|
Trung Quốc tăng cường siết chặt quản lý giám sát hoạt động tài chính của các công ty tư nhân (Ảnh: Sohu). |
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Cục Quản lý và Giám sát Tài chính Quốc gia và Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã cùng nhau đưa ra một thông cáo cho biết, các cơ quan giám sát quản lý tài chính đã đốc thúc và chỉ đạo các công ty nền tảng lớn như Ant Group và Tencent Group chấn chỉnh toàn diện các vấn đề sai phạm vi phạm pháp luật trong hoạt động tài chính.
Hiện tại, phần lớn các vấn đề tồn đọng nghiêm trọng nhất trong kinh doanh tài chính của các doanh nghiệp nền tảng đã được khắc phục. Trọng tâm công tác của cơ quan quản lý tài chính đã chuyển từ thúc đẩy tập trung chỉnh đốn hoạt động kinh doanh tài chính của các công ty nền tảng sang giám sát bình thường.
Ngoài ra, trước những vấn đề được phát hiện trong các cuộc kiểm tra thực thi pháp luật trước đây, các cơ quan quản lý giám sát tài chính đã áp dụng xử phạt hành chính đối với Ant Group, Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện, Ngân hàng Bình An, Bảo hiểm Tài sản PICC và Công ty Tenpay.
Ant Group và các công ty con bị phạt hơn 7,1 tỉ
Theo trang web chính thức của Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc, gần đây, trước các vi phạm của Ant Group và các công ty con trong quản trị doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng tài chính, tham gia vào hoạt động kinh doanh của các tổ chức ngân hàng và bảo hiểm, kinh doanh thanh toán và quyết toán, thực hiện nghĩa vụ chống rửa tiền và kinh doanh bán quỹ trong những năm qua, các cơ quan quản lý tài chính đã phạt Ant Group và các công ty con số tiền 7,123 tỉ NDT (trong đó bao gồm việc tịch thu thu nhập bất hợp pháp).
Theo thông tin trừng phạt chi tiết được Ngân hàng trung ương, Cục Quản lý Tài chính Nhà nước và Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc tiết lộ, việc trừng phạt đối với Ant Group lần này liên quan đến nhiều thực thể trực thuộc tập đoàn.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đưa ra thông tin xử phạt hành chính cho thấy Công ty TNHH Công nghệ mạng Alipay (Trung Quốc) bị cảnh cáo vì vi phạm quy định quản lý tài khoản thanh toán, bị tịch thu số tiền hơn 830,9 triệu NDT thu nhập bất hợp pháp và phạt hơn 2,231 tỉ NDT, tổng cộng hơn 3 tỉ NDT. Ant Technology Group đã nhận được án phạt từ Cục Quản lý và Giám sát Tài chính Nhà nước và ngân hàng trung ương.
Theo thông tin liên quan từ Cục Quản lý và Giám sát Tài chính Nhà nước, 1,129 tỉ NDT thu nhập bất hợp pháp của Tập đoàn Công nghệ Ant đã bị tịch thu, phạt 2,632 tỉ NDT, tổng cộng bị phạt và tịch thu 3,763 tỉ NDT.
Các tình tiết vi phạm pháp luật bao gồm: Thứ nhất, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Bao gồm: có hành vi tiếp thị, công khai tài chính sai lệch, xâm phạm quyền được biết của người tiêu dùng; không thể hiện yêu cầu hoàn trả tiền đối với một số nhóm khách hàng; không xử lý thông tin cá nhân của một bộ phận người tiêu dùng theo quy định.
Thứ hai là tham gia vào hoạt động kinh doanh của các tổ chức ngân hàng, bảo hiểm trái pháp luật. Bao gồm: tham gia kinh doanh đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm trái quy định; tham gia bán sản phẩm quản lý bảo đảm hưu trí cá nhân, sản phẩm quản lý tài sản ngân hàng, sản phẩm tiền gửi qua Internet không đúng quy định.
Ngân hàng trung ương đã phạt 175 triệu NDT vì vi phạm các quy định liên quan về quản trị doanh nghiệp và quy định quản lý giao dịch liên quan.
Các cổ đông kiểm soát của Ant Group, Hangzhou Junhan Equity Investment Partnership và Hangzhou Junao Equity Investment Partnership, đều bị ngân hàng trung ương phạt 25 triệu NDT vì vi phạm các quy định liên quan về sức mạnh vốn và quản trị doanh nghiệp.
Ngoài ra, Công ty Ant (Hangzhou) Fund Sales Co., Ltd. cũng bị Cục giám sát Chiết Giang thuộc Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc cảnh cáo và phạt 73,68 triệu NDT; ông Lâm Tư Tư (Lin Sisi), Tổng giám đốc của Ant Fund, đã bị cảnh cáo và phạt 150.000 NDT.
