Trung Quốc “nuốt” Scarborough, Mỹ sẽ xuất binh hạm đội 7

VietTimes -- Các quan chức Lầu Năm Góc tin rằng Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng một tam giác căn cứ quân sự trải rộng từ Đá Subi, Đá Chữ thập, và Đá Vành Khăn ở phía nam và cuối cùng là bãi cạn Scarborough. Mỹ sẽ không ngồi yên và sẽ chủ động phản đối bá quyền quân sự trong khu vực, National Interest cho biết.
Chiến đấu cơ chuẩn bị xuất kích trên tàu sân bay Mỹ
Chiến đấu cơ chuẩn bị xuất kích trên tàu sân bay Mỹ

Hình ảnh các tàu Trung Quốc hoạt động gần bãi cạn đang tranh chấp quan trọng – bãi Scarborough trên Biển Đông được phát tán ngay trong tuần các lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 và thảo luận về các tranh chấp hàng hải.

Bộ quốc phòng Philippine đã đưa ra những hình ảnh về 11 chiếc tàu Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough trong đó bao gồm cả một số tàu được thiết kế cho hoạt động nạo vét – một dấu hiệu quan trọng cho thấy Trung Quốc đang lờ đi lời kêu gọi của Mỹ và cộng đồng quốc tế về việc dừng hành động xây dựng đảo trên các bãi cạn và đảo đang tranh chấp.

Theo National Interest, một quan chức từ Lầu Năm Góc xác nhận rằng Trung Quốc đã tăng cường một số lượng các tàu và tàu tuần tra hàng hải trong khu vực lân cận bãi cạn Scarborough – một bãi cạn lớn  cả Trung Quốc lẫn Philippines tuyên bố chủ quyền. Bãi cạn này gần vịnh Subic – nơi Mỹ dự định triển khai các tàu chiến trong tương lai để hậu thuẫn cho hiệp ước quốc phòng Washington- Manila. Nhưng vị quan chức Lầu Năm Góc cũng cho hay vẫn không thể xác nhận mức độ chính xác của báo cáo của Philippines rằng những tàu này bao gồm cả những tàu nạo vét.

11 chiếc tàu Trung Quốc triển khai quanh rìa phía bắc bãi cạn bao gồm 4 tàu an ninh biển và 7 tàu vỏ xanh vừa có thể là tàu đánh cá lại vừa có thể là tàu nạo vét và xây dựng. Bức ảnh được chụp vào ngày 3/9 bởi một máy bay do thám Philippine và công bố ngay khi Hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc ở Hàng Châu, Trung Quốc.

Máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc phô trương thanh thế trên bãi cạn Scarborough
Máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc phô trương thanh thế trên bãi cạn Scarborough
Bãi cạn Scarborough được dự báo sẽ thành điểm nóng mới trên Biển Đông
Bãi cạn Scarborough được dự báo sẽ thành điểm nóng mới trên Biển Đông

Sự gia tăng các tàu Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh ở Lầu Năm Góc, vốn đang giám sát chặt chẽ các hoạt động trên đảo.

National Interest cho biết, cơ quan tình báo Lầu Năm Góc đã được báo động về các kế hoạch nạo vét và xây dựng trên bãi cạn Scarborough của Trung Quốc vào tháng 12. Đó là khi các báo cáo cho biết một công ty Trung Quốc đã ký hợp đồng xây dựng sân bay, tòa nhà chính phủ và các tòa dân cư, hải cảng và khu nghỉ mát

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tiết lộ rằng vào tháng 12, nước này cũng chế tạo một tàu nạo vét mới và lớn hơn sẽ được hoàn thành vào tháng 7/2017, mục đích có thể dành để bồi lấp bãi cạn Scarborough. Tàu nạo vét này cũng giống như các tàu khác được dùng cho xây dựng đảo quy mô lớn ở Trường Sa và các địa điểm khác.

Hoạt động của tàu Trung Quốc quanh Scarborough bắt đầu tăng cường vào tháng trước khi hơn 12 tàu an ninh biển nước này đã được phát hiện. Trước đó, Trung Quốc đã cử một đến ba tàu tới bãi cạn tranh chấp mà Trung Quốc chiếm từ tay Philippines vào năm 2012.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã bồi lấp phi pháp 3.200 mẫu Anh ở các đảo nhân tạo cả ở Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Các quan chức Lầu Năm Góc tin rằng Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng một tam giác căn cứ quân sự trải rộng từ Đá Subi, Đá Chữ thập, và Đá Vành Khăn ở phía nam và cuối cùng là bãi cạn Scarborough. Chính bởi vì Scarborough gần vịnh Subic ở Philippines nên Lầu Năm Góc càng lên tiếng mạnh hơn trong việc phản đối xây dựng trên bãi cạn này.

