Coi Trung Quốc và Nga là đối thủ cạnh tranh
Theo báo chí Anh, theo thông lệ, mỗi Tổng thống Mỹ đều cần đệ trình báo cáo chiến lược an ninh quốc gia lên Quốc hội. Mặc dù bản thân ông Donald Trump tìm cách xây dựng quan hệ cá nhân gần gũi với nhà lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Nga, nhưng báo cáo chiến lược an ninh dài 68 trang đã giữ đưa ra những lời lẽ phê phán đối với Trung Quốc và Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: "Trung Quốc và Nga thách thức thực lực, ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ, tìm cách làm xói mòn an ninh và thịnh vượng của Mỹ".
Tuy nhiên, ông Donald Trump cho biết mặc dù Trung Quốc và Nga là đối thủ cạnh tranh của Mỹ, nhưng Mỹ cũng cần hợp tác với hai nước này.
Tại Mỹ, các nhà quan sát Nhà Trắng lại đặt trọng điểm vào chính sách "ưu tiên nước Mỹ" của ông Donald Trump. Chuyên gia cho rằng, nhìn vào phát biểu của ông Donald Trump, ông hầu như đang lặp lại cam kết trong thời gian tranh cử năm 2016.
Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược", hoàn toàn khác với chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ông Barack Obama gọi Trung Quốc là "đối tác chiến lược", đặc biệt là trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khi chuyển báo cáo này cho các quan chức sứ quán ngoại giao tại các nước, Washington chắc chắn muốn khẳng định lập trường cứng rắn của Mỹ đối với Nga.
Trung Quốc: Thương mại Trung - Mỹ là hợp tác cùng thắng
Công bố văn kiện chiến lược an ninh quốc gia là một việc được các Tổng thống Mỹ thực hiện kể từ thời cựu Tổng thống Ronald Reagan. Văn kiện này được coi là khuôn khổ chủ đạo của chính sách đối ngoại của Tổng thống.
Đáng chú ý, văn kiện được chuẩn bị trong vòng 11 tháng này của ông Donald Trump sử dụng những từ ngữ tương đối cứng rắn, trực tiếp định nghĩa Bắc Kinh và Moscow là đối thủ cạnh tranh quốc tế.
Theo thông lệ, văn kiện chiến lược an ninh quốc gia của các đời Tổng thống Mỹ thường lấy cương lĩnh chính trị mang tính nguyên tắc làm chính, ít xuất hiện những ngôn từ gay gắt mang tính "chiến đấu".
Nhưng, phong cách văn kiện lần này của ông Donald Trump có sự khác biệt rất lớn, ý nghĩa sâu xa phía sau có thể gây chú ý, phỏng đoán cho các đồng minh.
Văn kiện này chia làm 4 phần chính: bảo vệ lãnh thổ và nhân dân; thúc đẩy phát triển thịnh vượng nước Mỹ; bảo vệ hòa bình bằng sức mạnh; mở rộng vai trò ảnh hưởng của Mỹ.
Trước khi ông Donald Trump chính thức công bố chiến lược an ninh quốc gia này, ngày 18/12, Bắc Kinh đã đưa ra lập trường đối với phần liên quan đến Trung Quốc, nhấn mạnh thương mại Trung - Mỹ là "cùng có lợi, cùng thắng".
Ngày 18/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh Trung Quốc và Mỹ là hai nước lớn, là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, cho rằng xây dựng quan hệ kinh tế ổn định, lành mạnh và vững chắc với Mỹ phù hợp với lợi ích chung của hai nước.
Bà Hoa Xuân Oánh còn liệt kê những số liệu thương mại song phương: năm 2016, kim ngạch thương mại Trung - Mỹ trên 550 tỷ USD, đầu tư song phương trên 200 tỷ USD, quan hệ kinh tế thương mại Trung - Mỹ đã tạo ra 2,6 triệu việc làm cho người Mỹ bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Trung Quốc năm 2016 đạt 36,2 tỷ USD.
Trung Quốc tuyên bố họ tiếp tục thực hiện chính sách tự do hóa thương mại và đầu tư ở mức cao sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Trung - Mỹ.
Mỹ có ý định tăng ngân sách quốc phòng
Theo tờ The Financial Times Anh ngày 19/12, sau khi công bố báo cáo, Tổng thống Mỹ khẳng định, chiến lược an ninh quốc gia mới thừa nhận, bất kể thế nào, Mỹ và Trung Quốc đang ở trong một thời đại cạnh tranh mới.
Ngoài ra, tờ Sputnik Nga ngày 18/12 dẫn lời một chuyên gia nghiên cứu chiến lược Nga là Ivan Konovalov cho rằng quan điểm cân bằng sức mạnh thế giới không có lợi cho Mỹ từ chiến lược an ninh mới của Mỹ thực chất là nhằm tiếp tục tăng chi tiêu quân sự.
Theo Ivan Konovalov, mục đích của tuyên bố này là Mỹ đang tìm cách tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng.
"Trước hết, Mỹ sẽ trình bày thực trạng. Thứ hai, tìm cách tăng chi tiêu quân sự. Ngân sách quân sự hiện nay của Mỹ là 700 tỷ USD. Các nước trên thế giới trong đó có Trung Quốc đều không có chi tiêu quân sự khổng lồ như vậy. Tuyên bố này có lợi cho Lầu Năm Góc và các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Mỹ nhận được đơn đặt hàng mới. Mạnh mẽ tuyên bố Mỹ mất đi vai trò ảnh hưởng trên thế giới là nhằm tiếp tục tăng ngân sách quân sự".
Theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm Thụy Điển, chi tiêu quân sự của Nga năm 2016 đạt 69,2 tỷ USD, đứng thứ ba thế giới; Trung Quốc đứng thứ hai với 215 tỷ USD; trong khi đó, Mỹ tiếp tục dẫn đầu với 611 tỷ USD.
Nhà nghiên cứu Ivan Konovalov cho rằng: "Mỹ và phương Tây đang phát động một cuộc chiến tranh thông tin đối với Nga, Nga buộc phải tự vệ".