|
Giới quân sự Trung Quốc có xu hướng ngày càng hung hăng, hiếu chiến trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ |
Tham vọng của người khổng lồ
Theo Atlantic, sự hung hăng của Trung Quốc đã buộc các nước láng giềng xung quanh phải cảnh giác. Nhiều nước đã bắt đầu hình thành kiểu quan hệ đối tác với cùng mối quan tâm trong tâm trí: Kiềm chế Bắc Kinh.
Đề cập đến một trong những mối quan hệ mới, một nhà ngoại giao ở Đông Nam Á đã nói về khả năng Ấn Độ hợp tác với Việt Nam nhằm đối phó với các thách thức an ninh trong tình hình mới. New Delhi đã đồng ý huấn luyện thủy thủ Việt Nam về tác chiến tàu ngầm và cung cấp khoản tín dụng 100 triệu USD cho Hà Nội để mua thiết bị quân sự, bao gồm các tàu tuần tra trên biển. Đó không phải là nhiều so với tiêu chuẩn về chi tiêu quân sự trong khu vực, nhưng có thể là bước đi đầu tiên.
Đây có lẽ là mục tiêu nổi bật nhất trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ: tăng cường mạng lưới hợp tác trong số các nước láng giềng lo ngại Trung Quốc, những quốc gia có lợi ích chung trong việc ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực lật đổ trật tự hiện hữu. Trong mọi trường hợp, như ví dụ minh họa sinh động giữa Ấn Độ-Việt Nam, các láng giềng của Trung Quốc không hẳn chờ đợi phía Mỹ chỉ cho họ đường đi. Nhật Bản đã đóng góp rất nhiệt tình trong việc xây dựng năng lực phòng vệ hàng hải của Việt Nam và Philippines. Ngay cả Hàn Quốc, một trong những láng giềng được lợi nhất từ Trung Quốc, hiện cũng đã bán vũ khí cho Philippines.
Cuối cùng, sự cân bằng kiểu này trong khu vực có thể đem lại triển vọng tốt nhất để tránh sự chạm trán trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ ở tây Thái Bình Dương- và rốt cuộc có lẽ là triển vọng tốt nhất cho hòa bình. Trong cuốn sách xuất bản năm 2012 “Sự trỗi dậy của Trung Quốc và logic chiến lược”, Edward N. Luttwak viết về cách tiếp cận kiểu này để làm đối trọng như là một trong những phản chiếu cơ bản nhất trong lĩnh vực chiến lược. Sử dụng phương pháp loại suy từ Thế chiến I để mô tả những gì đang diễn ra ở Thái Bình Dương, ông nhận xét ngày nay Trung Quốc đang trỗi dậy cũng nhanh chóng tương tự sự nổi lên của Đức ở thế kỷ trước. Luttwak đánh giá: “Chỉ có một đại chiến lược quân sự không đe dọa và ngoại giao hòa giải mới có thể phục vụ nước Đức một cách tốt nhất – thúc đẩy nhanh quá trình nổi lên hòa bình của mình lên một tầm cao mới của sự thịnh vượng có văn hóa”. Tuy nhiên theo Luttwak , hoàn toàn rõ ràng khi vào thời điểm 1907 và lâu hơn nữa trước đó, chiến lược tốt nhất ấy đơn giản là điều không thể tưởng tượng nổi với giới tinh hoa chính trị nước Đức.
Theo Atlantic, Trung Quốc càng chứng kiến sự hợp tác đáp trả việc nước này xây dựng sức mạnh quân sự và hải quân, Bắc Kinh càng có thể hướng đến kênh ngoại giao, và ngừng tìm kiếm ưu thế áp đảo trong khu vực. Câu hỏi lớn nhất hiện nay là liệu giới tinh hoa chính trị Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình, một nhà lãnh đạo mới quyết đoán một cách bất thường, có vượt qua ranh giới tương tự như những giới tinh hoa Đức đã làm cách đây một thế kỷ, hay có thể sớm sẽ vượt qua ranh giới đó?
