|
Ảnh vệ tinh chụp đảo Phú Lâm hôm 17/3/2015 |
Theo Diplomat, hai đảo Phú Lâm và Quang Hòa đều đã được Trung Quốc bồi đắp, mở rộng đáng kể nhờ hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Những hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao chụp hôm 17/3 cho thấy trên đảo Phú Lâm đang mở rộng đường băng và các cơ sở của sân bay.
Chỉ trong vòng 5 tháng, một đường băng dài 2.400 m đã bị thay thế hoàn toàn bằng một đường băng mới bằng bê tông dài 2.920 m, kèm theo một đường lăn mới cho máy bay và một các tòa nhà lớn đang được xây dựng gần đó. Các hoạt động cải tạo đất trên đảo Phú Lâm, bị Trung Quốc chiếm giữ từ năm 1956 cũng đang diễn ra.
Cách đảo Phú Lâm 80 km về phía tây nam, hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy diện tích đảo Quang Hòa đã tăng thêm 50% so với thời điểm tháng 4/2014. Đảo Quang Hòa bị Trung Quốc chiếm vào năm 1974. Trên đảo này đồn trú một doanh trại quân đội, 4 radar mái vòm, một cơ sở sản xuất bê tông và một cầu cảng vừa được mở rộng bằng hoạt động nạo vét và cắt phá san hô. Một đê chắn sóng cũng đang được xây dựng quanh khu đất mới cải tạo. Các tòa nhà mới còn xuất hiện trên đảo Duy Mộng gần đó.
Trong những tuần gần đây, mọi sự chú ý đổ dồn vào việc Trung Quốc ồ ạt cải tạo và xây dựng trên ít nhất 7 bãi đá và rạn san hô thuộc khu vực quần đảo Trường Sa mà hầu như không gặp phải cản trở gì. Bắc Kinh yêu sách chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông, chồng lấn lên chủ quyền các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, bất chấp sự phản đối từ các nước láng giềng và lo ngại của cộng đồng quốc tế.
Đầu tháng 4/2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh ngang nhiên tuyên bố Bắc Kinh sẽ sử dụng các đảo nhân tạo cho cả mục đích dân sự và quân sự. Phillipines mới đây cáo buộc các hoạt động cải tạo đất, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc làm hủy hoại môi trường Biển Đông, gây thiệt hại cả trăm triệu USD mỗi năm. Manila cũng đã mở lại căn cứ quân sự tại vịnh Subic cho quân đội Mỹ sử dụng và đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài UNCLOS phân xử. Mỹ cũng khuyến khích hải quân Nhật Bản phối hợp tuần tra với hải quân các nước ASEAN…
Tuy nhiên The Diplomat nhìn nhận, tất cả các động thái phản ứng của khu vực và cộng đồng quốc tế dường như quá mờ nhạt so với tốc độ hoạt động của các cỗ máy hút cát, máy ủi và trạm trộn bê tông di động mà Bắc Kinh đang triển khai trên khắp Biển Đông.
Theo QPAN