|
Tối ngày 3/7/2017, tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Theo hãng tin TASS Nga, nhân chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua, ngày 4/7/2017, Trung Quốc và Nga đã ký kết khoảng 20 văn kiện hợp tác. Quỹ đầu tư trực tiếp Nga và Ngân hàng Phát triển quốc gia Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về việc thiết lập quỹ đầu tư chung nhân dân tệ.
Quỹ đầu tư trực tiếp Nga còn cùng Công ty TNHH đầu tư Trung Quốc đạt được thỏa thuận và ký kết văn kiện liên quan về việc tăng vốn cho quỹ đầu tư chung Trung - Nga.
Đại diện hai nước cũng đã ký kết bản ghi nhớ về việc phát triển hợp tác trong lĩnh vực không gian thông tin, hiệp định hợp tác lĩnh vực sản xuất phim truyền hình, hiệp định hợp tác lĩnh vực phòng dịch y tế. Các văn kiện khác lần lượt liên quan đến các lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông vận tải.
Ngoài ra, theo hãng tin TASS, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp khí đốt Nga ông Alexei Miller cho biết Nga vào năm 2019 sẽ bắt đầu thông qua đường ống “Sức mạnh Siberia” (Power of Siberia pipeline) để vận chuyển khí đốt cho Trung Quốc.
Alexei Miller nói: “Công khi cổ phần công nghiệp khí đốt Nga và đối tác Tập đoàn dầu khí Trung Quốc ký kết thỏa thuận, xác định thời gian bắt đầu hoạt động của đường ống ‘Sức mạnh Siberia’ là ngày 20/12/2019”.
Theo hợp đồng ký kết năm 2014 giữa Công ty cổ phần công nghiệp khí đốt Nga và Tập đoàn dầu khí Trung Quốc, Nga hàng năm sẽ cung ứng 38 tỷ m3 cho Trung Quốc bằng đường ống phía đông trong thời gian 30 năm.
Ngoài ra, theo tờ Quan điểm Nga ngày 3/7, hợp tác chính trị Nga - Trung ở cấp độ cao là một điều rất quan trọng, có rất nhiều nguyên nhân. Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa Moscow và Bắc Kinh chắc chắn sẽ đem lại thành quả kinh tế cùng có lợi. Trung Quốc đang trở thành nguồn đầu tư lớn nhất của Nga, rất nhiều dự án hợp tác cụ thể đã khởi động.
Trước khi đến Moscow, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết hợp tác kinh tế thương mại hai nước có không ít điểm tăng trưởng mới.
Tập Cận Bình nói: “Trung Quốc liên tục 7 năm giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Năm 2016, hợp tác kinh tế thương mại Trung - Nga khắc phục được ảnh hưởng của các nhân tố bất lợi như kinh tế thế giới ảm đạm, giá cả các mặt hàng chủ lực như dầu mỏ biến động; thực hiện chấm dứt tụt dốc và phục hồi, kim ngạch thương mại song phương đạt 69,53 tỷ USD, tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ. 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch song phương tiếp tục tăng nhanh, mức tăng đạt 26%”.
Trung Quốc xuất khẩu sang Nga tăng 22%, nhập khẩu từ Nga tăng 30%. Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết kim ngạch thương mại song phương năm 2017 có thể đạt trên 80 tỷ USD.
Trước đó, Moscow và Bắc Kinh từng mong muốn đưa kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2015, nhưng đã bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như trừng phạt và sụt giá dầu.
Các loại dấu hiệu cho thấy kim ngạch thương mại hai nước có thể đạt quy mô này vào năm 2018 - 2019. Nếu kim ngạch thương mại Trung - Nga có thể duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 15%, năm 2020 có thể đạt 122 tỷ USD, còn mục tiêu 200 tỷ USD sẽ được thực hiện vào năm 2024 - 2025.
Báo Nga cho rằng, nhìn ở góc độ tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc đối với Nga, việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc đem lại nhiều lợi ích. Theo dự đoán, quy mô đầu tư của Trung Quốc vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 500 tỷ USD. Moscow hy vọng Trung Quốc có thể đem phần lớn đầu tư rót vào Nga.
Nga cuối cùng có thể sẽ trở thành một bộ phận của sáng kiến “Vành đai và con đường”. Mục tiêu của sáng kiến này là muốn xây dựng được một mạng lưới thương mại - cơ sở hạ tầng để thúc đẩy trao đổi ở châu Á và thế giới. Đối với Trung Quốc, Nga là đối tác lý tưởng trên phương diện này.