Xe điện Trung Quốc nỗ lực ứng phó với chính sách tăng thuế nhập khẩu của Mỹ và EU

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trước việc Mỹ và EU liên tiếp áp đặt tăng thuế nhập khẩu đối với xe điện Trung Quốc, nước này đang tìm kiếm các biện pháp ứng phó để duy trì vị thế hàng đầu.

Từ ngày 4/7, EU sẽ áp đặt mức thuế chống trợ cấp lên tới 38,1% đối với xe điện Trung Quốc nhập khẩu (Ảnh: TKWW)
Từ ngày 4/7, EU sẽ áp đặt mức thuế chống trợ cấp lên tới 38,1% đối với xe điện Trung Quốc nhập khẩu (Ảnh: TKWW)

Sau khi Mỹ công bố áp mức thuế bổ sung tới 100% đối với xe điện của Trung Quốc vào ngày 14/5; Liên minh châu Âu (EU) hôm 12/6 cũng công bố kết quả sơ bộ cuộc điều tra chống trợ cấp và kế hoạch áp thuế chống trợ cấp tạm thời lên tới 38,1% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất, bắt đầu thực hiện từ ngày 4/7.

Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ sự phản đối và đưa ra phản ứng mạnh mẽ. Bà Lý Siêu (Li Chao), người phát ngôn của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 18/6 đã chỉ ra rằng: “Cuộc điều tra này (của EU) bỏ qua các sự kiện, quy tắc và đã định sẵn kết quả. Nó thực tế là vũ khí hóa và chính trị hóa việc điều tra dưới danh nghĩa cạnh tranh công bằng để phá hoại sự cạnh tranh công bằng. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này”.

Bà Lý Siêu nói, việc EU áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc không chỉ gây tổn hại cho quyền và lợi ích của các công ty Trung Quốc, mà còn sẽ cản trở sự phát triển lâu dài và lành mạnh của các công ty EU, đồng thời sẽ phá vỡ và bóp méo ngành công nghiệp ô tô và chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả EU. Nó không chỉ gây tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng EU và làm tăng sự phụ thuộc của EU vào năng lượng hóa thạch nước ngoài, mà cũng sẽ làm suy yếu quá trình chuyển đổi xanh và giảm phát thải carbon của chính EU cũng như tình hình chung về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Xe dien chat dong tai cac cang.png
Xe điện Trung Quốc hiện đang ùn ứ nhiều tại các cảng biển châu Âu (Ảnh: VOA).

Tesla, Volkswagen, BMW…tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc

Bà Lý Siêu cũng cho biết, "Trung Quốc tích cực hỗ trợ các công ty ô tô từ tất cả các nước tham gia cạnh tranh công bằng và duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp ô tô toàn cầu", đồng thời không hạn chế thị trường nội địa cực lớn của Trung Quốc. Thay vì để các công ty Trung Quốc được hưởng độc quyền, chúng tôi tích cực chào đón các công ty ô tô toàn cầu chia sẻ lợi ích từ thị trường cực lớn của Trung Quốc.

Năm 2018, Trung Quốc đã bãi bỏ hạn chế đối với cổ phần nước ngoài trong sản xuất xe sử dụng năng lượng mới và tiếp tục hạ thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc bình quân xuống 13,8%, trong đó mức thuế bình quân đối với linh kiện và phụ tùng chỉ còn 6%.

Năm 2022, nước này tiếp tục bãi bỏ hạn chế về cổ phần nước ngoài trong xe chở khách. Với sự trợ giúp của môi trường kinh doanh chất lượng cao, lực lượng lao động chất lượng cao và chuỗi cung ứng và công nghiệp hoàn chỉnh của Trung Quốc, các hãng xe Tesla, Volkswagen, BMW đã tới tấp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất xe điện ở Trung Quốc.

Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã tăng mà không giảm kể từ đầu năm nay, đạt 2,31 triệu chiếc, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu xe điện đã bị ảnh hưởng, giảm nhẹ hàng năm. Châu Âu là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu xe điện của Trung Quốc. Năm 2023, gần một nửa số xe điện xuất khẩu được bán ở châu Âu.

Châu Âu và Mỹ, đặc biệt là EU, đã áp thuế đối với xuất khẩu xe điện của Trung Quốc. Phân tích mới nhất của cơ quan xếp hạng quốc tế S&P cho rằng các công ty ô tô liên quan của Trung Quốc có thể chịu được tác động này. "Các công ty ô tô này xuất khẩu xe điện thuần túy tới châu Âu ít, có thể chịu được mức tăng thuế lên tới 38,1% so với mức thuế 10% hiện nay”.

