phong tỏa kinh tế Trung Quốc, áp đặt mức thuế cao đối với hàng hóa, Trung Quốc có thể bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ hoặc có những động thái tiêu cực khác, điều đó sẽ là quá muộn.
Trong đấu tranh địa chính trị, Trung Quốc có mọi lý do để không thực hiện bất cứ thỏa thuận chia sẻ vùng nước có tầm chiến lược này với các nước láng giềng, bao gồm các vấn đề về năng lượng, khai thác hải sản, vận tải thương mại và kiểm soát không lưu, rất có thể Bắc Kinh sẽ chỉ sử dụng các phương pháp cứng rắn từ sức mạnh quân sự khổng lồ như: đe dọa chiến tranh, xâm lược và can thiệp quân sự.
Cách duy nhất để thực sự có một cú đảo ngược những gì có thể trong các tranh chấp lãnh thổ lớn nhất và dai dẳng nhất của thời đại chúng ta là cần tập trung đối đầu trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề này bây giờ, trước khi những hòn đảo - căn cứ quân sự này được xây dựng hoàn chỉnh.
Trong lúc đó đồng hồ cát vẫn chảy và Trung Quốc hiểu rõ điều này, thời gian có vẻ đang ủng hộ Bắc Kinh.
Trịnh Thái Bằng, theo QPAN