|
Một số nhãn hàng quốc tế đã tẩy chay sản phẩm bông nhập từ Tân Cương do quan ngại vấn đề nhân quyền (Ảnh: SCMP) |
Những cá nhân trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt này bao gồm Gayle Manchin – Chủ tịch Hội đồng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ - và Phó Chủ tịch Tony Perkins; nghị sĩ Canada Michael Chong cùng các thành viên của một ủy ban các vấn đề nhân quyền quốc tế của Canada.
Những người bị trừng phạt sẽ không được phép đặt chân tới Trung Quốc, Hong Kong, Macau; các thực thể ở Trung Quốc bị cấm giao dịch hay tiếp xúc với những người này – theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thêm rằng các lệnh trừng phạt được đưa ra nhằm chống lại “những lời nói dối” và “thông tin sai lệch”.
Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt biện pháp đáp trả đũa sau khi hứng lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây, liên quan tới chính sách Tân Cương.
Hôm 26/3, Bắc Kinh đưa ra “phản ứng quyết liệt” đối với Anh, sau khi London quyết định trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc lạm dụng nhân quyền, ngay trong lúc phản ứng của cộng đồng quốc tế trước các chính sách của Trung Quốc ở khu vực này tăng mạnh.
Anh đã tham gia cùng Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt trong tuần này, trong khi việc các hãng bán lẻ thời trang quốc tế từ chối sử dụng bông từ Tân Cương do lo ngại về tình trạng lao động ép buộc đã làm dấy lên làn sóng tẩy chay từ người tiêu dùng Trung Quốc.
Về mặt trận ngoại giao, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và quan chức cấp cao thuộc Đại sứ quán Trung Quốc ở London, Yang Xiaoguang, đã phản ứng lại động thái của Anh. Trong một tuyên bố được đăng tải trên website của Đại sứ quán, ông Yang nói phía Anh đã áp dụng những lệnh trừng phạt đơn phương nhằm vào các cá nhân và thực thể Trung Quốc dựa trên “những lời nói dối và thông tin sai sự thực”.
Ông Yang nói động thái này đã vi phạm luật pháp quốc tế và những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc và làm xói mòn quan hệ giữa Anh và Trung Quốc. Tuyên bố này cũng thể hiện “sự phản đối mạnh mẽ, chỉ trích và phản đối kịch liệt”.
Ông Yang cảnh báo Anh ngừng “đi theo con đường sai lầm” bằng không sẽ phải đối diện với đòn trả đũa từ phía Trung Quốc.
“Trung Quốc sẽ không bao giờ gây rắc rối, nhưng chúng tôi không sợ rắc rối. Chúng tôi hy vọng rằng phía Anh sẽ lập tức đưa ra các biện pháp hiệu quả để sửa sai và có các bước đi vững chắc để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mối quan hệ Trung-Anh” – ông Yang nhấn mạnh.
Trung Quốc đã áp dụng lệnh trừng phạt nhằm vào 4 thực thể và 9 công dân Anh, trong đó có cả các nhà lập pháp, luật sư và doanh nhân mà họ cho là nói dối về những hành động của Trung Quốc ở Tân Cương.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã chỉ trích phản ứng của Bắc Kinh, nói rằng nếu “Bắc Kinh muốn bác bỏ các tuyên bố về lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương một cách có uy tín, họ nên cho phép Cao ủy LHQ về Nhân quyền tiếp cận để xác nhận sự thực”.
Trung Quốc – đang bị Mỹ và Canada nhằm vào do vấn đề Tân Cương – cũng áp các đòn trừng phạt trả đũa đối với các chính trị gia, học giả và nhà ngoại giao của EU; họ cũng liên tiếp bác bỏ cáo buộc sử dụng lao động ép buộc và một số cáo buộc liên quan tới các nhóm người thiểu số Hồi giáo khác.