Trung Quốc, Nga và Pakistan đang gia tăng ảnh hưởng với Afghanistan, Mỹ tỏ ra dè dặt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul và kiểm soát toàn bộ Afghanistan. Mặc dù đến nay họ vẫn chưa lập chính phủ mới nhưng Trung Quốc, Nga và Pakistan đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng, trong khi Mỹ dè dặt.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Phó thủ lĩnh Taliban Abdul Ghani Baradar cùng quan chức hai bên gặp nhau ở Thiên Tân hôm 28/7 (Ảnh: Dwnews).
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Phó thủ lĩnh Taliban Abdul Ghani Baradar cùng quan chức hai bên gặp nhau ở Thiên Tân hôm 28/7 (Ảnh: Dwnews).

Theo trang tin Dwnews (Đa Chiều) ngày 17/8, tờ The Guardian (Người Bảo vệ) của Anh số ra ngày 16/8 đã đăng bài phân tích nhan đề “China, Pakistan and Russia set to increase Afghanistan influence” (Trung Quốc, Pakistan và Nga sẽ gia tăng ảnh hưởng đối với Afghanistan". Bài báo cho rằng, sau khi liên quân Mỹ rút khỏi Afghanistan, Taliban nắm quyền, tuy mức độ giao du thân thiết của Trung, Nga và Pakistan đối với Taliban có khác nhau, nhưng ảnh hưởng của họ ở Afghanistan sẽ đều gia tăng trong tương lai.

Bài báo nói rằng cả ba quốc gia đều bày tỏ sẵn sàng tiếp xúc với chính quyền Taliban ở một mức độ nhất định, và cùng với việc Mỹ thực hiện một chiến dịch rút quân vội vàng và mất trật tự dẫn đến việc Taliban giành lại quyền lực sau 20 năm, ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực ở Afghanistan cũng sẽ tăng lên mạnh mẽ.

Một người dân Afghanistan mang các lá cờ Taliban bán trên đường phố Kabul (Ảnh: AP).

Một người dân Afghanistan mang các lá cờ Taliban bán trên đường phố Kabul (Ảnh: AP).

Mặc dù Nga, Pakistan và Trung Quốc tỏ ra háo hức với các mức độ khác nhau, nhưng tất cả đều ám chỉ mong muốn có sự chuyển tiếp (quá độ) suôn sẻ để tiếp xúc với chính quyền Taliban.

Theo phân tích, trong số tất cả các quốc gia láng giềng của Afghanistan trong khu vực, Pakistan dường như hoan nghênh sự cai trị của Taliban ở Afghanistan một cách nhiệt tình nhất. Pakistan hy vọng rằng dưới sự cai trị của Taliban, Pakistan sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đối với Kabul và biến Afghanistan trở thành một đồng minh khu vực mạnh mẽ, phù hợp với các giá trị Hồi giáo của Pakistan.

Đối với Nga, Tổng thống Vladimir Putin sử dụng chống khủng bố làm nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình và so sánh nó với cuộc chiến chống chủ nghĩa Quốc xã. Ở Syria và Libya, Nga ủng hộ các nhà lãnh đạo uy quyền của nước bản địa với lý do bảo vệ các nước này khỏi chủ nghĩa cực đoan và tình trạng hỗn loạn. Tuy nhiên, ở Afghanistan, các tính toán của Nga lại khác và chính trị thực tế lạnh lùng hơn đang phát huy tác dụng.

Một lính Taliban đứng gác trên phố Kabul, phía sau là các lá cờ của Taliban (Ảnh: Reuters).

Một lính Taliban đứng gác trên phố Kabul, phía sau là các lá cờ của Taliban (Ảnh: Reuters).

Mặc dù Nga coi Taliban là một tổ chức khủng bố, nhưng nếu lực lượng này có thể đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao Nga và ngăn các phần tử vũ trang tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các đồng minh Nga ở Trung Á như Uzbekistan và Tajikistan, Nga dường như đã sẵn sàng quan hệ với chính quyền Taliban.

Về phía Trung Quốc, bài báo phân tích cho rằng mặc dù truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng Bắc Kinh đã hành động thận trọng trong chính sách của họ đối với chế độ Taliban. Đó là vì Bắc Kinh coi Afghanistan là “nghĩa địa của chủ nghĩa đế quốc”, không muốn sa vào "Cuộc đối đầu lớn" ở lục địa Âu Á.