Công ty thanh toán Tenpay của Tencent Group bị phạt 3 tỉ NDT
Các tổ chức có liên quan và những người phụ trách có liên quan của Tập đoàn Tencent đã nhận tổng cộng 5 khoản phạt, với tổng số tiền phạt gần 3 tỉ NDT.
Trong số đó, Công ty TNHH Công nghệ thanh toán Tenpay đã bị tịch thu hơn 560 triệu NDT thu nhập bất hợp pháp và bị phạt hơn 2,426 tỉ NDT do vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo thông báo phạt của Ngân hàng trung ương, các loại hoạt động vi phạm pháp luật của Tenpay bao gồm: vi phạm quy định quản lý tổ chức, vi phạm quy định quản lý thương nhân, vi phạm quy định quản lý thanh toán, vi phạm quy định quản lý tài khoản thanh toán, gây nguy hại đối với hoạt động ổn định của tổ chức thanh toán, tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng hoặc gây tổn hại đến thị trường dịch vụ thanh toán… tổng cộng 11 loại hành vi vi phạm pháp luật và các quy định.
Ngoài ra, bốn người phụ trách có liên quan đến Tenpay cũng bị phạt.
Nhóm ngân hàng bị phạt tổng cộng gần 90 triệu NDT
Đối với các tổ chức tài chính khác, theo thông báo của Ngân hàng trung ương, Ngân hàng Bình An đã bị tịch thu hơn 18,48 triệu NDT thu nhập bất hợp pháp và bị phạt 34,925 triệu NDT vì 10 loại hoạt động bất hợp pháp; Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện bị phạt 31,86 triệu NDT vì 10 loại hoạt động bất hợp pháp; Bảo hiểm Tài sản PICC bị phạt 4,64 triệu NDT vì 3 loại hành vi vi phạm pháp luật.
Theo thông tin chi tiết của thông báo phạt, 10 hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến Ngân hàng Bình An bao gồm: vi phạm các quy định về quản lý tài khoản; các hành vi vi phạm pháp luật và quy định khác gây nguy hiểm cho hoạt động ổn định của các tổ chức thanh toán, gây thiệt hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, gây nguy hại cho thị trường dịch vụ thanh toán; vi phạm quy định quản lý nghiệp vụ chống tiền giả; chiếm dụng tiền gửi tài chính hoặc quỹ; vi phạm quy định về thu thập, cung cấp, truy cập thông tin tín dụng và các quy định quản lý có liên quan; không thực hiện nghĩa vụ nhận biết khách hàng theo quy định; không nộp báo cáo các giao dịch giá trị lớn hoặc báo cáo giao dịch đáng ngờ theo yêu cầu; giao dịch với các khách hàng lai lịch đáng ngờ; vi phạm quy định quản lý bảo vệ thông tin tài chính của người tiêu dùng; vi phạm quy định quản lý tuyên truyền kinh doanh tài chính.
Ngoài ra, 12 người bao gồm Trợ lý của Tổng giám đốc Phòng Bảo vệ An ninh/Bộ phận Quản lý kinh doanh của Ngân hàng Bình An vào thời điểm đó, đã bị phạt.
Nguyên nhân Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện vi phạm pháp luật là: vi phạm quy chế quản lý kinh doanh chống tiền giả; chiếm dụng tiền gửi tài chính hoặc quỹ vốn; vi phạm quy định về lập và sử dụng tài khoản kho bạc; vi phạm quy định quản lý về thu thập, cung cấp, truy vấn thông tin tín dụng và các thông tin liên quan; không thực hiện nghĩa vụ nhận biết khách hàng; không lưu giữ thông tin định danh khách hàng và hồ sơ giao dịch theo quy định; không nộp báo cáo giao dịch giá trị lớn hoặc báo cáo giao dịch đáng ngờ theo quy định; giao dịch với khách hàng không được xác định. Ngoài ra 15 cá nhân cũng đã bị Ngân hàng trung ương xử phạt.
Công ty Bảo hiểm tài sản PICC đã bị phạt 4,64 triệu NDT vì ba loại vi phạm: không thực hiện nghĩa vụ nhận dạng khách hàng, không lưu giữ thông tin nhận dạng khách hàng và hồ sơ giao dịch theo yêu cầu, không gửi báo cáo giao dịch giá trị lớn hoặc báo cáo giao dịch đáng ngờ theo yêu cầu. Ngoài ra còn có 3 cá nhân cũng bị phạt.
Giới quan sát cho rằng, đợt trừng phạt này có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc kết thúc chiến dịch chỉnh đốn các tổ chức công nghệ, tài chính, mở ra giai đoạn mới cho phép các doanh nghiệp này tồn tại, phát triển dưới sự giám sát, quản lý của chính quyền.
Theo Sohu