Tổng thống Donald Trump: “Tôi chưa đồng ý với họ bất cứ điều gì!”
Theo trang web Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) tiếng Trung, ngày 8 tháng 11, giờ Washington, ông Trump nhấn mạnh trong Nhà Trắng rằng Trung Quốc muốn hủy bỏ như vậy, nhưng ông “căn bản chưa bao giờ đồng ý bất cứ điều gì”.
Ông Trump nói thêm: “Trung Quốc hy vọng sẽ hủy bỏ một phần thuế quan, chứ không phải hủy bỏ hoàn toàn, vì họ biết rằng tôi sẽ không làm như thế”. Theo ông Trump, phía Trung Quốc muốn đạt được một hiệp định nhiều hơn là phía Mỹ và nói thêm rằng việc tăng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc đã mang lại “hàng tỷ USD” doanh thu về cho kho bạc của nước Mỹ. Ông nói: “Bây giờ tôi rất hài lòng. Chúng ta đã có thêm hàng tỷ USD trong tài khoản”.
Người phát ngôn Bộ thương mại Trung Quốc Cao Phong hôm 7/11 nói các nhà đàm phán của hai nước đã đạt được thỏa thuận về việc hủy bỏ thuế quan theo các bước.
|
Hôm thứ Năm, 7 tháng 11, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong (Gao Feng) thông báo tại Bắc Kinh, nói các nhà đàm phán của hai nước đã đạt được thỏa thuận về việc hủy bỏ thuế quan theo các bước. Thông tin này từ Bắc Kinh đã làm tăng hy vọng của mọi người rằng cuộc xung đột thương mại Trung - Mỹ đã kéo dài trong nhiều tháng có thể được giải quyết. Ông Cao Phong cho biết cùng ngày rằng việc giảm thuế đối với hàng hóa của nhau là “một bước để đạt được thỏa thuận cuối cùng”.
Gần đây, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy lập trường giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng tiến đến gần nhau. Vào giữa tháng 10, ông Trump đã nói Mỹ và Trung Quốc đã đạt được nhận thức chung có tính thực chất, đó là “giai đoạn đầu tiên” của một hiệp định toàn diện. Tuy nhiên, trong giới kinh tế, thông báo này lúc đầu chỉ gây ra những phản ứng thận trọng và chờ đợi.
Tuần trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) đã gặp lại Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Sau cuộc hội đàm, hai bên tuyên bố rằng các cuộc đàm phán “mang tính xây dựng”.
Trong cuộc xung đột thương mại kéo dài từ năm 2018 đến nay, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp dụng mức thuế trừng phạt khổng lồ đối với hàng hóa của nhau. Ông Trump cáo buộc Trung Quốc áp dụng các hành vi thương mại không công bằng đối với các công ty Mỹ và trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ, do đó đã khởi xướng một vòng xoáy trừng phạt thuế quan hiện đã liên quan đến hầu hết các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế tương ứng.
Với tuyên bố của ông Trump, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khó có thể chấm dứt trong thời gian sớm.
|
Quan chức Trung Quốc: Thương chiến có dấu hiệu hòa giải
Ông Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei), cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Bộ Tài chính, cho biết hôm thứ Bảy (9/11) rằng cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ “đã có dấu hiệu hòa giải, ngăn chặn và chống ngăn chặn là không thể tránh khỏi và kéo dài”.
Ông Lâu Kế Vĩ khi phát biểu tại tại Hội nghị cấp cao về công tác tài chính lần thứ X đã nói, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại, thâm hụt thương mại của Mỹ đã không giảm mà lại tăng; việc tăng mức thuế nhập khẩu không có tác dụng làm giảm thâm hụt thương mại, mà lại làm gia tăng các chi phí sinh hoạt của người dân Mỹ. “Ngày càng có nhiều nhà kinh tế và học giả Mỹ đồng ý rằng chiến tranh thương mại không có tác dụng như mong đợi, nhưng các lời lẽ gây áp lực để kiềm chế Trung Quốc đã chạm thế thượng phong, cốt lõi là “con thứ không thể át được quyền bá chủ của con cả”.
Ông cũng nói rằng Mỹ không thể ngăn chặn toàn diện và phong tỏa được kinh tế của Trung Quốc, “Trung Quốc không phải là Liên Xô và Nhật Bản”.
Số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy chỉ số CPI trong tháng 10 tăng tới 3,8%.
|
Tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong gần 8 năm
Trong hơn một năm qua, cuộc xung đột thương mại khốc liệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã gây áp lực lên nền kinh tế của hai nước và cũng liên lụy tới kinh tế thế giới. Cuộc chiến thương mại đã khiến các công ty Trung Quốc bị ảnh hưởng ngày càng lớn.
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng của chi phí sinh hoạt trong nước Trung Quốc đã ở mức cao nhất trong 8 năm qua. Theo số liệu do Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ Bảy (9/11), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tới 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao hơn dự đoán của các nhà phân tích. Giá thịt lợn là yếu tố quan trọng nhất trong việc tăng giá. Do dịch tả lợn châu Phi, giá thịt lợn tháng 10 tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, chỉ số giá xuất xưởng của các nhà sản xuất công nghiệp (PPI) giảm 1,6%, cao nhất kể từ tháng 7/2016. “Chênh lệch cắt kéo” giữa CPI và PPI ngày càng mở rộng.
Theo Deutsche Welle