Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền về khả năng chống Delta của vaccine COVID-19 tự sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bắc Kinh đã cử hẳn một đoàn các bác sĩ chuyên khoa phổi hàng đầu tới WHO để báo cáo về những nghiên cứu “thực chất” cho thấy vaccine COVID-19 của họ có tác dụng với chủng Delta.
Trung Quốc đang đẩy mạnh tuyên truyền về mức độ hiệu quả của vaccine do họ sản xuất đối với biến chủng Delta (Ảnh: Nikkei)
Trung Quốc đang đẩy mạnh tuyên truyền về mức độ hiệu quả của vaccine do họ sản xuất đối với biến chủng Delta (Ảnh: Nikkei)

Chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu một chiến dịch tuyên truyền vaccine mới của họ, và lần này triển khai rất nhiều chuyên gia y tế nổi tiếng để bảo vệ các chủng vaccine ngừa COVID-19 mà các hãng trong nước sản xuất và xuất khẩu ra khắp thế giới.

Một trong số những chuyên gia hàng đầu của họ đang tận dụng các cuộc hội thảo trực tuyến và các nền tảng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để tuyên truyền thông tin đảm bảo rằng các vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm và Sinovac có hiệu quả chống lại biến chủng Delta của virus corona.

Zhong Nanshan (Chung Nam Sơn) – một trong những chuyên gia bệnh phổi nổi tiếng của Trung Quốc – là người gần đây nhất bỗng nhiên đóng vai trò phát ngôn viên cho các chủng vaccine mà Trung Quốc sản xuất và các chiến lược chống COVID-19 của nước này.

Tháng 7 vừa qua, ông Zhong nói với Ủy ban Độc lập về Phản ứng và Chuẩn bị cho Đại dịch của WHO, mà ông cũng là một thành viên, rằng dữ liệu “thế giới thực” mà ông đã thu thập được từ các đợt dịch trước đây ở phía Nam Trung Quốc chỉ ra rằng vaccine của Sinopharm và Sinovac đạt hiệu quả 63% trong việc chống lây nhiễm biến chủng Delta.

Zhong, 85 tuổi, là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng quốc gia về Bệnh đường hô hấp ở Quảng Châu và là người đứng đầu trong ủy ban chuyên gia về kiểm soát COVID-19 mà Trung Quốc thành lập. Chính ủy ban này là bên đưa ra khuyến nghị phong tỏa Vũ Hán để kiểm soát sự lây lan của COVID-19, và được chính quyền Bắc Kinh phê duyệt vào tháng 1/2020.

Tuy nhiên, trong lúc Bắc Kinh ra sức tuyên truyền cho các loại vaccine mà họ sản xuất, thì sự ngờ vực về mức độ hiệu quả và khả năng sinh kháng thể của chúng lại lan khắp các nước đang phát triển – nơi mà biến chủng Delta và nhiều biến chủng khác của COVID-19 đã phơi bày yếu điểm của các mũi tiêm.

Vaccine của Trung Quốc có giá rẻ hơn và điều kiện bảo quản cũng đỡ khắt khe hơn so với các loại vaccine công nghệ mRNA được phát triển và sử dụng rộng rãi ở các nước phương Tây. Chúng cũng sẵn có hơn, trong lúc mà nhiều nước phương Tây tích trữ vaccine để tiêm cho người dân nước họ.

Dữ liệu từ rất nhiều các cuộc thử nghiệm ở nước ngoài cùng việc phân phối vaccine Trung Quốc ra khắp thế giới đã vẽ ra một bức tranh khá hỗn độn. Viện Butantan của Brazi trước đây từng đánh giá mức độ hiệu quả của vaccine Sinovac đạt khoảng 50%. Và cuộc thử nghiệm ở Brazil được thực hiện trước khi biến chủng Delta xuất hiện. Gần đây hơn, Singapore tuyên bố rằng họ sẽ không công nhận những người tiêm vaccine của Sinovac là đã được tiêm chủng.

Thái Lan cũng đã bắt đầu muốn ngừng sử dụng vaccine của Trung Quốc sau khi có bằng chứng cho thấy nhiều nhân viên y tế tuyến đầu của họ bị nhiễm bệnh. Indonesia cũng báo cáo về hàng loạt ca nhiễm COVID-19 trong số các nhân viên y tế đã được tiêm đầy đủ vaccine của Sinovac.

Hiện tại, Bắc Kinh đang phải nhờ tới những tiếng nói có uy tín nhất như Zhong Nanshan để xua tan sự nghi ngờ về vaccine ngừa COVID-19 của họ, trong đó bao gồm cả WHO.

