|
Ly hôn giả trở thành công cụ để các cặp vợ chồng Trung Quốc sở hữu thêm bất động sản. Ảnh: Sixthtone |
1. Các cặp đôi Trung Quốc lách luật bằng cách ly hôn giả
Theo truyền thống, các cặp đôi Trung Quốc thường cố gắng chọn ngày tốt để kết hôn. Đây được coi là "chìa khóa" cho một mối quan hệ lâu dài và hạnh phúc. Tuy nhiên, vợ chồng Wuxin lại không bận tâm với những điều đó.
Đối với người phụ nữ 42 tuổi và bạn đời, hôn lễ sắp tới không phải là lý do để ăn mừng mà là thất bại. Cặp đôi này là một trong nhiều cặp vợ chồng ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi cuộc kiểm soát “ly hôn giả” - một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiềm chế thị trường bất động sản đang quá nóng.
Nhiều cặp vợ chồng trên khắp Trung Quốc đã tạm thời ly thân để tránh hạn chế về quyền sở hữu bất động sản, chờ thời cơ kiếm tiền từ thị trường nhà đất. Tuy nhiên, sự gia tăng các vụ ly hôn đã khiến quan chức Trung Quốc cảnh báo, lĩnh vực bất động sản đang đứng trước nguy cơ nổ bong bóng.
Wuxin và chồng cô nằm trong số những người bị ảnh hưởng bởi cuộc kiểm soát đột ngột trên. Giống như ở các thành phố lớn khác, quê hương Thượng Hải của họ chỉ cho phép mỗi hộ gia đình mua hai căn nhà. Đây là một trong nhiều biện pháp được áp dụng trong những năm gần đây nhằm kiểm soát giá bất động sản. Tuy nhiên, nhiều gia đình nhận thấy rằng họ có thể sở hữu thêm ngôi nhà thứ ba thông qua một cuộc ly hôn được lên kế hoạch cẩn thận.
Mặc dù Wuxin và chồng cô đã sở hữu hai căn hộ nhưng cả hai đều được đăng ký dưới tên của người chồng. Do đó, về mặt pháp lý, Wuxin sẽ không sở hữu bất kỳ tài sản nào sau khi ly hôn, đồng nghĩa với việc cô có quyền tự do mua một căn hộ của riêng mình.
Trước đó, những cuộc ly hôn "chiến thuật" kiểu này ở Trung Quốc không được chú ý. Nó đã trở thành một công cụ hữu ích cho các hộ gia đình tìm cách khai thác lỗ hổng từ chính sách của địa phương. Trong một trường hợp cực đoan hơn, một gia đình ở tỉnh Chiết Giang bị phát hiện ly hôn và tái hôn 23 lần trong một tháng để đòi được nhiều tiền đền bù cho ngôi nhà bị giải tỏa. Vụ việc chỉ vỡ lở khi chính quyền phát hiện ngôi nhà trên thuộc sở hữu của tận 13 người.
Lợi nhuận tiềm năng từ các cuộc ly thân, ly hôn hứa hẹn sẽ rất đáng kể. Giá nhà đất đã tăng nhanh chóng khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch COVID-19. Chỉ trong tháng 1/2021, giá bất động sản đã qua sử dụng tại các thành phố hạng nhất - bao gồm Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải và Thâm Quyến - đã tăng 1,3%.
Vì vậy, vào tháng 11 năm ngoái, cặp đôi Wuxin đã đến văn phòng dân sự ở trung tâm thành phố Thượng Hải để thực hiện kế hoạch của họ. Không chỉ có mình cặp vợ chồng Wu gặp phải hoàn cảnh này. Nhu cầu ly hôn quá cao, Wu phải mất hàng tuần mới có được một cuộc hẹn.
Wu nói: “Tất cả chúng tôi đều rất lạc quan rằng giá bất động sản ở khu vực này sẽ tiếp tục tăng. Ly hôn là cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu đầu tư của chúng tôi".
