|
Tàu ngầm Kilo và chiến hạm Gepard của hải quân Việt Nam trên vịnh Cam Ranh |
Trung Quốc dấn vào “cuộc chơi quyền lực” nguy hiểm
(tiếp theo kỳ trước)
Trong tháng 2, ba tàu chiến Trung Quốc tuần tra ở Ấn Độ Dương, lần đầu tiên vượt qua eo biển Sunda chật hẹp nằm giữa hai quần đảo Java và Sumatra của Indonesia, và rồi sau đó hoạt động không một lời báo trước ngoài bờ biển đảo Giáng Sinh thuộc lãnh thổ Úc. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc, không hài lòng với đồng minh lịch sử của Mỹ này do vào năm 2011 Úc cho phép Mỹ bắt đầu triển khai tới 2.500 lính thủy đánh bộ tại một cơ sở ở phía bắc Úc, như một phần trong chính sách “xoay trục” sang châu Á của chính quyền Obama đã được công bố, một thay đổi nhằm triển khai nhiều thiết bị, vũ khí quân đội Mỹ tới Thái Bình Dương, và phản ánh vị trí trung tâm ngày càng tăng của khu vực đối với nền kinh tế toàn cầu.
Shen Dingli, nhà phân tích an ninh nổi bật của Trung Quốc, giải thích việc tuần tra theo con đường này với một phóng viên tờ The Sydney Morning Herald: “Mỹ đã can thiệp vào việc thống nhất đại lục của Trung Quốc với Đài Loan, và các liên minh khu vực của Mỹ nhằm phục vụ cho mục đích can thiệp quân sự. Úc đang nằm trên bàn cờ chiến lược của Mỹ với mục đích đó… Úc không nên mong đợi theo Mỹ để đe dọa Trung Quốc mà không làm tổn thương chính mình”.
Những tháng tiếp theo vẫn duy trì một nhịp điệu tương tự với các hành động khiêu khích của Trung Quốc, nếu xảy ra bất cứ sự cố gì tính chất đều nghiêm trọng hơn. Đầu tháng 5/2104, khoảng 80 tàu Trung Quốc, bao gồm nhiều tàu hải quân, đi kèm với một giàn khoan (Hải Dương Thạch Du 981) trị giá 1 tỷ USD đã được đưa đến hạ đặt trái phép ở vị trí chỉ cách khoảng 120 hải lý ngoài khơi bờ biển của Việt Nam và chuẩn bị sẵn sàng hoạt động.
Atlantic điểm lại sự kiện Trung Quốc ngang nhiên khẳng định giàn khoan đang được triển khai trong lãnh hải của mình, mặc dù bờ biển của Việt Nam gần hơn và vị trí đó hoàn toàn nằm trong phạm vi 200 hải lý của Việt Nam, đường ranh giới được công nhận dành cho tất cả các quốc gia ven biển như vùng đặc quyền kinh tế. Cuộc khủng hoảng xảy ra sau đó, các tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng để xua đuổi đối thủ và đâm húc thô bạo các tàu Việt Nam. Việt Nam đã kiên trì đấu tranh trên thực địa và thông qua phản đối ngoại giao kiên quyết. (vào giữa tháng 7/2014, Trung Quốc tuyên bố giàn khoan đã hoàn thành sứ mệnh và di chuyển về đảo Hải Nam).
Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật ít tính quân sự hơn nhưng không kém phần ngang ngược để khẳng định quyền kiểm soát ở Thái Bình Dương. Đáng chú ý nhất là bằng cách xây dựng các hòn đảo nhân tạo phi pháp ở các vùng biển tranh chấp ngoài khơi quần đảo Trường Sa. Trên những hòn đảo mới và những tiền đồn xa xôi khác, Trung Quốc xây dựng phi pháp căn cứ và nhà ở cho binh lính. Trung Quốc dường như hy vọng sẽ sử dụng sự hiện diện trên các đảo để hỗ trợ và nhấn mạnh tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển bao quanh chúng.