Gốc rễ gây hấn
Trong nhiều thập kỷ, bắt đầu từ thời ông Đặng Tiểu Bình, chiến lược của Trung Quốc là “giấu mình chờ thời”. Câu châm ngôn của Đặng Tiểu Bình chưa bao giờ bị từ bỏ một cách rõ ràng, nhưng những hành động của Trung Quốc kể từ giữa năm 2013 cho thấy rõ ràng cách tiếp cận của ông đã bị gạt sang một bên. Phe diều hâu trong quân đội Trung Quốc ngày càng thể hiện sự hung hăng hơn, đến mức hiếu chiến. Một trong nhiều ví dụ gần đây là Lưu Á Châu, chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc đã dẫn lại lời một chiến lược gia Trung Quốc thời cổ đại trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí: “Một đội quân mà không giành được chiến thắng thì vô giá trị. Những biên cương nơi quân đội chúng ta giành chiến thắng đều hòa bình và ổn định hơn, những nơi mà chúng ta quá nhút nhát sẽ nhiều tranh chấp hơn”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai chào mừng việc phát triển vũ khí và yêu cầu quân đội sẵn sàng chiến đấu. Trong chuyến công du đầu tiên ra ngoài Bắc Kinh sau nhậm chức tháng 11/2012, ông Tập tới thăm quân lính tại đại quân khu Quảng Châu và phát biểu rằng: “Có khả năng chiến đấu và giành chiến thắng trong chiến tranh là điều cốt tử của một quân đội mạnh mẽ”. Tháng 8/2013, ông Tập thăm tàu sân bay Liêu Ninh trước khi nó bắt đầu hoạt động và hô hào chỉ huy tàu tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu.
Trong một bài giảng tại Moscow, Shi Yinhong, một nhà sử học nổi bật của ngoại giao Trung Quốc, đã tóm lược các đường hướng thay đổi dưới quyền ông Tập và lưu ý rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên nhắc tới chủ đề “sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”, giảm mạnh việc sử dụng cụm từ “phát triển hòa bình”; và hầu như bỏ hoàn toàn chiến lược khiêm tốn của Đặng Tiểu Bình.
Mục tiêu giành quyền bá chủ khu vực của Trung Quốc không phải là khó hiểu, và trong bối cảnh sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc bắt kịp với tham vọng, chúng ta có thể chỉ mới bước vào giai đoạn đầu của một giai đoạn dài và đầy nguy hiểm, trong đó Trung Quốc tìm cách tự khẳng định vị thế của mình ngày càng mạnh hơn. John J. Mearsheimer, nhà hiện thực nổi bật và giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago, dự đoán rằng ít nhất Trung Quốc sẽ không còn giữ chính sách trỗi dậy hòa bình trong cuốn sách “Thảm kịch của siêu cường chính trị” xuất bản năm 2001.
Trong cuộc tranh luận với Yan Xuetong, một học giả Trung Quốc nổi tiếng về quan hệ quốc tế, Mearsheimer nói: “Chúng ta có nên trông chờ Trung Quốc sở hữu riêng học thuyết Monroe? Tất nhiên là thế”. Nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ chấp nhận thực tế trên. Mearsheimer lập luận rằng Trung Quốc đã phạm một sai lầm lớn với những động thái thúc đẩy tham vọng trong thời gian gần đây, tranh đoạt với Mỹ quá sớm, thay vì chờ đợi thêm một hoặc hai thập kỷ nữa, khi sức mạnh tương đối của Trung Quốc có thể lớn hơn nhiều, và khả năng tạo sự đã rồi của nước này cũng cao hơn.
Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra những thay đổi gần đây ở Trung Quốc, nơi sự tự tin trỗi dậy mạnh mẽ, thậm chí là tâm thế hân hoan chiến thắng. Đặc biệt trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 giáng một đòn chí mạng với hầu hết các nền kinh tế phương Tây, nhưng Trung Quốc lại là ngoại lệ không bị tổn thương. Rồi những sự kiện tiếp theo đó, chẳng hạn như lằn ranh đỏ đã bị Nhà Trắng bỏ qua trong việc răn đe sử dụng vũ khí hóa học tại Syria và Washington không có khả năng ngăn chặn Nga sáp nhập Crimea, có thể tất cả đã góp phần tạo nên nhận thức tại Bắc Kinh rằng năng lực Mỹ ở nước ngoài đang suy giảm.