2. Chính sách mới bất ngờ làm vỡ trận các kế hoạch ly hôn giả
|
Mỗi gia đình chỉ có thể sở hữu hai căn nhà ở Thượng Hải. |
Tuy nhiên, cặp đôi đã đến muộn trong cuộc đua này. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng cảnh báo về nguy cơ bong bóng bất động sản kể từ khi giá nhà đất ở một số thành phố lớn tăng gần 25% trong năm 2016. Sự phục hồi gần đây của thị trường làm tăng thêm những lo ngại này.
Hiện nay, các thành phố đang hành động để ngăn chặn các vụ ly hôn giả, nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản. Chính quyền địa phương ở các thành phố Nam Kinh và Thâm Quyến thực hiện các hạn chế mua bất động sản mới nhắm vào các cặp vợ chồng mới ly hôn trong nửa cuối năm 2020.
Các quy định mới nêu rõ rằng, bất kỳ ai muốn mua một căn hộ trong vòng ba năm sau khi ly hôn, trước tiên phải có thỏa thuận được chính quyền phê duyệt. Kế hoạch đầu tư của Wu đã bị đặt ngoài vòng pháp luật chỉ sau một đêm.
Lu Wenxi - nhà phân tích tại Công ty Bất động sản Centaline Thượng Hải - cho biết, nhu cầu đối với bất động sản trong vài tháng qua còn cao hơn so với thời kỳ bùng nổ bất động sản năm 2016.
“Nếu chính phủ không can thiệp ngay lập tức, thị trường có thể dễ dàng phát triển quá nóng" - Lu Wenxi nhận định.
Theo số liệu của cơ quan bất động sản Trung Quốc, số lượng nhà đã qua sử dụng được bán ở Thượng Hải đạt 39.000 vào tháng 12, tăng hơn 96% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong ba tuần đầu tiên của tháng 1, trước khi các quy định mới được công bố, đã có 35.000 căn hộ cũ được bán.
Ông Lu cũng quan ngại rằng, giá bất động sản tăng nhanh chóng ở các thành phố lớn của Trung Quốc có thể khiến nhiều người mua bất chấp lao vào thị trường. Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đã nằm trong số những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Mức giá ở Thượng Hải lên tới 62.000 nhân dân tệ (9.500 USD) mỗi mét vuông vào đầu năm 2021 - gấp hơn sáu lần thu nhập bình quân hàng tháng của thành phố.
Các gia đình địa phương, đặc biệt là những người muốn mua nhà ở gần khu học chánh tốt cảm thấy họ phải mua ngay lập tức trước khi giá cả tăng đến mức ngoài khả năng chi trả. Một số người đơn giản bị thu hút bởi lợi mức nhuận cao, vì vậy họ coi bất động sản là một khoản đầu tư tương đối an toàn.
"Mua hàng có thể là một việc bốc đồng. Khi mọi người đều nói rằng giá sẽ tiếp tục tăng cao, bạn cũng sẽ tin rằng tốt hơn là nên thực hiện ngay bây giờ thay vì để quá muộn. Các chính sách mới rất quan trọng đối với việc thay đổi kỳ vọng trên thị trường" - ông Lu nói.
|
Một nhân viên bán hàng giới thiệu khu chung cư mới cho những người mua tiềm năng tại văn phòng bán hàng ở Thượng Hải. |
Theo Yang Yulei - nhà phân tích bất động sản cấp cao tại Viện nghiên cứu Thượng Hải, dữ liệu ban đầu cho thấy các biện pháp đưa ra vào ngày 21/1 có tác động ngay lập tức đến nhu cầu nhà ở tại Thượng Hải.
"Các chính sách đã tiêm một liều thuốc an thần vào thị trường. Dựa trên dữ liệu từ công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc - Lianjia, trong tuần đầu tiên sau khi các biện pháp mới có hiệu lực, lượng giao dịch căn hộ đã qua sử dụng giảm 26% so với tuần trước. Các chính sách gần đây đã nhắm mục tiêu chính xác đến nhu cầu đầu cơ của người mua".
