Trung Quốc sẽ không ép buộc doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ

VietTimes – Theo Caixin, chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc dự luật bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài, ngăn chặn tình trạng cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Đây được cho là động thái từ Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng với Mỹ.
Ảnh minh họa: CNBC

Hãng thông tấn Trung Quốc Caixin, có trụ sở tại Bắc Kinh, đưa tin chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc dự luật mới để bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài. Dự luật cũng nghiêm cấm chính quyền địa phương sử dụng biện pháp hành chính để cưỡng ép các doanh nghiệp quốc tế phải chuyển giao công nghệ.

Mặc dù, ép buộc chuyển giao công nghệ là trái với chính sách của Trung Quốc, nhưng các doanh nghiệp quốc tế cho biết nó là “quy tắc bất thành văn”, mà họ phải tuân theo khi tham gia thị trường Trung Quốc.

Giáo sư kinh tế và chinh sách công của Đại học Carnegi Mellon, Lee Branstetter viết trong bản tóm tắt chính sách của Viện Kinh tế Quốc tế Petterson: “Các chuyên gia và nhà quan sát thị trường đã xác nhận việc Trung Quốc nhiều lần yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp bản địa, như một thứ điều kiện để tiếp cận Trung Quốc. Trung Quốc đã liên tục thất bị trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp nước ngoài”.

Đây vốn là vấn đề gây tranh cãi giữa hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới trong những năm qua, và đã được Washington đưa ra khiếu nại rằng nó có thể tạo ra sự mất cân bằng thương mại và gây gây bất lợi cho các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Đại lục. Dự thảo luật này được nhận định là động thái nhượng bộ đầu tiên của Trung Quốc với Mỹ trong cuộc chiến thương mại.

Dự luật mới nhấn mạnh rằng chuyển giao công nghệ cưỡng bức là bất hợp pháp, bao gồm điều khoản cấm chính quyền địa phương “bắt doanh nghiệp nước ngoài chuyển gia công nghệ hoặc sử dụng biện pháp trái phép để ngăn họ tiếp cận thị trường”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: SCMP

Dự thảo luật cho biết doanh nghiệp nước ngoài có thể tự do chuyển lợi nhuận thu được ra khỏi Đại lục và bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Cụ thể, doanh nghiệp nước ngoài và địa phương sẽ được đối xử công bằng, trừ khi tổ chức kinh doanh quốc tế tham gia vào một số lĩnh vực trong danh sách “tiêu cực” của Trung Quốc.

Nếu dự luật trên được thông qua, nó có thể sẽ thay thế cho 3 bộ luật hiện hành liên quan đến doanh nghiệp có cổ phần nước ngoài, liên doanh hợp đồng và doanh nghiệp với 100% vốn nước ngoài. 

Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp vẹn cả đôi đường cho cuộc chiến thương mại. Bên thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina (1/12), hai bên đã ký kết thỏa thuận ngừng áp dụng hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa nhập khẩu cho tới tháng 3/2019. Sau cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nhà Trắng tiết lộ rằng hai bên đã đồng ý đàm phán thay đổi chính sách về chuyển giao công nghệ vào bảo vệ tài sản trí tuệ.

Theo CNBC