Một số tài khoản bị đóng cửa là của sinh viên các trường Đại học danh tiếng ở Trung Quốc như Cộng đồng nghiên cứu giới tính của Đại học Nhân dân, ColorsWorld của Đại học Bắc Kinh và Cộng đồng Tri hợp của Đại học Phúc Đán Thượng Hải.
Tài khoản của Hiệp hội Khu học xá Đồng tính nam nữ tỉnh Quảng Châu (GLCAC), vốn có sự liên kết với các trường Đại học ở tỉnh này, cũng bị đóng cửa.
Trang đại diện của những tài khoản này trên WeChat hiện thông báo: “Theo quy định hoạt động trên Internet, chúng tôi đã sàng lọc tất cả nội dung và tạm ngưng tài khoản này”. Tên của các tài khoản đã được đổi thành “Không tên”.
Một số tổ chức LGBT bị đóng cửa đã chính thức lên tiếng về vấn đề này. Wudaokou Purple của Hiệp hội sinh viên LGBT từ Đại học Thanh Hoa cho biết việc đóng cửa rất bất ngờ và nhanh chóng. Họ chưa có thời gian để thành lập một nền tảng mới.
“Các hoạt động của chúng tôi sẽ không dừng lại do đóng cửa, trái lại, chúng tôi hy vọng có thể bắt đầu lại với nhau, tiếp tục tập trung vào giới và xã hội, đón nhận lòng dũng cảm và tình yêu thương”, Cộng đồng Tri hợp của Đại học Phúc Đán tuyên bố trên Weibo.
GLCAC đã từ chối yêu cầu phỏng vấn tờ South China Morning Post, trong khi nhiều hiệp hội LGBT ở các trường đại học cũng không đồng ý trả lời báo chí.
Trước đây, các nhóm này đã hoạt động rộng rãi trong việc quảng cáo sự đa dạng và bình đẳng giới, tổ chức các cuộc hội thảo nhằm xóa tan kỳ thị đồng tính, lên tiếng ủng hộ phong trào #MeToo và tổ chức Tháng Tự hào.
Việc chính phủ Trung Quốc đóng cửa các nhóm LGBT đã khiến nhiều nhà hoạt động xã hội và các thành viên của cộng đồng LGBT cảm thấy sốc. Cô Xixi, 24 tuổi, một nhà hoạt động xã hội từng đệ đơn kiện một cuốn sách giáo khoa của Trung Quốc gọi đồng tính luyến ái là chứng “rối loạn tâm lý”, nói rằng cô cảm thấy sốc và buồn bã. Cô chưa bao giờ tưởng tượng ra một chiến dịch mạnh tay như vậy từ phía chính phủ.
“Ở Trung Quốc đại lục, các trường Đại học hiếm khi cung cấp chương trình giáo dục đa dạng, và thậm chí còn có nội dung kỳ thị đồng tính trong giảng dạy. Một số sinh viên LGBT đã từng bị bắt nạt,” Xixi nói. “Các tổ chức LGBT là nơi sinh hoạt và cung cấp sự hỗ trợ cho các sinh viên LGBT, bổ sung cho họ kiến thức về bình đẳng giới vốn còn thiếu trong chương trình giáo dục”.
Tuy nhiên, việc đóng cửa các nhóm LGBT đã được một số người chống LGBT ca ngợi là "chiến thắng". Một số tiếng nói chống LGBT đang ngày càng nổi lên mạnh mẽ trong những năm gần đây. Ông Tao Lina, một chuyên gia về vắc xin sống tại Thượng Hải, nói trên WeChat rằng các thế lực nước ngoài đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc dưới chiêu bài “nhân danh tự do, bình đẳng và tình yêu”, và phương pháp mà họ nhắm đến là khuyến khích cộng đồng LGBT.
“Cho dù bạn nhìn nhận LGBTQI như thế nào, khi bạn nhìn thấy họ tại một khuôn viên Trung Quốc, bạn sẽ không hoan nghênh cái mà người Mỹ gọi là 'nhân quyền'," ông Tao Lina viết. "Là một phụ huynh Trung Quốc, hầu hết mọi người sẽ cảm thấy điều này là khủng khiếp và muốn chính quyền cấm họ".
Ông Tao ví von sự công nhận của phương Tây đối với cộng đồng LGBT giống như “việc tán dương tôn giáo và mặc kệ những người nghiện ma túy”, và là kiểu “chính trị bản sắc” (identity politics).
Một quan chức Trung Quốc trong lĩnh vực tư tưởng cũng nói với tờ Post rằng “chính trị bản sắc” sẽ chia một quốc gia thành nhiều nhóm nhân dạng khác nhau và Trung Quốc “cần phải tỉnh táo”.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhóm LGBT ở Trung Quốc phải đối mặt với việc đóng cửa. Năm 2020, Shanghai Pride tuyên bố ngừng hoạt động sau 11 năm. Vào năm 2018, Weibo thông báo sẽ xóa sạch các tài khoản "quảng cáo nội dung khiêu dâm, bạo lực và đồng tính". Gần 190.000 người sau đó đã sử dụng hashtag "Tôi là người đồng tính" trên Weibo để phản đối chính sách của mạng xã hội này.