Trung Quốc đang lo Nhật Bản sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông ở hội nghị G20

VietTimes -- Trung Quốc hứng chịu sự chỉ trích của Nhật Bản cả ở biển Hoa Đông và Biển Đông, trong khi Hàn Quốc cho rằng vấn đề THAAD không nên ảnh hưởng đến quan hệ Hàn-Trung.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Trung-Nhật-Hàn ngày 24/8/2016. Ảnh: Chinadaily
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Trung-Nhật-Hàn ngày 24/8/2016. Ảnh: Chinadaily

Nhật Bản sẽ nêu vấn đề Biển Đông ở Hội nghị thượng đỉnh G20

Trang tin china.com.cn ngày 25/8 cho rằng nhìn vào thông tin trên báo chí Nhật Bản, sự bất đồng giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã không giảm đi.

Theo tờ Japan News Network, cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã được tổ chức ở Tokyo vào chiều ngày 24/8.

Nhật Bản đã đưa ra phản đối với ông Vương Nghị về việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc đi vào vùng biển 12 hải lý của đảo Senkaku, xâm phạm lãnh hải Nhật Bản, yêu cầu Chính phủ Trung Quốc quản lý và kiểm soát tốt tàu cảnh sát biển không được tiếp tục xâm phạm lãnh hải Nhật Bản.

Đáp lại, ông Nghị đã tiến hành phản đối, nhắc lại yêu sách chủ quyền đối với đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư, đồng thời yêu cầu Nhật Bản không "thổi phồng" vấn đề tàu cảnh sát biển Trung Quốc. Ông Fumio Kishida còn yêu cầu Trung Quốc chấp nhận kết quả trọng tài Biển Đông.

Tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập vùng biển đảo Senkaku Nhật Bản. Ảnh: Sina Trung Quốc.
Tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập vùng biển đảo Senkaku Nhật Bản. Ảnh: Sina Trung Quốc.

Đài truyền hình NHK Nhật Bản tiết lộ, khi hai bên hội đàm, đối với việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản, ông Fumio Kishida đã trực tiếp đưa ra phản đối với Vương Nghị, mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc làm cho tình hình yên ổn trở lại.

Vương Nghị ngoài nhắc lại yêu sách chủ quyền, còn cho biết tầm quan trọng của việc tránh để xảy ra các tình huống bất trắc. Ngoài vấn đề đảo Senkaku, ông Fumio Kishida còn muốn Trung Quốc “tự kiềm chế toàn diện” đối với tài nguyên ở biển Hoa Đông.

Ông Fumio Kishida cho biết nếu tình hình biển Hoa Đông được cải thiện sẽ thúc đẩy hội đàm giữa nhà lãnh đạo hai nước tại Hội nghị thượng đỉnh G20, đồng thời thông qua đối thoại cải thiện quan hệ song phương.

Vương Nghị cho biết Trung Quốc là nước đứng ra tổ chức G20, sẽ gánh lấy trách nhiệm của họ, đồng thời khách cũng nên dựa vào ý định của chủ nhà để "làm tốt (vai trò của) khách".

Như vậy, ông Vương Nghị mong muốn Nhật Bản không được đề cập đến vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông trong Hội nghị thượng đỉnh G20.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung Se ở Tokyo Nhật Bản ngày 24/8/2016. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung Se ở Tokyo Nhật Bản ngày 24/8/2016. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Ra “tối hậu thư” cho Hàn Quốc

Bài báo còn cho hay khi gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se ở Nhật Bản vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cho biết quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đứng trước khó khăn và thách thức.

Trung Quốc kiên quyết phản đối Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, không chấp nhận bất cứ hành động nào gây thiệt hại cho lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc.

Ông Nghị còn yêu cầu Hàn Quốc bình tĩnh cân nhắc “lợi hại, được mất”, cùng Trung Quốc đi theo một hướng, chứ không phải “mỗi người một ngả”, cùng tìm kiếm biện pháp giải quyết thỏa đáng mà hai bên đều có thể chấp nhận được.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra thông cáo báo chí cho biết hai bên đã trao đổi ý kiến về lập trường cơ bản trong vấn đề triển khai THAAD và đạt được đồng thuận về việc tiếp tục tiến hành trao đổi. Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh, đại cục phát triển quan hệ hai nước không nên bị ảnh hưởng xấu bởi một vấn đề nào đó.

Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) Mỹ. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.
Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) Mỹ. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.

Tờ Hankyoreh Hàn Quốc ngày 24/8 bình luận cho rằng Trung Quốc yêu cầu Hàn Quốc "chọn một trong hai" - hoặc THAAD hoặc quan hệ Trung-Hàn.

1 tháng qua, lập trường của Trung Quốc trong vấn đề THAAD không chỉ không dịu đi, trái lại ngày ngày càng cứng rắn.