|
Trung Quốc đang ráo riết xây dựng chiến lược chống tiếp cận và ngày càng tự tin có thể đánh thắng Mỹ |
Theo Wall Street Journal, một số chuyên gia phương Tây nhận định Trung Quốc đang nấn ná để không phá hỏng bầu không khí của Hội nghị thượng đỉnh G-20 mà nước này lần đầu tiên tổ chức vào đầu tháng tới tuy nhiên sẽ có những bước đi hung hăng hơn trong khoảng thời gian từ sau hội nghị G-20 đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Lần cuối cùng Mỹ và Trung Quốc tiến hành chiến tranh với nhau là tại Triều Tiên vào năm 1950 - hai bên đã giao tranh bất phân thắng bại cho đến khi bế tắc phải tạm đình chiến. Vào cuối thập niên đó, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, hai bên lại suýt giao tranh với nhau. Chính quyền Eisenhower khi đó liên tục đe dọa "nhuộm đỏ Trung Quốc" bằng sức hủy diệt của vũ khí hạt nhân do căng thẳng leo thang xung quanh vấn đề Đài Loan.
Ngày nay, Mỹ và Trung Quốc đã trở thành những đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Do đó nhiều người cho rằng xung đột có vũ trang giữa hai cường quốc này là điều không thể xảy ra. Bởi lẽ cuộc đối đầu quân sự sẽ không chỉ đe dọa những luồng thương mại khổng lồ mà còn cả những hoạt động trao đổi sinh viên, hợp tác khoa học, các dự án kỹ thuật chung và vô số lĩnh vực khác gắn kết hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này với nhau.
Trong bối cảnh Trung Quốc phô trương sức mạnh tại Biển Đông và biển Hoa Đông, nguy cơ xảy ra cuộc đụng độ ngoài ý muốn trên biển và trên không đang gia tăng từng ngày. Nghiên cứu mới của RAND Corp nhận định một cuộc chiến tranh Trung-Mỹ sẽ là kết quả của một cuộc khủng hoảng "bất đắc dĩ".
RAND cảnh báo bạo lực có thể nhanh chóng nổ ra. Đó là vì mỗi bên đều đã triển khai những vũ khí được định vị chính xác, cũng như các công nghệ mạng và vũ trụ, có thể gây thiệt hại thảm khốc cho tài sản quân sự của nhau, kể cả các khẩu đội tên lửa được bố trí trên mặt đất của Trung Quốc và các tàu sân bay của Mỹ. Do đó, họ có động cơ phải tiến hành tấn công phủ đầu ồ ạt với tính toán rằng "nếu không sử dụng vũ khí thì sẽ mất hết".
Theo RAND, một khi để tuột khỏi tầm kiểm soát, giao tranh có thể kéo dài, mặc dù không chắc sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Cả hai quốc gia đều sở hữu các nguồn lực quân sự, công nghiệp và nhân khẩu đủ mạnh để gánh chịu những tổn thất nặng nề và cầm cự. Tương tự như ở Triều Tiên, có thể sẽ không có bên nào giành chiến thắng rõ ràng. Tài liệu của RAND khẳng định Washington và Bắc Kinh cần "tính toán khả năng nổ ra một cuộc xung đột nghiêm trọng, kéo dài, không kiểm soát nổi và thảm khốc, bất phân thắng bại".
Kịch bản đáng ngại trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay (Hà Lan), trong đó phản bác những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông, đồng thời không công nhận những hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp phi pháp tại vùng biển này.
Thay vì nhượng bộ, Trung Quốc gia tăng chiến lược hung hăng của mình, cử máy bay ném bom bay trên bãi cạn Scarborough mà họ chiếm được từ tay Philippines, thông báo tập trận với Nga và điều các đoàn tàu dân quân biển tới những vùng biển đang tranh chấp với Nhật Bản. Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Washington đã công bố những bức ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã dựng các nhà chứa máy bay chiến đấu trên các hòn đảo nhân tạo để chống chọi trước các cuộc tấn công từ trên không.
Cho tới nay, chưa có dấu hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc bố trí máy bay quân sự trên các căn cứ nằm ở giữa biển. Tuy nhiên, một số chuyên gia phương Tây cho rằng có lẽ Trung Quốc đang nấn ná để không phá hỏng bầu không khí của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) mà nước này lần đầu tiên tổ chức vào đầu tháng 9 tới. Giới quan sát dự đoán, có thể Trung Quốc sẽ có những bước đi hung hăng hơn trong khoảng thời gian từ sau hội nghị G-20 đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Rõ ràng phản ứng của Washington trước phán quyết của Tòa Trọng tài là có kiềm chế. Các quan chức Mỹ có vẻ như hy vọng rằng việc họ tránh đưa ra những ngôn từ và hành động khiêu khích, như là phái tàu chiến tới gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép, sẽ tạo điều kiện để Bắc Kinh tìm ra được cách thức tuân thủ phán quyết mà vẫn giữ được thể diện. Tuy nhiên, nghiên cứu của RAND nhận định rằng chiến tranh nhiều khả năng sẽ xảy ra do Trung Quốc đánh giá sai lầm quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh của họ ở Đông Á.
Trên thực tế, hiện tại các nhà lãnh đạo Trung Quốc thậm chí còn đang có cảm giác "ở thế thắng". Những hòn đảo nhân tạo của họ đang trở thành "sự đã rồi"; Tòa Trọng tài không có quyền thực thi phán quyết. Đông Nam Á im lặng. Châu Âu cũng vậy bởi lẽ khu vực đang khó khăn này cần đầu tư của Trung Quốc. Jennifer Lind, chuyên gia về Đông Á của trường Đại học Dartmouth, cho rằng chiến lược của Trung Quốc đã giúp nước này: "kiểm soát được nhiều lãnh thổ hơn và có nhiều ảnh hưởng hơn bao giờ hết". Đáng quan ngại hơn cả, nghiên cứu của RAND lưu ý rằng các nhà chiến lược quân sự Trung Quốc ngày càng tự tin rằng họ có thể tiến hành một cuộc chiến tranh quyết liệt, mau lẹ và giành chiến thắng.
RAND đề xuất Mỹ nên nói rõ rằng Washington không muốn phải phát động tấn công phủ đầu nhằm vào Trung Quốc và phải "mở rộng các kênh thông tin với Trung Quốc trong thời bình, thời khủng hoảng và chiến tranh". Về mục tiêu cuối cùng, lịch sử có bài học không mấy dễ chịu. Năm 2001, khi một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đâm vào một máy bay do thám của Mỹ, khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng và buộc máy bay bị hỏng của Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam, tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã cố gắng liên lạc với chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân theo đường dây nóng. Song ông Giang Trạch Dân đã không bắt máy.