Nha may Tesla o Thuong Hai.jpg
Nhà máy của Tesla xây dựng ở Thượng Hải (Ảnh: SZnews).

Tăng thuế tác động hạn chế tới ô tô Trung Quốc

Trần Trí Hào, nhà phân tích tín dụng tại S&P Global Ratings, phân tích rằng: một mặt, xét về tổng lượng, mức thuế bổ sung có thể kìm hãm sự tăng trưởng xuất khẩu xe điện thuần túy của Trung Quốc sang châu Âu. Nhưng năm 2023, xe thuần điện Trung Quốc xuất sang châu Âu chỉ chiếm không đến 10% lượng ô tô xuất khẩu, do đó tác động tổng thể của việc tăng thuế cũng hạn chế.

Mặt khác, so với thông báo của Mỹ hồi tháng 5 về việc tăng thuế tới 100%, hành động của EU lần này tương đối kiềm chế và các công ty ô tô khác nhau phải đối mặt với mức tăng thuế cũng khác nhau.

Trong số các công ty ô tô bị ảnh hưởng, Tesla có lượng xe điện thuần túy xuất khẩu sang châu Âu lớn nhất. Người ta ước tính rằng lượng xe điện thuần túy Tesla làm ở Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu năm 2023 chiếm khoảng 10% tổng doanh số bán xe của hãng trong năm. Tuy nhiên, mức thuế được đàm phán riêng giữa Tesla và EU có thể thấp hơn so với các hãng xe khác. Quy mô xe điện thuần túy xuất khẩu sang châu Âu của các hãng xe như Chiết Giang Geely, BAIC, BYD cũng hạn chế.

Phân tán cơ sở sản xuất sang châu Âu và Đông Nam Á

Ngoài ra, Trung Quốc dự định trong vài năm tới, các công ty ô tô sẽ tiếp tục phân tán các cơ sở sản xuất sang châu Âu và Đông Nam Á để giảm tác động của các yếu tố địa chính trị tiềm ẩn.

BYD đã công bố kế hoạch lập nhà máy sản xuất xe điện ở Thái Lan, Hungary và Indonesia để thúc đẩy mở rộng kinh doanh toàn cầu. Chery Automobile cũng đang thành lập một nhà máy ở Thái Lan để cung cấp cho thị trường địa phương và xuất khẩu. Nhà cung cấp pin CATL có thể sử dụng nhà máy ở Đức và nhà máy quy mô lớn sắp tới ở Hungary để đạt được mục tiêu bản địa hóa sản xuất pin ở châu Âu trong vài năm tới.

CATL xay dung nha may o Hung.jpg
Hãng sản xuất pin xe điện CATL đang xây dựng Nhà máy pin quy mô lớn ở Hungary (Ảnh: PTS).

Chuyển sang thị trường châu Phi và ASEAN

Từ Trường Minh, nhà kinh tế cấp cao tại Trung tâm Thông tin Quốc gia Trung Quốc, khi tham dự Diễn đàn Xanh ô tô Trung Quốc tại Bắc Kinh gần đây nói rằng các mức thuế bổ sung do châu Âu và Mỹ áp đặt đối với xe điện của Trung Quốc không có nghĩa là tình hình chung của xuất khẩu ô tô Trung Quốc sẽ bị đảo ngược.

Ông nói: "Ô tô thương hiệu Trung Quốc có ưu thế về hiệu suất ở phân khúc xe giá trung bình đến thấp và có tính cạnh tranh cao ở các thị trường đang phát triển nước ngoài. Khi xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ phải chịu mức thuế tăng, các công ty ô tô Trung Quốc có thể tập trung vào thị trường châu Phi và ASEAN".

Số liệu cho thấy, năm 2023, Trung Quốc xuất khẩu 1,497 triệu xe sang các nước châu Á; 1,041 triệu xe sang châu Âu; 908.000 xe sang Nga; 610.000 xe sang Bắc Mỹ; 393.000 xe sang Nam Mỹ, 237.000 xe sang châu Đại Dương và 230.000 xe sang châu Phi. Mặt khác, ngoài xuất khẩu thương mại trực tiếp, các công ty ô tô Trung Quốc sẽ dần dần hướng tới sản xuất và vận hành toàn cầu hóa.

Theo ông Minh, trong tương lai chắc chắn sẽ xuất hiện từ 2 đến 3 công ty đẳng cấp thế giới, thúc đẩy hoạt động kinh doanh ô tô ở nước ngoài của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng.

Theo TKWW