Bài báo đề cập rằng, tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời một chuyên gia cấp cao của chính phủ nói ngày 15/8 rằng Trung Quốc đang thể hiện cách tiếp cận thực dụng của mình: “Những gì Trung Quốc có thể làm là tham gia vào quá trình tái thiết sau chiến tranh, cung cấp đầu tư và giúp đỡ tương lai phát triển của đất nước Afghanistan”.

Lính Taliban tuần tra trên đường phố Kabul (Ảnh: AP).

Lính Taliban tuần tra trên đường phố Kabul (Ảnh: AP).

Trung Quốc trong nhiều năm qua đã rất nỗ lực chống lại Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan (East Turkestan Islamic Movement, gọi tắt là "ETIM" hoặc “Đông Đột” theo âm Hán Việt) – một tổ chức ly khai chống Trung Quốc của người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, bị Trung Quốc liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.

Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16/8 nói, Taliban Afghanistan đã nhiều lần tuyên bố rằng họ hy vọng phát triển quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và mong muốn Trung Quốc tham gia vào quá trình tái thiết và phát triển Afghanistan, quyết không cho phép bất kỳ thế lực nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để làm những điều gây nguy hại cho Trung Quốc. Phía Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh.

Theo ông Andrew Small, nhà nghiên cứu xuyên Đại Tây Dương cấp cao tại Quỹ German Marshall Fund, một tổ chức tư vấn của Mỹ: đây chính là lý do chính khiến Bắc Kinh năm 2000 gặp gỡ thủ lĩnh Taliban lúc bấy giờ là Mullah Mohammed Omar. Ông Andrew Small nói, sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan vào ngày 15/8, chủ nghĩa khủng bố vẫn là mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc.

Ngày 16/8, Tổng thống Mỹ Biden phát biểu tại Nhà Trắng, cho rằng quyết định rút quân của ông là đúng đắn, nhưng thừa nhận tình hình Afghanistan xấu đi nhanh hơn Mỹ dự kiến (Ảnh: THX).

Ngày 16/8, Tổng thống Mỹ Biden phát biểu tại Nhà Trắng, cho rằng quyết định rút quân của ông là đúng đắn, nhưng thừa nhận tình hình Afghanistan xấu đi nhanh hơn Mỹ dự kiến (Ảnh: THX).

Về quan hệ của Mỹ với Taliban, cũng theo Đa Chiều, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16/8 tuyên bố “chỉ cần Taliban tôn trọng quyền của phụ nữ và tách rời quan hệ của họ với các tổ chức cực đoan như Al Qaeda, Mỹ sẽ công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan”. Ngoài ra, ngày 17/8, Taliban đã đưa ra một tuyên bố cho biết sẽ “đại xá” cho các quan chức chính quyền Afghanistan.

Theo hãng tin Pháp AFP ngày 17/8, khi được hỏi liệu Mỹ có công nhận Taliban nắm quyền hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với các phóng viên: "Về thái độ của chúng tôi đối với chính phủ tương lai của Afghanistan, điều cuối cùng sẽ phụ thuộc vào các hành động của chính phủ này".

Ông Price nói, "Một chính phủ tương lai của Afghanistan duy trì các quyền cơ bản của người dân, không chứa chấp những kẻ khủng bố và bảo vệ các quyền cơ bản của người dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái chiếm một nửa dân số, là một chính phủ mà chúng tôi có thể hợp tác".

Ông Zalmay Khalilzad, đại diện đàm phán của Mỹ cùng đại diện Taliban tại Doha năm 2020 (Ảnh: Eurasia).

Ông Zalmay Khalilzad, đại diện đàm phán của Mỹ cùng đại diện Taliban tại Doha năm 2020 (Ảnh: Eurasia).

Price cũng nói rằng Zalmay Khalilzad, nhà đàm phán của Mỹ về Afghanistan, hiện vẫn đang ở cơ sở ngoại giao của Taliban ở Qatar, các quan chức Mỹ vẫn đang đàm phán. Ông nói: "Một số cuộc thảo luận trong đó có tính xây dựng".

Ngoài ra, ngày 17/8, Taliban ra tuyên bố sẽ "ân xá" các quan chức chính phủ Afghanistan và kêu gọi họ trở lại làm việc. Tuyên bố nói: "Sẽ ân xá cho tất cả mọi người, vì vậy các vị nên bắt đầu cuộc sống thường ngày của mình một cách tự tin".