Tân Hoa Xã đưa tin vào khoảng 18h (giờ địa phương), Tòa án nhân dân Trung cấp số 1 thành phố Thiên Tân ngày hôm nay (11/6) đã tiến hành xét xử và tuyên án đối với cựu Ủy viên Bộ chính trị Trung QuốcChu Vĩnh Khang.
Chu bị xét xử về các tội danh nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền, cố ý tiết lộ bí mật quốc gia. Nhà chức trách đã tuyên án tù chung thân đối với những hành vi phạm tội của cựu "trùm an ninh" Trung Quốc này.
Cụ thể, Chu Vĩnh Khang bị tuyên tù chung thân đối với tội danh nhận hối lộ, tước vĩnh viễn các quyền lợi chính trị và tịch thu tài sản cá nhân.
Đối với tội danh lạm dung chức quyền, ông này bị tuyên 7 năm tù giam và đối với tội danh cố ý tiết lộ bí mật quốc gia là 4 năm tù giam.
Tổng hình phạt đối với cả 3 tội danh là tù chung thân, tước vĩnh viễn quyền lợi chính trị, tịch thu tài sản cá nhân.
Theo Tân Hoa Xã, tại phiên xét xử, Chu Vĩnh Khang "phục tùng các phán quyết của tòa án và không kháng án".
Trong lời cuối cùng trước tòa, ông Chu nói - "Tôi chấp nhận các cáo buộc của bên công tố, về cơ bản sự thật rõ ràng. Tôi nhận tội và bày tỏ sự hối lỗi.
Những nhân vật liên quan đưa hối lộ cho thân nhân của tôi trên thực tế là bởi quyền lực trong tay tôi, tôi cần phải chịu trách nhiệm chính."
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cho biết, do vụ án Chu Vĩnh Khang có "một số chứng cứ phạm tội liên quan tới bí mật quốc gia" nên Tòa án nhân dân Trung cấp số 1 Thiên Tân đã tiến hành "xét xử không công khai" từ hôm 22/5.
Theo đó, tòa án đã triệu tập Ngô Binh làm nhân chứng, trình chiếu các đoạn video ghi hình lời chứng của con trai Chu Vĩnh Khang là Chu Tân và vợ ông Chu là bà Giả Hiểu Diệp.
Tòa án Thiên Tân cũng tuyên đọc và xuất trình lời chứng "của các nhân chứng liên quan", hình ảnh vật chứng, ý kiến giám định... để chứng thực việc Chu Vĩnh Khang lợi dụng chức vụ để mưu cầu lợi ích cho Ngô Binh, Đinh Tuyết Phong, Ôn Thanh Sơn, Chu Hạo, Tưởng Khiết Mẫn.
Chu đã nhận hối lộ của cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc Tưởng Khiết Mẫn 731.100NDT (khoảng 2.6 tỷ VNĐ).
Trong khi đó, Giả Hiểu Diệp và Chu Tân nhận hối lộ của Ngô Binh, Đinh Tuyết Phong, Ôn Thanh Sơn, Chu Hạo tới 129.041.013NDT (hơn 455 tỷ VNĐ) và "sau khi xong việc mới nói với Chu Vĩnh Khang".
Tưởng Khiết Mẫn cũng được đưa ra tòa làm chứng tội danh lạm dụng chức quyền của ông Chu.
Lời chứng của Tưởng và các nhân chứng khác cho thấy Chu Vĩnh Khang đã yêu cầu Tưởng và cựu Phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành "giúp đỡ" Chu Tân, Chu Phong, Chu Nguyên Thanh, Hà Yến, Tào Vĩnh Chính "triển khai các hoạt động kinh doanh".
Theo Tòa án Thiên Tân, hành vi của Chu đã giúp các nhân vật nói trên trục lợi hơn 2.136 tỷ NDT (hơn 7.500 tỷ VNĐ), gây tổn thất kinh tế 1.486 tỷ NDT, "tổn hại tài sản công cộng và lợi ích quốc gia" của Trung Quốc.
Thông qua lời chứng của cựu giáo sư trường đảng Trung Quốc Tào Vĩnh Chính cùng các vật chứng, nhà chức trách buộc tội Chu Vĩnh Khang đã giao 5 tài liệu tuyệt mật, 1 văn kiện cơ mật cho Tào - "người không có phận sự được biết về các tài liệu trên" - tại văn phòng của mình.
Vụ án Chu Vĩnh Khang được nhà chức trách Trung Quốc đưa ra xét xử và phán quyết đầy bất ngờ, trong bối cảnh Trung Quốc đang ở giữa tâm điểm chỉ trích của quốc tế, xuất phát từ những hành động xây đảo nhân tạo và cải tạo đảo đá trái phép trên Biển Đông của nước này.
Theo Đại Lộ