Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) Mỹ. Ảnh: Sina. |
Tập trận là cơ hội triển khai THAAD
Tờ Nhân Dân Trung Quốc ngày 28 tháng 2 dẫn nhiều nguồn tin từ Quân đội Hàn Quốc cho biết khi tổ chức cuộc tập trận chung Key Resolve vào tháng 3 tới, Hàn Quốc và Mỹ sẽ lần đầu tiên diễn tập sử dụng hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD).
Theo báo chí Hàn Quốc, từ ngày 13 tháng 3 trở đi, Hàn Quốc và Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trận chung có quy mô lớn nhất trong lịch sử mang tên Key Resolve. Khác với các năm trước, năm nay sẽ lần đầu tiên đưa ra tình huống Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, Hàn - Mỹ mô phỏng dùng hệ thống THAAD để dò tìm tên lửa và tiến hành đánh chặn.
Địa điểm diễn tập chính là khu vực triển khai dự định của THAAD ở huyện Seongju, tỉnh North Gyeongsang, Hàn Quốc.
Trước đây, việc huấn luyện giả định dò tìm, đánh chặn tên lửa của Triều Tiên đã từng tiến hành nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên huấn luyện đánh chặn lấy huyện Seongju làm trung tâm.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CCTV Trung Quốc, phó Viện trưởng Nguyễn Tông Trạch, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng trong cuộc tập trận này nếu quả thực lần đầu tiên có sử dụng THAAD thì chính là "khúc dạo đầu" cho việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc, cũng là thủ đoạn đẩy nhanh triển khai THAAD của Mỹ - Hàn, đúng với nguyện vọng của hai bên.
Theo báo chí Hàn Quốc, ban đầu Mỹ và Hàn Quốc có kế hoạch hoàn thành triển khai THAAD trong năm 2017, sau đó lại có tin cho hay nhanh nhất sẽ hoàn thành công tác triển khai vào nửa đầu năm 2017. Nhưng đến nay việc triển khai THAAD có khả năng tiếp tục được thực hiện sớm hơn.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tông Trạch, Mỹ và Hàn Quốc thực sự có quyết tâm rất kiên định trong việc triển khai THAAD. Hàn Quốc cho biết triển khai THAAD là để ứng phó với "mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên".
Một mặt có thể hiện được nguyện vọng bảo đảm an ninh tự thân của Hàn Quốc, nhưng sử dụng THAAD ứng phó với Triều Tiên thực ra là đã "cho uống nhầm thuốc, đã sử dụng nhầm thuốc" - Nguyễn Tông Trạch tuyên truyền.
Mỹ muốn ép Hàn Quốc triển khai THAAD, một bộ phận trong nội bộ Hàn Quốc muốn dựa vào triển khai THAAD để tăng cường quan hệ chặt chẽ Hàn - Mỹ. Nhưng trước tình hình chính trị bất ổn hiện nay ở Hàn Quốc, để ngăn chặn việc triển khai THAAD sau này có vấn đề, Hàn Quốc và Mỹ đều muốn đẩy nhanh các bước triển khai THAAD.
Khả năng triển khai THAAD ở Nhật Bản
Theo báo chí Nhật Bản, sau khi thăm Mỹ về nước, trong thời điểm xây dựng "Kế hoạch chỉnh đốn lực lượng phòng vệ trung hạn" giai đoạn 2019 - 2023, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu cân nhắc chính thức thảo luận "chi vài trăm tỷ yên" để nhập khẩu hệ thống THAAD.
Sắp tới, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ tổ chức hội thảo liên quan đến nhập khẩu hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mới, nếu tiến triển thuận lợi sẽ đưa kinh phí mua sắm vào "Kế hoạch chỉnh đốn lực lượng phòng vệ trung hạn" mới.
Trước đó, Nhật Bản đã phao tin có ý định nhập khẩu THAAD, muốn hỗ trợ Mỹ xây dựng mạng lưới phòng thủ tên lửa THAAD ở châu Á - Thái Bình Dương với các mắt xích là Guam, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ngày 13 tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã đến khảo sát hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở căn cứ Anderson của Quân đội Mỹ tại Guam. Sau cuộc khảo sát này, bà Tomomi Inada cho biết Nhật Bản vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nhập khẩu THAAD, nhưng đó là một trong những phương án lựa chọn được cân nhắc trong tương lai.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng Doãn Trác cho rằng Nhật Bản có nhập khẩu THAAD hay không thì phải xem ý đồ của Mỹ. Nhật Bản chỉ là khách hàng, người bán có bán hay không vẫn còn chưa biết.
Theo Doãn Trác, ngay từ đầu thế kỷ này, Nhật Bản đã từng chính thức đề xuất với Mỹ nhập khẩu hệ thống THAAD, nhưng Mỹ không đồng ý. THAAD là một loại vũ khí phòng thủ đoạn cuối tiên tiến, có hàm lượng công nghệ cao hơn nhiều so với hệ thống Patriot-2 và Patriot-3.
Hơn nữa, đầu đạn đánh chặn đoạn cuối của THAAD cũng rất tiên tiến, bao gồm rất nhiều công nghệ cốt lõi mà Mỹ hoàn toàn không muốn chuyển nhượng cho Nhật Bản.
Doãn Trác cho rằng lúc này, ông Shinzo Abe tiếp tục đề xuất nhập khẩu THAAD, Mỹ thực sự có thể sẽ cân nhắc bán. Bởi vì, Mỹ hiện cấp bách muốn Nhật Bản tăng "phí bảo vệ", nhưng Nhật Bản e rằng rất khó làm được, chỉ có thể thông qua phương thức mua sắm nhiều hơn trang bị của Mỹ để thực hiện.
Trước đây, Mỹ mặc dù "giữ miếng" với Nhật Bản về công nghệ, nhưng đã trải qua 10 năm, không loại trừ khả năng Mỹ "cởi mở" với Nhật Bản một phần công nghệ, cuối cùng cho phép Nhật Bản nhập khẩu hệ thống THAAD.
Được biết, hệ thống THAAD sắp triển khai ở Hàn Quốc sẽ hoàn toàn do quân đội Mỹ điều khiển, Hàn Quốc chỉ cung cấp địa điểm triển khai. Nhưng Nhật Bản muốn hoàn toàn nhập khẩu công nghệ này, do Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản điều khiển THAAD.
Doãn Trác cho rằng khu vực xung quanh Nhật Bản và các nước có tranh chấp lãnh thổ với họ đều có khả năng tên lửa đạn đạo mạnh hơn Nhật Bản, vì vậy Nhật Bản rất muốn sở hữu dự trữ công nghệ chống tên lửa đạn đạo. Việc nhập khẩu THAAD chắc chắn là một cơ hội "đột phá" của Nhật Bản.