Nếu ông Tập Cận Bình thi hành được đầy đủ chính sách tái cơ cấu và giải quyết được những quan điểm đối lập về chính trị và quân sự thì quân đội Trung Quốc sẽ có phương pháp tổ chức và điều hành gần như quân đội Mỹ. Đội quân PLA tái cơ cấu, sẽ không hơn quân đội Mỹ trong một cuộc chiến quy ước vì những lỗ hổng kỹ thuật và sự thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Nhưng với nhân tố chính là chiến thuật trong một cuộc chiến đặc biệt cùng với kỹ thuật thế hệ mới, PLA có thể có cơ hội trở thành một lực lượng mạnh nhất thế giới.
Hoài bão quyền lực
Việc ông Tập Cận Bình tái cơ cấu quân đội có 2 lý do: Trung Quốc cần một hoài bão về quyền lực trên thế giới với một đội quân hiện đại có thể chiến đấu và chiến thắng. Đồng thời ông đang cần phải củng cố quyền lực trong Đảng.
Với mong muốn trở thành một quyền lực trên thế giới, các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có những hành động tái cơ cấu và hiện đại hóa vũ khí quân đội nhưng quân đội vẫn được tổ chức theo mô hình Liên Xô cũ. Chiến thuật tác chiến và học thuyết chiến tranh không thay đổi nhiều lắm vì những kỹ thuật thô sơ và lực lượng lục quân cồng kềnh có từ thời chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Trong khi quân đội thế giới đã chuyển sang tác chiến phối hợp từ những năm 1980, lục quân vẫn là một nhánh phục vụ chủ yếu nhất trong PLA. Hải quân và không quân chỉ có vai trò phụ trợ.
Từ quan điểm quốc phòng và an ninh đối ngoại, sự yếu kém của PLA tạo ra mối lo ngại cho chính quyền. Trung Quốc đã quyết định rót hàng trăm tỷ USD vào ván bài "Vành đai-Con đường" một kế hoạch phát triển lớn đa quốc gia để thúc đẩy thương mại giữa Trung Quốc và các nước Á-Âu qua đường bộ và đường biển. PLA hiện đang phải đối mặt với những vấn đề biên giới với Ấn Độ và những tranh chấp trên Biển Đông. Ở phía Đông, Trung Quốc phải dè chừng Triều Tiên đã có khả năng hạt nhân.
Kết quả huấn luyện rõ ràng của các đơn vị PLA tại Chu Hòa Nhật đủ cho ông Tập Cận Bình thuyết phục những lãnh đạo cao cấp nhất của PLA chấp nhận tái cơ cấu ở mức độ cao để quân đội có thể đứng vững. Việc tái cơ cấu được thực hiện với rất nhiều chi tiết học được từ các nghiên cứu về quân đội Mỹ:
- Quân Ủy Trung ương Trung Quốc được cải tổ lại để phù hợp với cơ cấu chỉ huy tác chiến liên hợp. Điều này phản ánh việc bãi bỏ 4 cơ quan trực thuộc, cơ cấu lại thành 15 đơn vị bao gồm cả các tướng lĩnh cấp cao trong lực lượng hải quân và không quân trong Quân ủy vào Đại hội 19.
- Hệ thống chỉ huy được chia làm 2: hệ thống tác chiến và hệ thống quản lý. Ví dụ, các vùng tác chiến sẽ giám sát các kế hoạch chiến dịch... Trong khi, các quân chủng tổ chức, huấn luyện và trang bị cho các đơn vị tác chiến.
- PLA được tổ chức lại thành các lữ đoàn thay vì các sư đoàn.
- Chương trình hợp nhất quân sự với dân sự mới của Trung Quốc hướng tới việc phát triển một tổ hợp quân sự - công nghiệp giống của Mỹ.
- Vào 10.11, Quân Ủy trung ương Trung Quốc thông báo đưa ra chương trình nghĩa vụ quân sự mới.
- Ngày 24.11, truyền thông Trung Quốc thông báo về việc thí điểm một chương trình giáo dục quân sự chuyên nghiệp.
Trung Quốc dành 1,9% GDP (khoảng 216 tỷ USD vào năm 2016) cho ngân sách quốc phòng. Bộ Quốc phòng Trung Quốc thừa nhận "khoảng cách rõ ràng" giữa kỹ thuật quân sự của PLA và các nước phát triển khác. Ví dụ, tàu sân bay Liêu Ninh là tàu được cải tiến lại từ chiếc tàu tua bin hơi nước do Liên Xô đóng. Còn máy bay tiêm kích J-31 thế hệ mới của PLA thiếu động cơ tân tiến để có thể bay với vận tốc siêu thanh như chiếc F-35. Xe tăng Type 99 là xe tăng hiện đại nhưng chưa từng được đưa ra thực chiến. Tiếp theo, đội quân 2 triệu binh sĩ của Trung Quốc thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Chưa kể từ 1997 tới 2012, rất nhiều tướng Trung Quốc tham nhũng, quân đội không được huấn luyện tốt, thiếu tác phong chuyên nghiệp.
