Trung Quốc lo “trúng kế hiểm” Philippines ở Biển Đông

VietTimes -- Gần đây, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thường xuyên có những phát ngôn tỏ ra thân thiện với Trung Quốc, tuy nhiên nhiều phân tích cho rằng, không thể tin tưởng vào hành động của ông Rodrigo Duterte, đây chỉ là chiêu trò để Philippines thu được lợi ích lớn hơn trong ván cờ Mỹ - Trung tại Biển Đông.
Ông Duterte khiến người ta rất khó lường với những hành động và phát ngôn gây sốc
Ông Duterte khiến người ta rất khó lường với những hành động và phát ngôn gây sốc

Sóng gió mới tại Biển Đông                             

Trong bài “Rodrigo Duterte ngả về Trung Quốc có thể lật đổ chiến lược của Mỹ tại châu Á” đăng ngày 15/9 trên trang Bloomberg chỉ ra: Lên cầm quyền chưa tới 3 tháng, ông Rodrigo Duterte đã lăng mạ Tổng thống Obama, thề xử lý khủng bố, ngừng hợp tác tuần tra với Mỹ tại Biển Đông, thậm chí còn tuyên bố tăng cường hợp tác kinh tế và quốc phòng với Trung Quốc và Nga.

Cho dù ông Rodrigo Duterte từng nói tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye, nhưng cũng cho biết muốn đàm phán với Trung Quốc và không muốn vấn đề này được nhắc đến trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Trước khi nhậm chức, ông Rodrigo Duterte cũng từng đề cập sẽ tạm gác lại chuyện mâu thuẫn chia rẽ về chủ quyền lãnh thổ vì Trung Quốc đang giúp Philippines xây dựng tuyến đường sắt.

Theo bài viết, cho dù ông Rodrigo Duterte tỏ ra khó lường (hôm nay gọi Trung Quốc là “phóng khoáng hào hiệp”, ngày mai lại hùng hồn đe dọa sẽ quyết chiến nếu Trung Quốc phát động tấn công), nhưng thái độ này ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của Mỹ trong hợp tác với các nước (Nhật Bản, Ấn Độ, Úc…) nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Bàn về thái độ của ông Rodrigo Duterte qua việc nhấn mạnh “chính sách ngoại giao độc lập” của Philippines, nghi ngờ việc Mỹ can dự vào bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, ông Trương Bạc Hối, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Đại học Lĩnh Nam – Hồng Kông nói: “Trong cục diện Biển Đông nói chung, cạnh tranh Mỹ - Trung nói riêng, hành động của ông Rodrigo Duterte có thể khiến cục diện thay đổi, gây rối bàn cờ địa chính trị khu vực, góp phần làm cho Trung Quốc có thêm lợi thế trước Mỹ”.

Có thể gây phản ứng dây chuyền

Ngày 14/9, trang Stars and Stripes (Mỹ) đăng bài viết “Thái độ của Philippines có thể làm rối loạn chiến lược của Mỹ”, theo đó bài viết cho rằng, chiến lược của Mỹ chống Trung Quốc tại Biển Đông có thể phá sản vì lãnh đạo mới của Philippines muốn từ bỏ hợp tác quân sự với Mỹ, bao gồm hợp tác tuần tra hải quân.

Không biết Mỹ và Philippines có còn duy trì các cuộc tập trận chung sau khi ông Duterte điều chỉnh chính sách đối ngoại
Không biết Mỹ và Philippines có còn duy trì các cuộc tập trận chung kiểu này sau khi ông Duterte điều chỉnh chính sách đối ngoại

Về tuyên bố của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn lính đặc nhiệm Mỹ rời khỏi đảo phía nam Philippines, không cho hải quân Philippines tuần tra chung với hải quân nước ngoài tại Biển Đông..., Giáo sư Richard Javad Heydarian thuộc Khoa Chính trị Đại học De La Salle của Philippines cho biết, hành động của ông Rodrigo Duterte làm chiến lược kiềm chế Trung Quốc của chính quyền ông Obama đang gặp thử thách nghiêm trọng. Ông nói: “Chính giới Mỹ muốn tạo áp lực ngoại giao đủ mạnh đối với Trung Quốc để Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong vấn đề này Mỹ rất cần Philippines và các nước láng giềng khác, thái độ của ông Rodrigo Duterte có thể khiến các nước như Việt Nam, Singapore, Indonexia cảm thấy cũng bị áp lực không nhỏ trong ứng xử với Trung Quốc… Nếu Mỹ không muốn hành động nữa thì các nước nhỏ khác làm sao có thể mạo hiểm đứng lên đối đầu với Trung Quốc?”.

