Việc Trung Quốc sử dụng một hạm đội tàu đánh cá, chủ yếu là lực lượng dân quân biển tiến sát quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư có thể gây rắc rối cho Nhật Bản vì Trung Quốc đang dốc mọi sự quyết tâm lên biển Hoa Đông, các chuyên gia cho hay.
Nhật Bản vừa gửi công hàm phản đối tới Đại sứ quán Trung Quốc sau khi 2 tàu cảnh sát biển của Trung Quốc xâm nhập vào vùng nước Nhật Bản coi là lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo quản lý. Trong khi đó 7 tàu thuyền khác của Trung Quốc bị phát hiện ở ngay bên ngoài vùng tiếp giáp, cảnh sát biển Nhật Bản cho biết.
Một ngày trước đó, Nhật Bản phản đối Bắc Kinh sau khi một số lượng lớn bất thường các tàu gồm 7 tàu cảnh sát biển và khoảng 230 tàu đánh bắt cá của Trung Quốc đã tiến sát lãnh hải quanh các đảo nhỏ, vùng bị tranh chấp giữa Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc.
Ba tàu cảnh sát biển rõ ràng đã được trang bị vũ khí, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho hay. Tàu cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên tiến gần các đảo và một số tàu được trang bị vũ khí gần đây đã bị phát hiện ở trong khu vực này.
Trung Quốc thường bác bỏ khiếu nại của Nhật Bản và cho rằng các đảo mà Nhật Bản đang kiểm soát là phần cố hữu của lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc mới đây có khả năng làm dấy lên mối quan ngại lâu nay của Nhật Bản về một đội tàu cá tiếp sát vùng quanh quần đảo Senkaku và áp đảo các cuộc tuần tra của Nhật Bản.
“Những hành động mới nhất dường như là sự leo thang tiềm tàng đáng kể vì chúng ta chưa nhìn thấy Trung Quốc hành động ở quy mô lớn như vậy bao giờ”, ông Christopher Hughes, một giáo sư nghiên cứu chính trị quốc tế và Nhật Bản ở Đại học Warwick, Anh cho hay. “Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản từ lâu đã lo rằng Trung Quốc có thể cố gắng áp đặt kiểm soát lên quần đảo Senkaku thông qua việc cho cư dân và dân quân xuất hiện ở quy mô lớn đến mức khó để đối phó chỉ với các nguồn lực cảnh sát biển Nhật Bản hoặc đánh giá việc sử dụng vũ lực.”
Chiến lược nguy hiểm
Trong khi những chiến thuật tương tự của Trung Quốc đã được lưu ý trước đó trong vùng biển của Nhật Bản bao gồm cả gần quần đảo Senkaku, sự kiện ngày 6/8 vừa qua là lần đầu tiên trong nhiều năm có một số lượng lớn các tàu như vậy.
Tháng 4/1978, chỉ vài tháng trước khi Trung Quốc và Nhật Bản ký kết hiệp ước hoà bình và hữu nghị vào tháng 10 cùng năm, hàng trăm tàu đánh cá đã xâm nhập vào vùng lãnh hải gần quần đảo Senkaku, dấy lên mối quan ngại từ phía Tokyo. Cho dù Phó Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Đặng Tiểu Bình đã nói rằng cuộc xâm nhập này là “sự cố” và “Trung Quốc sẽ không bao giờ để xảy ra những sự cố như vậy nữa”, các quan chức Nhật Bản vẫn sợ rằng những hành động như vậy sẽ quay trở lại trong tương lai.
Gần đây hơn, vào giữa tháng 4 đến tháng 11/2014, hàng trăm tàu đánh cá Trung Quốc được cho là tàu săn trộm san hô đã bị phát hiện ở Thái Bình Dương gần quần đảo Ogasawara khoảng 1.000 km về phía nam Tokyo và khoảng 100 chiếc tàu cũng được nhìn thấy ở gần quần đảo Izu, gần đất liền.
Những tàu thuyền này treo cờ Trung Quốc một cách công khai và có khả năng được phái đi bởi sự đồng ý ngầm của chính quyền để đánh giá phản ứng của cảnh sát biển Nhật Bản, các nhà quan sát phỏng đoán.
“Trong vụ việc đó, Nhật Bản đã bắt giữ một vài tàu thuyền và phạt thuyền trưởng”, một đại tá hải quân Mỹ về đã nghỉ hưu Grant Newsham, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Diễn đàn Nhật Bản về nghiên cứu chiến lược ở Tokyo cho hay. “Tuy nhiên, người dân Nhật Bản về cơ bản là không giúp ích được gì khi đối mặt với đội tàu đánh cá này.”
