|
Giới quan sát cho rằng có khả năng xảy ra chiến tranh thương mại Trung Quốc -EU từ cuộc điều tra chống Trung Quốc trợ cấp xe điện (Ảnh: chinanewsitaly). |
Hôm 22/6, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra thông cáo báo chí cho biết Bộ trưởng Vương Văn Đào (Wang Wentao) đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến theo yêu cầu của ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Ủy viên Thương mại của Ủy ban Châu Âu. Hai bên nhất trí bắt đầu tham vấn về điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện của Trung Quốc.
Khoảng hai tuần trước, Ủy ban châu Âu tuyên bố bắt đầu từ ngày 4/7 sẽ áp dụng mức thuế trừng phạt đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất. Ngoài mức thuế 10% ban đầu đối với xe điện nhập khẩu, các công ty ô tô Trung Quốc có thể phải chịu thêm mức thuế trừng phạt bổ sung lên tới 38,1%.
Reuters đưa tin Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi EU hủy bỏ thuế quan và bày tỏ muốn tiến hành đàm phán. Trung Quốc không muốn bị cuốn vào một cuộc chiến thuế quan khác trong khi rất phẫn nộ về mức thuế mà chính quyền Donald Trump trước đây ở Mỹ áp đặt đối với hàng hóa của họ, nhưng Trung Quốc nói rằng nếu cuộc chiến thuế quan với EU xảy ra, họ sẽ thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ các công ty của mình.
Global Times dẫn lời giới quan sát cho rằng, kết quả tốt nhất là trước ngày 4/7 EU hủy bỏ quyết định áp thuế bổ sung. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu, các nhà phân tích và các nhóm vận động hành lang thương mại châu Âu nhấn mạnh rằng cuộc đàm phán sẽ là một công việc quan trọng và Trung Quốc cần phải thể hiện những nhượng bộ lớn.
Alicia Garcia Herrero, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn Bleuler châu Âu, cho rằng sẽ không có ai dám thay đổi quyết định của Liên minh châu Âu trước cuộc bầu cử Pháp. Bà nói: “Ủy ban châu Âu không thể thay đổi quyết định mà họ đã xem xét trong nhiều tháng. Đúng là Trung Quốc đang gây áp lực lên các nước thành viên EU, nhưng họ cần có đa số phiếu ủng hộ để lật ngược quyết định của Ủy ban châu Âu”.
Mức thuế cuối cùng sẽ được xác định sau khi cuộc điều tra chống trợ cấp của EU kết thúc vào ngày 2/11.
Người phát ngôn của Ủy ban Châu Âu hôm 24/6 cho biết: "Phía EU nhấn mạnh rằng kết quả của bất kỳ cuộc đàm phán nào đều cần phải giải quyết một cách hiệu quả vấn đề trợ cấp có hại".
Bộ Thương mại Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters. Maximilian Butek, Trưởng Văn phòng đại diện tại Thượng Hải của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức, nói: "Trừ khi Trung Quốc giải quyết tất cả các vấn đề mà phía châu Âu nêu ra, khả năng EU dỡ bỏ thuế quan sơ bộ trước ngày 4/7 là bằng '0’".
Chiến tranh thương mại sẽ nổ ra?
Trong bối cảnh lo ngại rằng mô hình phát triển lấy sản xuất làm trung tâm của Trung Quốc có thể dẫn đến làn sóng hàng hóa giá rẻ, chính sách thương mại của EU ngày càng trở nên có tính bảo hộ do các công ty Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu nội địa yếu.
Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc về việc trợ cấp không công bằng hoặc sản xuất của họ quá dư thừa công suất, cho rằng sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện là kết quả của ưu thế về công nghệ, thị trường và chuỗi cung ứng công nghiệp.
Trương Yên Sinh (Zhang Yansheng), nhà nghiên cứu trưởng tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cho biết: “Khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố sẽ mở một cuộc điều tra về các phương tiện sử dụng năng lượng mới của Trung Quốc…tôi cho rằng đây không đơn thuần là một vấn đề kinh tế, mà là một vấn đề địa chính trị".
Ngày 20/5/2021, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu đình chỉ trình tự phê chuẩn Hiệp định Đầu tư Trung Quốc-EU và yêu cầu Bắc Kinh bãi bỏ các lệnh trừng phạt đối với các nhà chính trị và nhân viên ngoại giao của EU. Bắc Kinh phản ứng ngay lập tức và tuyên bố đáp trả các biện pháp trừng phạt đối với một số nghị sĩ của Nghị viện châu Âu cũng như một số học giả và tổ chức tư vấn châu Âu.
Kể từ đó, quan hệ thương mại giữa EU và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã xấu đi rõ rệt.
Cung đã giương tên
Mặc dù kêu gọi đàm phán, nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố sẵn sàng trả đũa nếu EU không lùi bước, đồng thời quy trách nhiệm hoàn toàn cho Brussels về căng thẳng leo thang.
Tờ Global Times lần đầu tiên đưa tin rằng Trung Quốc đang xem xét tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu từ châu Âu. Bộ Thương mại Trung Quốc vào tuần trước đã xác nhận điều này; đồng thời cũng chuẩn bị tiến hành một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các sản phẩm sữa của châu Âu. Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã đề xuất tăng thuế nhập khẩu đối với xe chạy xăng phân khối lớn.
Ông Jacob Gunter thuộc Trung tâm nghiên cứu Mercator Trung Quốc cho biết: “Bắc Kinh có thể sẽ áp thuế lên tới 25% đối với ô tô có dung tích từ 2,5 lít trở lên sản xuất tại châu Âu”.
Ông nói thêm: “Thịt lợn và các chế phẩm từ sữa đã nằm trên bàn đàm phán của Bắc Kinh và nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn có thể bị đe dọa”.
Ông bổ sung: “Về phía EU, cũng có nhiều cuộc điều tra khác nhau đang được tiến hành…vì vậy chúng ta nên chờ đợi một số hành động chống lại sự biến dạng trong các sản phẩm (của Trung Quốc), từ thiết bị y tế đến máy quét an ninh sân bay và các sản phẩm ống thép”.
Theo Deutsche Welle