Các thành phố cũng sẽ đánh thuế đối với việc mua bán nhà trong vòng 5 năm, tăng so với rào cản 2 năm trước đó. Nhưng vẫn còn quá sớm để nói chính xác mức độ hiệu quả của cuộc kiểm soát thị trường bất động sản.
Các cặp đôi trên khắp Trung Quốc đang cố gắng tìm ra lỗ hổng mới sau khi kế hoạch của họ bị xáo trộn bởi cuộc kiểm soát.
Không rõ có bao nhiêu hộ gia đình Trung Quốc đã sử dụng cách ly hôn giả để đầu tư vào bất động sản. Các đại lý bất động sản cho biết hiện tượng này đã trở nên phổ biến ở Thượng Hải, cũng như các thị trường nóng khác như Hàng Châu, Nam Kinh và Thâm Quyến.
3. Những người may mắn bắt kịp "chuyến tàu cuối cùng"
Xu Qingran là một trong những người may mắn. Người phụ nữ 39 tuổi này đã ly hôn chồng vào tháng 9 năm ngoái và cố gắng có được giấy chứng nhận quyền sở hữu ngôi nhà thứ ba vào giữa tháng 1 năm nay - chỉ một tuần trước khi các quy định mới có hiệu lực. Cô tái hôn với chồng vào ngày hôm sau sau khi lĩnh giấy chứng nhận.
"Tôi không thể diễn tả được rằng tôi đã xúc động như thế nào. Nếu không nhờ sự quyết đoán của chồng tôi, có lẽ chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội" - cô cho biết.
|
Quang cảnh một khu nhà ở Thượng Hải. |
Xu và chồng muốn mua căn hộ thứ ba vì lý do cá nhân. Xu nói: “Một mặt, chúng tôi có một khoản tiết kiệm và chúng tôi tin rằng bất động sản là nguồn đầu tư an toàn. Mặt khác, một căn hộ ở gần một khu trường học tốt có thể đảm bảo một suất học tại một trường trung học cơ sở đáng mơ ước cho con gái tôi”.
Nhưng mua nhà ở Thượng Hải vào mùa thu năm ngoái là nói dễ hơn làm. Cặp đôi ban đầu chọn một căn hộ hai phòng có giá 6,2 triệu nhân dân tệ vào đầu tháng 11. Tuy nhiên, khi Xu đến mặc cả để có giá tốt hơn vào ngày hôm sau, cô được thông báo rằng nó đã lên tới 6,4 triệu nhân dân tệ.
"Có rất nhiều người mua tiềm năng háo hức mua nhà. Điều đó khiến các chủ sở hữu tự tin rằng họ có thể tăng giá hơn nữa để kiếm lợi nhuận lớn hơn. Và họ đã đúng" - cô cho biết.
Sau kinh nghiệm này, cặp đôi quyết tâm hành động dứt khoát hơn. "Chồng tôi nói lần tới khi chúng tôi tìm thấy một căn hộ trong phạm vi ngân sách của mình, chúng tôi nên trả tiền đặt cọc và hoàn tất thương vụ ngay lập tức" - Xu nói.
Mặc dù ban đầu cô ấy giữ bí mật về vụ ly hôn giả với người thân, nhưng bây giờ mọi người đều công nhận rằng cô ấy đã có một quyết định thông minh.
"Chúng tôi chỉ tình cờ bắt được chuyến tàu cuối cùng" - người phụ nữ chia sẻ về sự may mắn.
|
Người mua tiềm năng đọc các bản tin đăng trong văn phòng kinh doanh của một dự án bất động sản mới ở Thượng Hải. |
4. "Đâm lao thì phải theo lao" hay quyết định dừng lại?
Tuy nhiên, Wuxin và chồng cô lại không may mắn như vậy.
Cặp đôi đã quyết tâm tăng danh mục tài sản kể từ khi họ sinh con trai thứ hai vào năm 2017. Ở Trung Quốc, nam giới thường cần phải sở hữu một ngôi nhà trước khi đính hôn.