Newsham cho rằng việc này phục vụ cho hai mục đích: để đánh giá phản ứng của Nhật Bản và để gây tổn hại về tâm lý. “Trung Quốc thể hiện rằng bất cứ khi nào họ muốn, họ có thể áp đảo khu vực và thiết lập sự thống trị, thách Nhật Bản dám làm gì. Sự thống trị này phần lớn là do số lượng lớn các tàu thuyền của mà Trung Quốc sở hữu.
Trong khi đến tháng 4/2015, cảnh sát biển Nhật Bản mới có 128 tàu tuần tra thì ước tính Trung Quốc có khoảng hơn 200 tàu thực thi hàng hải bao gồm hai “quái vật” khổng lồ mới được xây dựng trọng tải 10.000 tấn.
Trung Quốc cũng có thể dựa vào lực lượng dân quân trên biển, bao gồm hàng trăm nghìn người để quấy rối đối thủ và bảo vệ lợi ích hàng hải của Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng việc sử dụng dân quân trên biển là một phần của chiến lược “cắt lát salami” lâu dài của Trung Quốc ở cả biển Đông và biển Hoa Đông. Chiến lược này là sự tích tụ dần dần các hành động nhỏ, không hành động nào có thể khởi nguồn chiến tranh nhưng nếu cộng gộp lại thì sẽ là một sự chuyển dịch chiến lược lớn.
“Việc triển khai gần quần đảo Senkaku cũng tương tự như những lần triển khai quân ngư dân trước đây của Trung Quốc được tiến hành gần Philippines, Việt Nam, Malaysia và quần đảo Natuna của Indonesia,” Jame Kraska, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu luật quốc tế Stockton tại Đại học chiến tranh hải quân Mỹ nhận định. “Trong mỗi vụ việc, một lượng lớn tàu đánh cá từ lực lượng dân quân biển của Trung Quốc lại triển khai cùng với các tàu kiểm soát và chỉ huy của lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Lực lượng quân ngư dân là một công cụ hiệu quả vì nó thay đổi nhiệm vụ của Nhật Bản thành đáp trả lại những hành vi gây hấn mức độ thấp”.
Căng thẳng Biển Đông
Những động thái này cũng là cách mà Trung Quốc kiềm chế sự đáp trả lại phán quyết ngày 12/7 của tòa trọng tài quốc tế bác bỏ phần lớn những tuyên bố lãnh thổ của nước này trên Biển Đông. Nhật Bản đã ép Trung Quốc tuân thủ phán quyết, dấy lên sự tức giận ở Trung Quốc, cáo buộc Nhật Bản đã can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Theo Jonathan Miller, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Hội đồng quan hệ đối ngoại, hành vi của Trung quốc gần quần đảo Senkaku có khả năng cố ý ép Nhật Bản, nước đã lên tiếng ủng hộ phán quyết cũng như ủng hộ xây dựng năng lực hàng hải giữa các bên yêu sách ở Đông Nam Á.
Nhưng quan trọng hơn, ông Miller cho rằng những hành động gần đây cũng nhằm vào Mỹ nữa. “Trung Quốc cũng đang tìm kiếm đòn bẩy trong mối quan hệ phức tạp với Mỹ và nước này thấy rằng sự đẩy mạnh hành động ở Biển Hoa Đông có thể phát đi tín hiệu về quyết tâm của Trung Quốc ở Biển Đông. Hiện nay hành động của Trung Quốc đang được chú ý ở Biển Đông”.
Tetsuo Kotani, một chuyên gia cao cấp ở Trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế Nhật Bản tại Tokyo cho rằng thời điểm của những hành động này phản ánh cuộc tranh đấu bên trong đảng cộng sản Trung Quốc.
Ông Kotani nhận định chính quyền ông Tập Cận Bình cần phải thể hiện họ đang nâng cao sự kiểm soát hiệu quả trên cả Biển Đông lẫn biển Hoa Đông trước cuộc họp hàng năm tại Bắc Đới Hà hoặc hội nghị thượng đỉnh mùa hè, nơi một phe phái dẫn đầu bởi cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào có khả năng chỉ trích phán quyết trọng tài và động thái ngoại giao của Nhật Bản.
Trung Quốc cũng thúc giục đối thoại song phương về vấn đề Biển Đông với các bên tranh chấp nhưng vẫn ngang nhiên củng cố sự hiện diện quân sự trái phép của mình trên Biển Đông và biển Hoa Đông. “Đây là một phần của nỗ lực lâu dài của Trung Quốc để thống trị và kiểm soát biển Đông và biển Hoa Đông”, Newsham nhấn mạnh.
“Không nên quan sát hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông tách rời nhau mà cần xem xét bức tranh toàn cảnh và dự định của Trung Quốc”, ông nói.
