Trung Quốc nói gì về việc chặn máy bay Mỹ trên biển Hoa Đông?

VietTimes -- Hai máy bay chiến đấu Su-30 Trung Quốc đã tiến hành đánh chặn một máy bay trinh sát hạt nhân của Mỹ. Mỹ cho rằng hành động ngăn chặn cự ly gần không chuyên nghiệp, Trung Quốc phản đối cho là chuyên nghiệp, an toàn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đánh chặn cự ly gần

Theo báo chí Anh ngày 19/5, có hai chiếc máy bay chiến đấu Su-30 Trung Quốc ngày 17/5 đã ngăn chặn một chiếc máy bay trinh sát hạt nhân của Không quân Mỹ trên bầu trời biển Hoa Đông.

Người phát ngôn không quân Thái Bình Dương Mỹ, trung tá Lori Hodge cho biết nhân viên tổ lái máy bay trinh sát hạt nhân WC-135 Constant Phoenix cho rằng hành vi của máy bay chiến đấu Trung Quốc “không chuyên nghiệp”.

Được biết, nhiệm vụ của máy bay trinh sát hạt nhân WC-135 Constant Phoenix là theo dõi bức xạ khi bay trên vùng trời quốc tế ở biển Hoa Đông. Chiếc máy bay này trước đó từng được dùng để thu thập bằng chứng thử nghiệm hạt nhân mà Triều Tiên có thể tiến hành.

Theo trung tá Lori Hodge: “Mặc dù chúng tôi vẫn đang điều tra sự việc này, nhưng theo báo cáo sơ bộ của phía Mỹ, hành động ngăn chặn của Trung Quốc không chuyên nghiệp. Vấn đề này hiện đang thông qua các kênh ngoại giao và quân sự thích đáng để tiến hành giải quyết với phía Trung Quốc”.

Trước đó, quan chức Mỹ từng nói với hãng tin CNN Mỹ rằng hai máy bay chiến đấu Trung Quốc khi đó cách máy bay trinh sát Mỹ khoảng 150 thước Anh (khoảng 46 m), trong đó một chiếc máy bay chiến đấu Su-30 đã nhào lộn trước máy bay chiến đấu Mỹ.

Máy bay trinh sát hạt nhân WC-135 Constant Phoenix Mỹ là máy bay phản lực 4 động cơ. Máy bay này có thể thu thập bất cứ nguyên tố thử nghiệm hạt nhân nào thải ra trên không và có thể phân tích mẫu vật thu thập được để xác định xem đã xảy ra tình huống gì.

Máy bay trinh sát hạt nhân WC-135 Constant Phoenix Mỹ. Ảnh: Sohu
Máy bay trinh sát hạt nhân WC-135 Constant Phoenix Mỹ. Ảnh: Sohu

Quan chức Mỹ cho biết máy bay trinh sát WC-135 triển khai định kỳ ở khu vực Đông Bắc Á để thực hiện nhiệm vụ. Những máy bay này được dùng để thu thập bằng chứng thử hạt nhân mà Triều Tiên có thể triển khai.

Không quân Mỹ có 2 máy bay trinh sát hạt nhân WC-135 Constant Phoenix, triển khai ở căn cứ không quân Offutt, bang Nebraska. Sự kiện đánh chặn ngày 17/5 là sự kiện “gặp gỡ” thứ hai giữa máy bay chiến đấu Trung Quốc và Mỹ trong năm nay.

Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tháng 2/2017 cũng cho biết máy bay tuần tra P-3C Orion Hải quân Mỹ và máy bay cảnh báo sớm KJ-200 Trung Quốc đã có cuộc “gặp gỡ” ở khoảng cách gần “không an toàn” trên Biển Đông.

Một quan chức Mỹ giấu tên khi đó đã cho hãng tin CNN biết máy bay quân sự Mỹ sau cuộc “gặp gỡ” đã buộc phải thay đổi phương hướng để tránh va chạm trên không.

Sau sự kiện tháng 2/2017, quan chức Mỹ cho biết sự kiện gặp nhau trên không giữa máy bay chiến đấu Trung Quốc và Mỹ rất hiếm, năm 2016 chỉ xảy ra hai lần.

Trung Quốc nói gì?

Đối với sự kiện “gặp gỡ” ngày 17/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 19/5 cho biết từ lâu tàu và máy bay Mỹ luôn đến gần trinh sát đối với Trung Quốc. Điều này rất dễ gây hiểu nhầm và phán đoán nhầm, hoặc dẫn đến sự cố bất ngờ trên biển và trên không. Trung Quốc muốn Mỹ tôn trọng mối quan tâm an ninh hợp lý của Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm. Ảnh: Mod.gov.cn
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm. Ảnh: Mod.gov.cn

Trong khi đó, ngày 20/5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết tuyên bố của Mỹ không phù hợp với sự thực. Ngày 17/5, một máy bay trinh sát Mỹ tiến hành hoạt động trinh sát trên vùng trời biển Hoàng Hải, Trung Quốc. Máy bay quân sự Trung Quốc dựa vào quy định pháp luật, tiến hành nhận dạng, kiểm chứng, các động tác chuyên nghiệp, an toàn.

Ngô Khiêm nói thêm: “Hoạt động đến gần trinh sát của tàu và máy bay quân đội Mỹ là căn nguyên gây ra vấn đề an toàn quân sự trên biển, trên không giữa Trung Quốc và Mỹ. Chúng tôi mong muốn Mỹ chấm dứt các hoạt động trinh sát, tránh các sự việc tương tự tiếp tục xảy ra”.

Hiện nay, mặc dù Trung Quốc và Mỹ đã thiết lập đường dây nóng giữa quân đội hai nước, nhưng những sự việc này cho thấy phi công Trung Quốc vẫn chưa thay đổi, vẫn thể hiện sự bất mãn đối với hành động trinh sát chặt chẽ của Mỹ.

Nhà nghiên cứu Thời Ân Hoằng, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Mỹ, Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng: “Việc đánh chặn lần này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ chủ quyền ở vùng trời biển Hoa Đông”. “Rõ ràng, hiện nay, Chính phủ Trung Quốc tự tin hơn, mạnh hơn. Trung Quốc đã tự tin với việc bảo vệ chủ quyền”.

Năm 2013, Trung Quốc đã đơn phương lập ra Vùng nhận dạng phòng không ở phần lớn biển Hoa Đông. Họ cho rằng họ có quyền ngăn chặn máy bay nước ngoài xâm nhập. Mỹ không thừa nhận chủ trương này của Trung Quốc.