Theo Atlantic, cuộc chiến Trung Quốc phát động nhằm thống trị ở Tây Thái Bình Dương đã bắt đầu với hàng loạt động thái hung hăng. Trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi con đường của mình, giai đoạn đầu có thể sẽ chủ yếu diễn ra ở Biển Đông, nơi nước này thể hiện sức mạnh vượt trội so với các nước nhỏ yếu hơn như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia. Nhưng sau đó cuộc đấu mở rộng hơn bao gồm Nhật Bản và trên toàn phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh...
Trong những năm qua, tác giả thường xuyên tới khu vực này nhiều lần, trao đổi với các nhà ngoại giao và các nhà tư tưởng quân sự chủ chốt của các nước láng giềng Trung Quốc - những người phải chật vật đối phó với sự xâm nhập của Trung Quốc, để hiểu được cảm giác của họ như thế nào khi mọi việc có thể diễn ra, và làm thế nào để Mỹ có thể can thiệp vào vấn đề một cách ý nhị. Dưới đây là nhận thức của họ về ván cờ quyền lực ở Thái Bình Dương, nơi mà mọi việc có thể rẽ sang bước ngoặt nguy hiểm.
Theo Atlantic, đối thủ chính của Trung Quốc trên Biển Đông là Việt Nam và Philippines. Các nhà phân tích quan ngại khả năng Bắc Kinh sẽ lựa chọn một trong các quốc gia có tranh chấp để ra tay và cảnh cáo các nước còn lại. Câu hỏi đặt ra là nước láng giềng nào sẽ trở thành đối tượng trong cuộc chơi. Trung Quốc sẽ bắt nạt và sỉ nhục quốc gia nào để làm “bài học” hòng đe dọa nước còn lại rằng chống cự Bắc Kinh là vô ích và Mỹ không thể giúp gì.
Ngày nay, Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực được xem là “nặng ký” trong việc chống lại tham vọng bành trướng trên Biển Đông, nhưng Việt Nam không có một thỏa thuận quốc phòng với Mỹ nên dễ bị nhòm ngó hơn. Tuy nhiên, dù kích thước lãnh thổ chỉ bằng 1/30 diện tích Trung Quốc nhưng Việt Nam lại có một truyền thống văn hóa thượng võ đáng gờm mà Mỹ đã có bài học vào những năm 1960.
Atlantic đánh giá, người Trung Quốc cũng không xa lạ với tinh thần kháng cự bất khuất của Việt Nam. Mặc dù hai nước là láng giềng lại cùng ý thức hệ, nhưng mối quan hệ này đã trải qua nhiều sóng gió suốt nhiều thế kỷ, nên sắc thái của mỗi phía mỗi khác. “Chinh phục nằm trong máu của họ, còn kháng cự đã ăn vào máu chúng tôi”, một nhà phân tích chính trị Việt Nam tóm tắt hai thiên niên kỷ của lịch sử khi chia sẻ với The New York Times.
Không ai trong số các nhà ngoại giao và quan chức Việt Nam mà tác giả từng gặp có bất kỳ ảo tưởng nào về một cuộc đụng độ đối xứng với người hàng xóm khổng lồ, về hải quân hay phương diện khác. Nhưng Việt Nam từng nhiều lần tìm ra những phương cách độc đáo để chiến thắng đối thủ mạnh hơn và được trang bị vũ khí hiện đại hơn. Lịch sử oanh liệt đã mang lại một tâm thế tự tin ở Hà Nội, Atlantic đánh giá.