Vượt qua khoảng cách
Việc các nước sử dụng các thiết bị được sản xuất tại Trung Quốc cho phần cứng công nghệ cao sử dụng trong quân đội cũng là một phương tiện để PLA chiếm ưu thế. Đã từng có vài trường hợp, microchip làm tại Trung Quốc là giả mạo hoặc chứa spyware. Năm 2010, Hải quân Mỹ phát hiện ra họ đã mua phải 59.000 microchip giả từ Trung Quốc. Những con chip này được dự định dùng trong tên lửa, máy bay chiến đấu, tàu chiến và các thiết bị khác.
Năm 2014, Reuters đưa tin Lầu Năm Góc đã chấp thuận việc sử dụng nam châm Trung Quốc trong thành phần phần cứng đặc biệt của máy bay F-35. Kịch bản tốt nhất là những thiết bị Trung Quốc chế tạo hoạt động tốt. Nhưng ngược lại, điều xấu nhất là những thiết bị này có thể làm cho hệ thống hư hại hoặc hoạt động như thiết bị do thám cho PLA.
Một điều đáng chú ý hơn là những gì PLA có thể phát triển, chế tạo. Ngày 13.11, nhà khoa học về trí tuệ nhân tạo tại đại học California, Stuart Russel đã đưa ra một đoạn phim tưởng tượng, nhấn mạnh khả năng hủy diệt của máy bay không người lái có trí tuệ nhân tạo, tiêu diệt các chính trị gia và các nhà hoạt động xã hội ngay giữa ban ngày. Trung Quốc hoàn toàn có thể làm ra những gì Russell tưởng tượng.
Hiện tại, Trung Quốc đang đứng hàng đầu trong lĩnh vực chế tạo máy bay không người lái và có thị phần lớn trong thị trường máy bay không người lái dân sự (chỉ riêng công ty Đại Cương đã chiếm 70% thị phần toàn cầu). Trong khi đó, Bắc Kinh đang có kế hoạch chi 100 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn trong chiến lược "Made in China 2025". Vì vậy, không kỳ lạ khi PLA có khả năng phát triển những chiếc máy bay không người lái có trí tuệ nhân tạo.
Cuối cùng, PLA có khả năng đe dọa an ninh mạng. Trong những năm gần đây, đơn vị an ninh mạng của PLA đã đột nhập thành công vào nhiều mạng trên thế giới và hạ tầng thông tin của các công ty và chính phủ. Tháng 5.2014, Bộ Tư Pháp Mỹ đã truy tố 5 thành viên thuộc đơn vị 61398 (thuộc Bộ tổng tham mưu cũ) vì đã đột nhập và lấy cắp thông tin của tập đoàn thép Mỹ Westinghouse Electric và các công ty khác. Hacker Trung Quốc cũng từng đột nhập thành công hệ thống máy tính của Cục quản lý nhân sự Mỹ có thông tin của 4 triệu nhân viên chính phủ.
Như vậy, PLA có đủ khả năng để cản trở các đội quân sử dụng mạng máy tính để liên lạc. Năm nay, 4 tàu của Hải quân Mỹ đã bị va chạm trong vùng biển Hoa Đông. Điều tra nội bộ cho biết sự việc xảy ra do sơ suất của thủy thủ đoàn. Nhưng các sự cố va chạm giữa 2 tàu chiến USS Fitzgerald và USS John S.McCain với những tàu thương mại theo tần suất và thời gian quá gần nhau đã khiến các nhà điều tra chính phủ và chuyên gia kỹ thuật xem xét về khả năng có thể đây là vụ tấn công mạng.
Việc tái cơ cấu quân đội của ông Tập Cận Bình có thể lấy cảm hứng từ tính ưu việt của quân đội Mỹ, phục vụ song song 2 mục đích: hiện đại hóa PLA và củng cố quyền lực trong đảng. Một đội quân Trung Quốc hiện đại có thể không vượt qua được Mỹ trong một cuộc chiến thông thường nhưng kết quả sẽ nghiêng về PLA nếu họ sử dụng những cách tác chiến và vũ khí đặc biệt. Trong kịch bản đó, PLA sẽ trở thành một đội quân "Mỹ hóa" lớn nhất có thể đe dọa tới Mỹ.