Một đoạn trích từ bài phát biểu mà Zhong Nanshan đưa ra tại ủy ban của WHO trong tháng 7 vừa qua nhấn mạnh rằng, đội ngũ của ông đã nghiên cứu 153 ca nhiễm biến chủng Delta được xác nhận ở Quảng Châu trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6/2021. Kết quả nghiên cứu cho thấy các loại vaccine của Trung Quốc có hiệu quả chống biến chủng Delta đạt 66%, và cả vaccine của Sinopharm lẫn Sinovac đều có thể “giảm đáng kể” nguy cơ phải nhập viện khi nhiễm bệnh, và đạt hiệu quả 77% trong việc ngăn các ca bệnh nặng.

Zhong nói rằng tất cả bệnh nhân ở Quảng Châu đều được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, và không có ca nhiễm mới nào kể từ ngày 18/6, cũng không có ca tử vong nào kể từ khi Delta gây ra làn sóng dịch mới. Ông còn nói thêm rằng, có được thành quả trên là nhờ vào công tác tiêm chủng diện rộng mà họ áp dụng từ trước đợt bùng phát, nhờ vào các mũi tiêm được sản xuất trong nước.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Global People – một ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật báo – Zhong cũng đưa ra dữ liệu tương tự.

Trong bài phát biểu trước ủy ban của WHO, vị chuyên gia này cũng chỉ trích cái mà ông gọi là “đại dịch thiên vị” của giới truyền thông phương Tây, khi đăng tải thông tin không có lợi về vaccine của Sinovac.

Zhong nói rằng vaccine của Sinovac đã trải qua quá trình đánh giá kỹ lưỡng trong các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối trên người ở khắp lãnh thổ của Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Peru và Pakistan với kết quả cho thấy tỷ lệ hiệu quả trong khoảng 50 – 90%, thế nhưng nhiều hãng truyền thông quốc tế lại chỉ tập trung vào con số 50% ở Brazil.

“Chính phủ Trung Quốc không thể kiểm soát được điều mà giới truyền thông nước ngoài nói về vaccine Trung Quốc. Nhưng khi đã có quá nhiều quốc gia đã phân phối mũi tiêm của chúng tôi cho người dân nước họ, không hề có báo cáo nào cho thấy tác dụng phụ nghiêm trọng, dịch lan rộng hay bất cứ điều gì tồi tệ hơn cả. Tất cả các loại vaccine, trên hết, đều cần phải an toàn khi sử dụng” – Zhong nói.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hồi tuần trước nói rằng, tính đến ngày 4/8, đất nước này đã đóng góp hoặc vận chuyển 770 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 100 quốc gia trên thế giới, mặc dù không liệt kê ra cụ thể.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tái xác nhận cam kết sẽ đóng góp 2 tỉ liều vaccine tính đến cuối năm nay, trong bức thư gửi tới Diễn đàn Quốc tế về Hợp tác Vaccine COVID-19 hôm 5/8.

Zhong cũng nói với các thành viên của ủy ban WHO rằng Bắc Kinh đã viết ra một cuốn “cẩm nang” về các chiến lược kiểm soát dịch nhanh, dành cho các quốc gia đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19 như Colombia, Nam Phi và Ấn Độ.

“Cẩm nang” này bao gồm các kỹ thuật và chiến lược được sử dụng để ngăn chặn các đợt bùng phát dịch biến chủng Delta ở Quảng Châu chỉ trong vòng 1 tháng. Ông cũng nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chặn dịch với cộng đồng quốc tế.

“Xét nghiệm diện rộng luôn là chìa khóa để dập tắt các đợt bùng phát dịch mới, và chúng tôi từng thực hiện 210 triệu xét nghiệm trong vòng 21 ngày ở Quảng Châu, trong khi ai cũng biết rằng Delta có khả năng lây lan nhanh hơn so với phiên bản COVID thông thường” – Zhong nói.

“Chúng tôi cũng kêu gọi các nước khác xem xét lại khái niệm về “tiếp xúc gần”, để từ đó mở rộng công tác truy vết tiếp xúc tới cả những người từng ở chung trong một tòa nhà, chung một tuyến địa điểm hay cơ sở mà bệnh nhân nhiễm Delta từng xuất hiện” – Zhong nói về chiến lược chặn dịch được áp dụng ở Quảng Châu.

Và vị chuyên gia cũng không quên tuyên truyền cho vaccine do Trung Quốc sản xuất: “Nếu như các nước đang phát triển không có đủ lượng vaccine dự trữ, không thể tự sản xuất vaccine hoặc không thể tiếp cận với vaccine của phương Tây, họ nên xem vaccine Trung Quốc như một sự thay thế tốt, trong khi Chủ tịch Tập đã làm mới cam kết của mình. Chúng tốt hơn là không có gì cả”.

Theo Asia Times