"Có một gánh nặng rất lớn đối với bất kỳ gia đình nào nuôi hai người con trai. Chúng tôi phải chuẩn bị cho mỗi đứa một căn hộ khi chúng đến tuổi kết hôn" - cô cho biết.
Nhìn nhận lại, sai lầm của Wuxin là cố gắng đầu tư vào các công trình mới - một loại bất động sản mang lại lợi nhuận cao hơn, nhưng thường mất nhiều thời gian hơn để có được.
Wuxin giải thích: “Chúng tôi đã làm một số phép toán và quyết định mua một căn hộ mới. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi luôn có thể bán nó với giá tốt hơn nhiều trong hai năm hoặc lâu hơn".
Tại Thượng Hải, các dự án mới thường có danh sách dài người chờ đợi mua. Người mua tiềm năng phải tham gia một cuộc rút thăm để xác định ai có thể sở hữu căn hộ. Họ phải tiền đặt cọc hàng triệu nhân dân tệ chỉ để tham gia rút thăm.
Wuxin và chồng đã trải qua quá trình này khi họ mua căn nhà thứ hai vào năm 2018. Ban đầu, họ đã không thể mua một ngôi nhà trong một khu phức hợp mới ở khu Pudong nơi có hơn 3.000 người tham gia đăng ký mua mà chỉ có 400 căn hộ.
Vài tháng sau, họ mua được căn hộ đang xây dựng với giá chỉ dưới 80.000 nhân dân tệ mỗi mét vuông. Vào thời điểm hoàn thành, ngôi nhà mới của họ trị giá 120.000 nhân dân tệ mỗi mét vuông. Wu tính toán, gia đình cô đã kiếm được 3,6 triệu nhân dân tệ từ thương vụ này.
Vì vậy, khi cặp đôi quyết định đầu tư vào một công trình mới khác và họ đã không ngần ngại ly hôn.
Wu nói: "Tôi không nghĩ điều đó là trái đạo đức - tôi muốn gọi nó là một chiến thuật. Tôi biết khá nhiều cặp đôi khác đã làm điều tương tự. Nó chỉ phụ thuộc vào các chiến lược đầu tư khác nhau của các gia đình. Nếu bạn không thể chấp nhận, bạn có thể chọn không làm nhưng bạn không cần phải chỉ trích người khác khi làm điều đó".
Vào một buổi sáng cuối tuần se lạnh của tháng 12/2020, chỉ vài ngày sau khi hoàn tất thủ tục ly hôn, cặp đôi đã hòa vào dòng người xếp hàng dài chờ đến lượt rút thăm tại một công trường xây dựng mới. Wuxin cho biết, gần 2.600 người đăng ký mua với 200 căn hộ được chào bán.
Nhưng may mắn không đến với bọn họ. Vài tuần sau đó, chính sách mới bất ngờ ập đến. Wuxin đã hoàn toàn mất cảnh giác.
“Chiến thuật ly hôn giả đã hoạt động trong nhiều năm - chúng tôi không bao giờ ngờ đến nó sẽ bị cấm chỉ trong một sớm một chiều” - cô nói.
Theo các quy định mới, cặp vợ chồng sẽ đủ điều kiện để mua một căn hộ mới chỉ khi họ ly hôn đủ 3 năm. Số lượng nhà thuộc sở hữu của những người đã ly hôn sẽ được tính dựa trên tổng số nhà mà họ có khi họ vẫn còn kết hôn.
Bây giờ, những người ly hôn như Wuxin phải đối mặt với hai sự lựa chọn. Một là tiếp tục chờ cho đủ 3 năm, hai là quay lại cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, Wuxin đã quyết định cắt lỗ và tái hôn càng sớm càng tốt. Cô nói: “Không đáng để tiếp tục ly hôn chỉ để chờ giấy phép. Chúng tôi không biết giá thị trường sẽ thay đổi thế nào, hoặc những chính sách khác mà các cơ quan quản lý có thể sẽ đưa ra vào thời điểm đó".
Theo Sixthtone