Newsham lưu ý rằng trong khi tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông thu hút nhiều sự chú ý thì phái diều hâu Trung Quốc và truyền thông nhà nước lại trích lời học giả Trung Quốc khẳng định rằng không chỉ riêng quần đảo Senkaku mà còn cả chuỗi Ryukyu, bao gồm cả Okinawa, là lãnh thổ của Trung Quốc trong lịch sử.
“Trung Quốc vẫn kiên nhẫn và có cách tiếp cận lâu dài. Gây áp lực khi có thể và xem sẽ đạt được gì. Nhưng áp lực và thăm dò liên tục đã đẩy ranh giới lợi ích của Trung Quốc đi xa hơn nữa”.
Vượt mặt Nhật Bản
Theo các chuyên gia an ninh hàng hải, chiến lược của Trung Quốc dường như là một trong cách làm tiêu hao lực lượng của đối thủ. Trong trường hợp quần đảo Senkaku, có khả năng Trung Quốc sẽ hiện diện quân sự thường xuyên và lâu dài ở đây, dần dần làm Nhật Bản mệt mỏi.
“Những đội tàu cá, chính là sự mở rộng và sức mạnh cưỡng chế của chính phủ Trung Quốc, là công cụ hoàn hảo vì đó là sự hiện diện phi quân sự và ít đe dọa”, Newsham bổ sung rằng Trung Quốc sẵn sàng thay thế ngư dân Nhật Bản tại đây. Và xu hướng này sẽ còn tiếp tục.
Với sự gia tăng trong hoạt động trên Biển Hoa Đông, Tokyo có thể cần xem xét kỹ hơn về chi tiêu quốc phòng khi khoản tiền này mới lần đầu tiên đạt mực 5.000 tỷ yên vào năm tài khóa 2015.
“Có thể có một vài dự định hay hơn cho phía Nhật Bản, nhưng nếu nước này không chi tiền tức là không nghiêm túc.” Newsham nhấn mạnh. “Cuối cùng thì điều chúng ta đang nhìn thấy ở Biển Hoa Đông là sự thất bại của Nhật Bản trong việc không chi đủ tiền cho quốc phòng trong hàng thập kỷ và không phát triển Lực lượng tự vệ (SDF) đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản – trái ngược với việc không thay đổi hệ thống tự vệ ở Hokkaido trước Nga”.
Dù Mỹ đóng vai trò nào trong cuộc tranh chấp này, các chuyên gia cho rằng những cuộc tập trận và tuần tra chung trong khu vực có thể đóng vai trò lớn trong việc ngăn chặn Trung Quốc trong khi vẫn củng cố liên minh quân sự song phương.
“Không bao giờ được phép quên khía cạnh chính trị/tâm lý của lực lượng Mỹ- Nhật trong việc hoạt động cùng nhau. Trung Quốc hiểu điều này rất rõ”, Newsham khẳng định.
Các lựa chọn khác trong việc đưa ra tuyên bố bao gồm việc Mỹ tái khởi động triển khai những cuộc tập trận trong phạm vi quần đảo Senkaku mà Mỹ đã từ chối sử dụng kể từ thời kỳ Tổng thống Jimmy Carter vào cuối thập niên 70.
Nhưng trong việc đối phó với mối đe dọa lớn hơn từ phía Trung Quốc, Nhật Bản phải cẩn thận hơn nếu không sẽ có nguy cơ biến những đám cháy nhỏ thành cuộc xung đột toàn diện. “Hãy nhớ rằng Trung Quốc sẽ tuyên bố rằng bất cứ hành động nào của Nhật Bản cũng là leo thang căng thẳng và khiêu khích.” Newsham cảnh báo.
Nhật Bản ngày 9/8 lại triệu tập đại sứ Trung Quốc ở Tokyo lên bộ Ngoại giao để phản đối việc Bắc Kinh liên tiếp cho tàu hải cảnh tiến vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Tokyo đã yêu cầu Bắc Kinh cho rút ngay lập tức đội tàu của mình ra khỏi khu vực để giảm bớt căng thẳng.
Đây là lần thứ hai trong không đầy một tuần mà đại sứ Trung Quốc tại Tokyo bị triệu mời lên bộ Ngoại giao Nhật để nghe phản đối. Hôm 5/8 là ở cấp thứ trưởng, còn lần này là ở cấp bộ trưởng.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida lần này đã xác định với đại sứ Trung Quốc rằng «môi trường quan hệ Nhật-Trung đang xấu đi đáng kể», và Tokyo «không thể chấp nhận việc Trung Quốc có những hành động đơn phương gây căng thẳng». Nhật Bản cho rằng Trung Quốc phải cho rút tàu của mình ra khỏi khu vực để giảm nhiệt căng thẳng. Tokyo đã có động thái ngoại giao cứng rắn kể trên trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng cho tàu hải cảnh tiến vào khu vực chung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.