National Interest vạch rõ, nếu bãi đá tranh chấp được quân sự hóa, nó sẽ nâng cao khả năng triển khai sức mạnh không quân và hải quân của Trung Quốc chống lại Mỹ. Căn cứ này cũng củng cố khả năng chống tiếp cận của Trung Quốc, vốn được thiết kế để buộc quân đội Mỹ phải ra khỏi khu vực. Nó cũng sẽ cung cấp căn cứ chiến lược cho Trung Quốc áp dụng một khu nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Đô đốc Harris Harry, chỉ huy Tư lệnh Thái Bình Dương nêu rõ hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc là một phần trong nỗ lực quân sự hóa Biển Đông. Các máy bay chiến đấu tiên tiến đã được triển khai cùng với tên lửa chống máy bay và tàu thuyền ở một vài hòn đảo. “Họ đang thay đổi bối cảnh hoạt động trên Biển Đông”, Đô đốc Harris lên án hồi tháng 2.

Nhà Trắng không đề cập gì về việc các căng thẳng gia tăng trên Biển Đông có được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp giữa Tổng thống Obama với ông Tập Cận Bình hay không. Tuyên bố của Nhà Trắng cho thấy Tổng thống nhấn mạnh vào cam kết vững chắc của Mỹ với an ninh của các nước đồng minh hiệp ước trong khu vưc châu Á- Thái Bình Dương.

Lời tuyên bố chỉ nêu: “Tổng thống tái khẳng định rằng Mỹ sẽ hợp tác với tất cả các nước trong khu vực để duy trì luật lệ quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở, tự do hàng hải và hàng không” mà không đề cập đến phán quyết mới đây của Tòa Trọng tài quốc tế.

Ông Obama cũng không đề cập đến tranh chấp hàng hải với Trung Quốc trong một cuộc họp báo chung. Tuy nhiên ông có lưu ý rằng an ninh hàng hải nằm giữa những khác biệt của Mỹ và Trung Quốc đã được thảo luận trong các cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc.

Quan ngại của Mỹ về việc Trung Quốc chiếm biển và tuyến đường chiến lược mà hàng nghìn tỷ USD hàng hóa vận chuyển qua mỗi năm đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter đề xuất quân đội Mỹ nên áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn.

Khi được hỏi về khả năng xây dựng quân sự trên bãi Scarborough vào ngày 4/6, ông Carter nói: “Tôi hi vọng điều này sẽ không xảy ra vì nó có thể dẫn đến phản ứng của cả Mỹ lẫn các bên khác trong khu vực và sẽ có ảnh hưởng không hề nhỏ, không chỉ làm gia tăng căng thẳng mà còn có thể cô lập Trung Quốc”.

Hai tuần trước, ông Carter cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Monohar Parrikar ký kết hiệp ước vận tải quân sự với mục đích rõ ràng là cảnh báo Trung Quốc rằng quân đội Mỹ và Ấn Độ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với sự xâm lược của Trung Quốc. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các cuộc ghé thăm cảng và bảo trì tàu hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Cuộc tập trận Malabar quy tụ hải quân Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản
Cuộc tập trận Malabar quy tụ hải quân Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường trực ở châu Á-Thái Bình Dương
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường trực ở châu Á-Thái Bình Dương

Các nhà phân tích cũng cho hay các tàu Trung Quốc tiến đến gần bãi cạn Scarborough vào đúng thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh và đặt ra thách thức trực tiếp với Mỹ và các đồng minh trong khu vực – những nước đang phản đối chính sách bá quyền của Trung Quốc.

“Việc Ủy ban quốc phòng quốc gia Philippine công bố hình ảnh 11 chiếc tàu Trung Quốc ở trong khu vực cách bãi cạn Scarborough 3 dặm đã gây rắc rối vì nó cho thấy quân đội Trung Quốc có thể đã quyết định chuẩn bị bồi lấp đảo”, ông Jim Fanell, cựu thuyền trưởng hải quân và nguyên là giám đốc tình báo hạm đội Thái Bình Dương nhận định.

Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, thông qua sự việc này, nên chuẩn bị triển khai trinh sát toàn diện và bền vững cả trên không và bề mặt biển để kiểm tra các tàu và xác định được mục đích của chúng.

“Những kết quả này nên công khai với công chúng Mỹ và cộng đồng quốc tế ngay lập tức và nếu nó cho thấy Trung Quốc quả thực đang bắt đầu chuẩn bị bồi lấp bãi cạn Scarborough, thì Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nên cử Hạm đội 7 đến để ngăn chặn việc các đồng minh của Mỹ bị xâm hại quá mức”, ông Fanell gợi ý.

Phản ứng của Mỹ với hành động chiếm đóng của Trung Quốc trên Biển Đông cho đến nay vẫn hạn chế ở mức độ thể hiện sự quan ngại và lên tiếng ủng hộ các đồng minh, thậm chí ít triển khai sức mạnh quân sự.

National Interest cho rằng, các nước cần có phản ứng mạnh mẽ hơn trước sự hiện diện của các tàu Trung Quốc và có khả năng là các tàu nạo vét gần bãi cạn Scarborough, bao gồm việc triển khai các chuyến bay tuần tra hàng hải của máy bay tác chiến P-8 và triển khai tàu ngầm trong khu vực như là một cảnh báo chiến lược tới Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không ngồi yên và sẽ chủ động phản đối bá quyền quân sự trong khu vực.