|
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc nói rằng việc gia hạn New START, được Nhà Trắng công bố hôm thứ Ba trong tuần, đồng nghĩa với việc khoảng cách giữa Trung Quốc và 2 siêu cường hạt nhân – sở hữu tới 90% tổng số đầu đạn của thế giới – sẽ không nới rộng thêm, và Bắc Kinh có thể dành ra 5 năm tới để đuổi kịp họ.
Trong những năm 1980, Mỹ và Liên Xô mỗi bên sở hữu hơn 10.000 đầu đạn, nhưng các kho đạn này đã bị cắt giảm xuống còn khoảng 5.000 – 6.500 theo hiệp ước New START, đặt mục tiêu cuối cùng là giảm tổng số đầu đạn xuống còn 1.550.
Trung Quốc chưa từng công bố họ sở hữu bao nhiêu đầu đạn, nhưng một bản đánh giá được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm công bố ước tính vào khoảng 320. Tuy nhiên, SCMP dẫn một nguồn tin thân với quân đội Trung Quốc nói rằng kho đầu đạn hạt nhân của nước này đã lên tới 1.000 trong những năm gần đây, dù chỉ có dưới 100 đầu đạn hoạt động.
“Cả Nga và Mỹ đều cạnh tranh lẫn nhau trong việc nâng cấp vũ khí hạt nhân trong mấy năm qua, đặc biệt các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa phóng từ tàu ngầm và từ máy bay, cũng như các loại vũ khí mới để nâng cao sức mạnh bộ ba hạt nhân của họ” – nguồn tin cho biết.
Bộ ba hạt nhân (Nuclear triad) là một cấu trúc 3 lớp bao gồm các ICBM phóng từ mặt đất, tên lửa phóng từ tàu ngầm và phóng từ trên không.
|
New START kiềm chế số lượng đầu đạn được triển khai của Nga, Mỹ nhưng Trung Quốc lại không phải một bên tham gia (Ảnh: AFP) |
Nguồn tin trên nói với SCMP rằng Trung Quốc có cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân khắt khe, có nghĩa rằng chỉ có Chủ tịch của Quân ủy Trung ương – hiện là Chủ tịch Tập Cận Bình – mới có quyền quyết định triển khai các đầu đạn hạt nhân. “Các đầu đạn hạt nhân sẽ được chuyển giao cho lực lượng tên lửa chỉ khi một cuộc chiến tranh có khả năng xảy ra”; nguồn tin nói.
Chuyên gia quân sự Hong Kong Song Zhongping cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng khoảng thời gian đệm 5 năm để thu hẹp khoảng cách hiện đại hóa vũ khí hạt nhân với Nga và Mỹ.
“Dựa trên thực tế rằng Trung Quốc hiện chỉ có khoảng 100 đầu đạn hạt nhân được triển khai, nó không đủ để hoàn toàn tiêu diệt tất cả các thành phố lớn ở Mỹ” – ông Song nói.
Năm 2018, Trung Quốc công bố rằng các tên lửa hành trình CJ-20 phóng từ trên không của họ, với tầm bắn 2.000 km, đủ khả năng mang cả đầu đạn truyền thống và hạt nhân. Điều này chỉ ra rằng Trung Quốc đến lúc nào đó có thể bắt kịp công nghệ chiến lược của Mỹ và Nga.
“Nhưng điều đó có nghĩa rằng quân đội Trung Quốc mới chỉ hoàn thành điều kiện đầu tiên của khả năng tấn công thứ cấp của bộ ba hạt nhân trong những năm gần đây, trong khi Mỹ và Nga đã hoàn thành phần lớn bộ ba hạt nhân từ đầu những năm 1960, trong Chiến tranh Lạnh” – Zhou Chenming, chuyên gia nghiên cứu đến từ Viện Khoa học và Công nghệ quân sự có trụ sở tại Bắc Kinh, nói.
Ông Zhou nói rằng việc gia hạn New START cho Trung Quốc thêm thời gian để cân nhắc về chính sách an ninh trong tương lai, bao gồm cả vũ khí sinh học và hạt nhân.
“Nếu Trung Quốc định tham gia New START trong tương lai, Bắc Kinh cần phải điều chỉnh định hướng phát triển các vũ khí chiến lược của họ, ví dụ, không còn các loại bom chiến lược tầm xa và ICBM” – ông nói.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng mặc dù Bắc Kinh có lợi từ việc gia hạn hiệp ước trên, vẫn có khả năng Mỹ sẽ gây thêm sức ép để Trung Quốc gia nhập hiệp ước.
Trong một bài viết đăng tải trên website tin tức The Hill, bà Rose Gottemoeller – từng là quan chức phụ trách kiểm soát vũ trang của Bộ Ngoại giao Mỹ thời chính quyền Barakc Obama – viết rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden nên thử kéo Trung Quốc tới bàn đàm phán.
“Chúng ta cần phải kéo Trung Quốc tới bàn đàm phán, tập trung vào việc kiểm soát các tên lửa tầm trung hiện đang là trái tim của lực lượng của họ - ten lửa mệnh danh “sát thủ hàng không mẫu hạm” đang gây nguy hiểm cho các hoạt động hàng hải của chúng ta ở Thái Bình Dương” – Gottemoeller viết.
Bà nhắc tới các tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 và DF-26 của quân đội Trung Quốc, một loại vũ khí bị cấm theo Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô trước khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Theo SCMP