|
Thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh minh họa SCMP |
Chính quyền thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh phía nam Quảng Đông đã đầu tư 200 tỉ nhân dân tệ (29 tỉ USD) thành lập các quỹ giúp thúc đẩy các hoạt động liên quan đến công nghệ bán dẫn, năng lượng tái tạo và những lĩnh vực công nghệ cao khác trong thành phố.
Chương trình này được đưa ra theo những sáng kiến công nghệ khác, do chính quyền các thành phố Bắc Kinh, Thâm Quyến và Hàng Châu công bố gần đây, đặt mục tiêu thúc đẩy sự phục hồi kinh tế công nghệ cao của Trung Quốc khi quốc gia này dỡ bỏ những rào cản của 3 năm kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt.
Cuối tuần qua, chính quyền địa phương thành phố Quảng Châu đã công bố đầu tư 150 tỉ nhân dân tệ vào Quỹ đầu tư công nghiệp (FOF), tập trung vào những hoạt động tài chính trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn, năng lượng tái tạo và sản xuất công nghệ cao tiên tiến.
FoF sẽ đầu tư vào các chương trình công nghệ khả thi thông qua những quỹ phụ và tài trợ trực tiếp nhằm mục đích thu hút các dự án quy mô vừa và lớn đến Quảng Châu, từng bước mở rộng thành một nhóm quỹ với tổng trị giá lên tới 600 tỷ nhân dân tệ, theo tuyên bố của chính quyền thành phố. FoF, được thiết kế để phân bổ tiền mặt cho một danh mục các quỹ đầu tư, được chính quyền địa phương Trung Quốc sử dụng để phát triển những ngành công nghiệp có sự quan tâm đặc biệt.
|
Các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ bán dẫn trở thành trọng tâm đầu tư chính của các chính quyền địa phương lớn ở Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock. |
50 tỉ nhân dân tệ khác được Quảng Châu dành riêng để tài trợ đầu tư đổi mới, tập trung vào các công ty công nghệ cao giai đoạn đầu. Quỹ đầu tư này, dự kiến sẽ phát triển thành một cụm quỹ có trị giá 200 tỉ nhân dân tệ trong vài năm tới, cung cấp những hỗ trợ cụ thể về nhân tài và chuyển giao công nghệ, đồng thời đầu tư vào hạt giống và thiên thần công nghệ cho các công ty khởi nghiệp.
Sáng kiến mới nhất của Quảng Châu phù hợp với lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong Đại hội Đảng lần thứ 20 vào tháng 10 /2022 nhằm hồi sinh năng lực R&D của khu vực tư nhân của đất nước, đang gặp khó khăn sau 3 năm áp dụng chính sách Zero Covid nghiêm ngặt của đất nước và những lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nỗ lực tài trợ của thành phố được cho là sẽ nâng cao năng lực cho Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Mỹ. Điển hình là cuộc cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực bán dẫn, gia tăng nhanh chóng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành Đạo luật Khoa học và Chip tháng 8/2022, cho phép Washington đưa ra những ưu đãi gần 53 tỉ USD để thu hút các doanh nghiệp sản xuất chip đến quốc gia này.
Việc thành lập các quỹ do chính quyền địa phương lãnh đạo không phải là mới ở Trung Quốc, những hỗ trợ tài chính cấp nhà nước đã thúc đẩy sự phát triển những ngành công nghiệp lớn trong nhiều thập kỷ qua.
Quỹ đầu tư Công nghiệp mạch tích hợp Trung Quốc, còn được gọi là Quỹ lớn (Big Fund), được thành lập năm 2014 với tư cách là công cụ đòn bẩy tài chính chính cho ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia, chỉ vòng đầu tư ban đầu đã lên tới hơn 138 tỉ nhân dân tệ. Nhưng quỹ này đã bị nhấn chìm trong một vụ bê bối tham nhũng vào năm 2022 với một số giám đốc điều hành của quỹ bị điều tra.
Chính quyền tỉnh phía đông An Huy tháng 1/2023 thông báo rằng sẽ thành lập một quỹ định hướng trị giá 200 tỉ nhân dân tệ, định hướng vào những ngành công nghệ cao. Trong cùng tháng đó, chính quyền thành phố Tây An, thủ phủ của tỉnh phía tây bắc Thiểm Tây, cũng thông báo kế hoạch thành lập một nhóm quỹ trị giá hơn 100 tỉ nhân dân tệ, tập trung đầu tư vào những kỹ thuật sản xuất tiên tiến.
Theo South China Morning Post