|
Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) Mỹ. Ảnh: QQ |
Năm 2016, Hàn Quốc quyết định cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) tại nước này và hiện đang được đẩy nhanh tiến độ. Có chuyên gia dự đoán, Mỹ và Hàn Quốc sẽ tận dụng cơ hội tiến hành các cuộc tập trận chung Foal Eagle (Đại bàng non) và Key Resolve (Giải pháp then chốt) trong tháng 3/2017 để triển khai THAAD.
Việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc đã gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Đặc biệt, Trung Quốc ra sức phản đối việc làm này, coi động thái này của Mỹ - Hàn sẽ gây thiệt hại cho lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc.
Nhưng mối đe dọa của THAAD đối với Trung Quốc sẽ lớn đến mức nào? Có chuyên gia cho rằng, Hàn Quốc quyết định cho Mỹ triển khai THAAD là có lý do hợp lý, bởi vì mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên là hiện thực. Hàn Quốc cho rằng việc Trung Quốc phản đối là không hợp lý, không thỏa đáng.
Bởi vì, bản thân Trung Quốc hiện nay ra sức cải cách, hiện đại hóa quân đội trên mọi phương diện. Trung Quốc đã trang bị các loại tên lửa đạn đạo Đông Phong, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đã sở hữu tàu sân bay Liêu Ninh và đang chế tạo thêm nhiều tàu sân bay khác.
Trung Quốc đã chế tạo và biên chế nhiều loại máy bay chiến đấu tiên tiến, đồng thời còn triển khai radar chiến lược cỡ lớn tiên tiến ở khu vực Đông Bắc... Vậy thì Trung Quốc lấy lý do gì để phản đối Hàn Quốc và cho rằng việc triển khai THAAD sẽ làm mất cân bằng chiến lược?
Hàn Quốc cũng không hề coi Trung Quốc là “mối đe dọa”, mà việc triển khai THAAD là để nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên. Do đó, đối với Hàn Quốc, lý do của Trung Quốc đưa ra là không thỏa đáng.
Nhưng cũng có người cho rằng, Trung Quốc phản đối triển khai THAAD ở Hàn Quốc là do hệ thống phòng thủ tên lửa này có thể chuyển hóa thành hệ thống tấn công và hệ thống radar kèm theo của THAAD rất tiên tiến, có thể theo dõi mọi động thái quân sự của một nửa đất nước Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc chuyển hóa từ hệ thống phòng thủ thành hệ thống tấn công sẽ gặp khó khăn rất lớn, bởi vì việc cải tiến sẽ rất tốn kém. Bản thân Mỹ có hệ thống tấn công, không cần phải cải tiến tên lửa đánh chặn làm gì.
Hệ thống radar của THAAD là mối lo ngại thực sự của Trung Quốc. Hệ thống radar này tiên tiến, phạm vi dò tìm đạt 2.000 km. Triển khai THAAD ở Hàn Quốc sẽ làm cho mọi hoạt động của tên lửa Trung Quốc tại khu vực đông bắc và Hoa Bắc sẽ nằm trong phạm vi theo dõi của Mỹ.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, các hoạt động theo dõi đều đã được Mỹ tiến hành và công nghệ cũng không ngừng tiến bộ. Vệ tinh trong không gian vũ trụ, máy bay trinh sát trên không, các hệ thống radar cố định mặt đất hoặc di động trên biển của Mỹ luôn theo dõi thường xuyên.
Mỹ thậm chí còn giám sát cả mọi động thái của đồng minh, chứ chưa nói đến Trung Quốc và Nga. Việc yêu cầu người khác không giám sát là điều không có căn cứ trong luật pháp quốc tế. Không có ai yêu cầu Trung Quốc không được trang bị tên lửa Đông Phong hay phát triển nhiều loại vũ khí trang bị khác.
Trên thực tế, năm 2016, Nga đã triển khai hệ thống radar tiên tiến có phạm vi theo dõi lên tới 5.000 km ở khu vực biên giới với Trung Quốc, vượt xa phạm vi theo dõi của THAAD, bao quát toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, được cho là có khả năng nhìn rõ cả một con ruồi bay lên ở lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không hề phản đối.
Ở khu vực Đông Bắc Á hiện nay, Triều Tiên đang trở thành “thùng thuốc súng” vì họ luôn tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa – hành vi của quốc gia này không thể dự đoán và khó kiểm soát. Trong khi đó, những tuyên bố của Triều Tiên lại “cực kỳ hiếu chiến”.
Vì vậy, cộng đồng quốc tế mới yêu cầu Triều Tiên phải thực hiện “phi hạt nhân hóa”. Ngay cả Nga và Trung Quốc cũng thống nhất với quan điểm này. Mục đích là kiểm soát được tính bất định của Triều Tiên, ngăn chặn thảm họa chiến tranh hạt nhân. THAAD triển khai ở Hàn Quốc nhằm đối phó với tên lửa, hạt nhân Triều Tiên là điều không thể phủ nhận.
Trung Quốc sở dĩ phản ứng gay gắt với việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc là do đằng sau hệ thống này là người Mỹ. Bắc Kinh cho rằng Mỹ có hành động “thù địch” lâu dài với Trung Quốc và có sự khác biệt, thậm chí đối lập lớn với Trung Quốc về ý thức hệ - sự đối lập này vẫn còn tồn tại.
Do đó, Mỹ luôn tìm cách tiến hành đề phòng và ngăn chặn đối với Trung Quốc. Trong k,hi đó, tư tưởng chống Mỹ ở Trung Quốc cũng rất mạnh. Mặc dù công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc đã làm cho hai nước lệ thuộc chặt chẽ vào nhau, khó mà chia cắt. Nhưng trong chính trị Mỹ vẫn bị coi là kẻ địch hàng đầu của Trung Quốc.
Hiện nay, triển khai THAAD đã trở thành lợi ích quốc gia của Hàn Quốc, khó có thể ngăn chặn. Quan hệ Trung - Hàn đã căng thẳng toàn diện và điều này sẽ gây thiệt hại cho cả hai. Kinh tế Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn, chơi con bài kinh tế sẽ không có lợi cho Trung Quốc.
Tập đoàn Lotte Hàn Quốc đã dành khu đất của họ cho Mỹ - Hàn triển khai THAAD. Do đó, họ trở thành mục tiêu tấn công của Trung Quốc. Lotte vào thị trường Trung Quốc từ năm 1994, hiện có 150 siêu thị tại Trung Quốc, doanh thu hàng năm lên tới 18 tỷ nhân dân tệ. Bắt đầu từ tháng 11/2016, Lotte bắt đầu chịu ảnh hưởng từ các biện pháp “trừng phạt” của Trung Quốc.
Theo tờ Chinatimes, hiện nay, các biện pháp đáp trả của Trung Quốc đối với Hàn Quốc hầu như đã trở nên toàn diện.
Có chuyên gia cho rằng, tình hình hiện nay chỉ có Triều Tiên là người “giành chiến thắng”, có thể lợi dụng sự chia rẽ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc cũng như giữa Trung Quốc và Mỹ.