Kế hiểm của ông Rodrigo Duterte?

Có phân tích chỉ ra, có thể việc ông Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố muốn mua sắm vũ khí của Trung Quốc, chẳng qua là khiêu trò để Philippines đắc lợi trong cuộc đấu Trung - Mỹ, không phải là kế hoạch hành động thực tế.

Ông Hồ Dật Sơn, chuyên viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam của Singapore cho biết, việc ông Rodrigo Duterte nói muốn mua vũ khí Trung Quốc là không đáng tin. Rodrigo Duterte muốn quan hệ Trung – Mỹ thêm căng thẳng, từ đó Philippines sẽ giành được nhiều lợi ích hơn. Ông nói: “Tôi cho rằng mục đích thực sự của ông Rodrigo Duterte là tạo những điều kiện thuận lợi hơn cho Philippines trong mua bán vũ khí với Mỹ”.

Vẫn chưa ai rõ những toan tính thực sự của ông Duterte
Vẫn chưa ai rõ những toan tính thực sự của ông Duterte

Ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc thì cho biết, ông Rodrigo Duterte đang muốn thử thách Mỹ, đồng thời hy vọng giành được nhiều lợi ích hơn từ Trung Quốc, đặc biệt là về thiết bị quân sự, nhưng kế sách của ông Rodrigo Duterte khó thành hiện thực. Ông nói: “Do thiếu niềm tin vào nhau, Trung Quốc sẽ không dễ dàng bán vũ khí cho Philippines như ông Rodrigo Duterte kỳ vọng”.

Đa Chiều dẫn lời một nhà quan sát quân sự khác cho biết, Philippines không đủ mạnh để có thể chia rẽ với Mỹ, vì thế tuyên bố của ông Rodrigo Duterte về việc mua vũ khí Trung Quốc chẳng qua là một kiểu mặc cả làm dáng, hành động lấy lòng Trung Quốc của Rodrigo Duterte không phải thực tế. Việc ông Rodrigo Duterte nói không phải fan của Mỹ… không muốn đối đầu với Trung Quốc, thậm chí phải cảm ơn Trung Quốc, chỉ có Trung Quốc mới giúp được Philippines… chỉ là những “lời đường mật” và Trung Quốc không dễ dàng hành động thiếu lý trí vì vài câu nói của ông Rodrigo Duterte”.

Ông Duterte tuyên bố cần Mỹ ở Biển Đông

Một tuần sau khi kêu gọi chấm dứt tuần tra chung với Hải quân Mỹ tại Biển Đông và rút lực lượng Mỹ ra khỏi Mindanao, ngày 21/9 ông Duterte biện minh rằng mục đích của ông chỉ nhằm thương lượng thành công với phe Hồi giáo nổi dậy. Nói chuyện trước các quân nhân ở Davao, ông tuyên bố: «Tôi nói rằng có thể trong tương lai lực lượng đặc biệt Mỹ sẽ phải rời đi. Tôi chưa bao giờ nói họ phải ra khỏi Philippines. Dù sao đi nữa, chúng ta cần có họ tại Biển Đông».

Cũng theo ông Duterte, Philippines «không có đủ vũ khí để có thể chiến đấu», và «cũng không sẵn sàng tham chiến với Trung Quốc vì đó sẽ là một cuộc thảm sát». Ông than phiền là các chiến đấu cơ được Không quân Philippines mua trước đây có hỏa lực không đủ mạnh. Tờ Philippines Star dẫn lời ông Duterte: «Vấn đề là họ không muốn giao cho chúng ta tên lửa. Chúng ta có thể mua từ Hàn Quốc, nhưng Seoul không thể bán nếu Mỹ không đồng ý».

Từ nhiều thập kỷ qua, liên minh quân sự với Philippines vẫn là nền tảng cho ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc yêu sách đến trên 80% diện tích Biển Đông. Ông Duterte nói sẽ tôn trọng liên minh, nhưng vẫn nhấn mạnh «một chính sách đối ngoại độc lập» và từng đặt ra câu hỏi, liệu Mỹ có can thiệp nếu Trung Quốc xâm lăng lãnh hải của Philippines tại Biển Đông.