Tuy nhiên, nghịch lý thay, tâm thế mới của Trung Quốc dường như phản ánh không chỉ năng lực trỗi dậy hay sự tự tin, mà còn cho thấy tâm lý bất an gia tăng trong giới lãnh đạo Trung Quốc, những người giành được tính hợp pháp trong kỷ nguyên của đất nước từng một thời bị bó chặt bởi ý thức hệ, luôn dựa trên hai trụ cột là hiệu năng kinh tế mạnh mẽ và chủ nghĩa dân tộc. Sự bùng nổ của phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc đã khuếch đại tiếng nói của phe dân túy cứng rắn, những người liên tục đòi hỏi đất nước họ phải đứng ở vị trí cao và không lùi bước trước việc sử dụng vũ lực.
Điều này khiến có vẻ lan truyền nỗi sợ hãi trong giới lãnh đạo về việc bị nhìn nhận là yếu đuối. Khi được hỏi liệu một nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể công khai nói về sự thỏa hiệp với các nước láng giềng hay không, Wu Jianmin, cựu phát ngôn viên bộ ngoại giao và chủ tịch đã hồi hưu của Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói với tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản): “Bạn sẽ là một kẻ phản bội”
Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc vốn là động cơ lâu nay của tăng trưởng kinh tế đã sa thải lượng lớn công nhân trong nhiều năm qua trong bối cảnh tiền lương tăng lên nhanh chóng và công nghệ sử dụng ít lao động phổ biến. Nền kinh tế và việc làm tiếp tục phát triển nhanh, nhưng sự tăng trưởng đó đã được thúc đẩy bởi nợ doanh nghiệp và nợ chính phủ tăng nhanh chưa từng có thấy. Theo một số điều tra gần đây, tăng trưởng sản xuất của Trung Quốc đang giảm. Các nước láng giềng của Trung Quốc có nhiều lý do để lo ngại về khả năng một cuộc suy thoái kinh tế mạnh ở Trung Quốc mà nhiều chuyên gia đã dự đoán từ lâu. Do Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, nếu một trong những trụ cột tạo nên tính hợp pháp cho giới lãnh đạo Trung Quốc yếu đi, cột trụ còn lại sẽ phải gánh chịu áp lực lớn.
Theo Atlantic, lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc vẫn duy trì một chiếc hộp đen, và không một ai có thể nói chắc chắn lý do tại sao nước này lại đột nhiên lại tự khẳng định một cách hung hăng đến thế ở Đông Á. Mặc dù Trung Quốc sẽ có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, một số chỉ số cho thấy nước này đã bước vào thời kỳ liên kết tối đa với phần còn lại của thế giới- nhưng nền kinh tế gặp nguy hiểm có thể báo hiệu sự thay đổi quỹ đạo kinh tế.
Những thống kê về dân số của Trung Quốc là điều không mấy hứa hẹn, lực lượng lao động nước này bắt đầu sụt giảm mạnh, và một xã hội có thể già đi trước khi thực sự giàu, dựa trên thu nhập bình quân đầu người. Ngay ở Trung Quốc, rất ít nhà kinh tế tin rằng nước này có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế như trong vài thập kỷ qua, và nhiều người lo sợ rằng họ có thể đã lọt sâu vào cái gọi là bẫy thu nhập trung bình, trong đó các nền kinh tế đang phát triển sẽ cực kỳ khó khăn để tiếp tục sự tăng trưởng trong chuỗi giá trị công nghiệp, nơi mà sự đổi mới và dịch vụ tiên tiến sẽ thay thế nền sản xuất thấp. Như nhà khoa học chính trị David Shambaugh ghi nhận gần đây: “Không hề có dù chỉ một công ty nào của Trung Quốc nằm trong Top 100 thương hiệu toàn cầu của BusinessWeek/Interbrand”.
Nếu Washington có thể tiếp tục tìm cách để củng cố đồng minh, đặc biệt là các nền dân chủ ở Đông Á, và nếu Mỹ và Trung Quốc có thể tránh được những tính toán sai lầm lớn trong vài năm tới, thì sự quyết đoán của Trung Quốc thời điểm này có thể mở đường cho sự yên tâm và tự tin thực tế hơn ở Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc có thể xuống thang thành công, và nếu chính phủ có thể dần tìm ra nguồn lực mới tạo tính chính danh lãnh đạo – chẳng hạn thông qua việc minh bạch hơn, nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn để chống tham nhũng, kiểm soát ô nhiễm và cải thiện cuộc sống cho người dân một cách phi lợi nhuận - giới tinh hoa Trung Quốc mới có thể thấy chút lợi thế trong cuộc đối đầu với các nước láng giềng.