“Chúng tôi là một đất nước nhỏ, nhưng mỗi lần kẻ xâm lược muốn sử dụng vũ lực đối với Việt Nam, chúng tôi đều chặn đứng”, một nhà phân tích quân sự Việt Nam nói với tác giả tại Kuala Lumpur. Chúng tôi gặp nhau một phòng tiếp khách trang trọng trong đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia. Trên tường treo một bức chân dung của chủ tịch Hồ Chí Minh đang tươi cười. “Trong cuộc xung đột Malvinas, Argentina chỉ có ba tên lửa Exocet, một trong số đó đánh chìm một tàu của Anh. Nếu kẻ địch mang tàu sân bay đến xâm lược, chúng tôi sẽ đánh bại họ”, ông quả quyết.
Mới đây, Hà Nội đã nhận gần đủ hạm đội ngầm 6 chiếc lớp Kilo do Nga sản xuất. Nhà phân tích quân sự giải thích rõ ràng việc chi tiêu tốn kém như thế đối với một đất nước kinh tế đang phát triển: Việt Nam cần có khả năng đánh chìm các chiến hạm của kẻ địch để làm tăng cái giá đối với kẻ xâm lược đến mức không thể chấp nhận nổi.
Theo Atlantic, Việt Nam phải cân nhắc thận trọng phản ứng trước những hành động khiêu khích của nước láng giềng, do sự hội nhập kinh tế ngày càng tăng giữa hai nước. Năm 2012, tại thời điểm đặc biệt căng thẳng với Manila, Trung Quốc cho dừng nhập khẩu chuối từ Philippines, làm một lượng lớn chuối đã thu hoạch để thối rữa trên bến cảng. Và ngay sau khi căng thẳng tăng khi giàn khoan 981 được hạ đặt vào vùng biển Việt Nam, thương mại giữa hai nước giảm mạnh, với lời cảnh báo từ phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng những hậu quả lâu dài về kinh tế có thể xảy ra.
Atlantic nhìn nhận, đối với người Việt Nam, sự cố giàn khoan 981 kết thúc mà không có gì đảm bảo nó không lặp lại. Nhiều người lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tìm cách dùng vũ lực thôn tính quần đảo Trường Sa như những gì Bắc Kinh đã làm vào các năm 1974 và 1988. Việc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã gây nên các cuộc biểu tình lớn ở Việt Nam…
Nhiều nhà phân tích phương Tây xem cách tiếp cận của Trung Quốc ở Thái Bình Dương như là một dạng điều chỉnh lợi ích, theo đó sự hiện diện của Trung Quốc và các quyền của Trung Quốc thực tế trong khu vực tranh chấp đang được tạo dựng dần dần, trong một loạt các hành động khiêu khích đủ nhỏ để khiến cho sự phản kháng mạnh mẽ về chính trị trở nên khó khăn và dần qua thời gian tạo nên sự đã rồi. Trên thực tế, người Trung Quốc có một cái tên cho cách tiếp cận này là chiến lược cây cải bắp. Một khu vực đang dần bao quanh bởi “các lớp” riêng rẽ- thuyền đánh cá ở đây, tàu hải cảnh ở đó, cho đến khi khu vực được bọc trong các lớp giống như một cây bắp cải. (cắt lát Salami” là một ẩn dụ khác cho cách tiếp cận này).
Atlantic nhận định, chắc chắn Trung Quốc sẽ hài lòng nếu Việt Nam chấp nhận quyền mở rộng hàng hải và lãnh thổ của họ. Nhưng nhịp độ và giọng điệu trong các hành động gần đây của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh bây giờ có thể hứng thú với một cuộc đấu sức mạnh chống Hà Nội, đặc biệt nếu Việt Nam bị coi là quốc gia tấn công trước. Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu được hỗ trợ bởi một hạm đội, nên được hiểu rằng nó sẽ giúp Trung Quốc hợp pháp hóa yêu sách phi lý nếu Việt Nam không làm gì cả, và sẽ tạo cơ hội để Bắc Kinh ra tay trong một trận chiến hạn chế. Và Bắc Kinh có lẽ sẵn sàng áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế nếu Hà Nội phản công quyết liệt...
(còn tiếp)