|
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thị sát khu vực tiền tuyến ở Donetsk hôm đầu tuần này (Ảnh: EPA) |
Theo hãng SCMP, Nga đã triển khai khoảng 100.000 binh sĩ tới biên giới với Ukraine, đẩy tình trạng căng thẳng với Ukraine lên mức cao nhất kể từ năm 2015 – thời điểm mà Crimea trở về thành một phần của nước Nga. Giới chức ở Washington nói rằng Mỹ sẽ điều động binh sĩ theo đề nghị của “các đồng minh phía Đông”, nhưng lại thiên về các lựa chọn khác, như áp lệnh trừng phạt với Nga và hỗ trợ quân đội Ukraine.
Feng Yujun – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á tại ĐH Fudan – nói rằng việc Nga điều động binh sĩ là một tín hiệu Moscow gửi cho Mỹ để ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO. Được biết Ukraine đã ra sức thúc đẩy tiến trình gia nhập khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, nhưng vấp phải sự phản đối cực lực từ Nga.
Ông Feng nói rằng Mỹ có thể sẽ không muốn “tăng nhiệt” tình hình an ninh ở châu Âu, bởi nguồn năng lượng của Washington đang tập trung vào chỗ khác.
“Mỹ đang tập trung các nguồn lực chính cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc, bởi vậy họ không muốn gây ra thêm tình huống phức tạp khác ở châu Âu” – ông nói.
Giữa lúc quan hệ hai bên căng thẳng, Nga tuyên bố bắt 3 điệp viên Ukraine
Bắc Kinh bấy bấy lâu nay vẫn tìm cách cải thiện quan hệ với cả Moscow và Kiev.
Trung Quốc và Nga hiện đang ngày càng xích lại gần nhau, tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế và quốc phòng trong thập kỷ trước, trong đó mỗi nước đều cam kết bảo vệ lẫn nhau trước sức ép của Mỹ. Trong tháng 6, hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ bằng cách làm mới một hiệp ước hữu nghị 20 năm tuổi. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng ca ngợi quan hệ Trung-Nga là “mô hình mẫu mực của một mối quan hệ quốc tế kiểu mới”, góp thêm “nguồn năng lượng tích cực” cho thế giới.
Cùng lúc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả đất nước ông như một “cây cầu nối dẫn tới châu Âu” của giới doanh nghiệp Trung Quốc. Ukraine đã đạt được nhiều thỏa thuận với Trung Quốc để xây sân bay, đường bộ và đường sắt, đồng thời cảm ơn Trung Quốc vì các lô hàng vaccine ngừa COVID-19. Kiev cũng giữ im lặng trong lúc mà nhiều nước châu Âu lên án các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc – những cáo buộc mà Bắc Kinh bác bỏ.
Wang Yiwei- chuyên gia quan hệ quốc tế đến từ ĐH Renmin tại Bắc Kinh – nói rằng tình hình căng thẳng ở biên giới Nga-Ukraine được xem như một vấn đề của châu Âu là hơn, và Trung Quốc rất có khả năng sẽ không can thiệp.
“Khủng hoảng Ukraine giống một vấn đề của châu Âu hơn, có liên quan tới trò chơi quyền lực giữa Nga và một số nước châu Âu khác” – ông Wang nhận định – “Một điểm khác là lợi ích của Trung Quốc ở châu Âu, bởi Bắc Kinh đang tìm cách tham gia và xây dựng một mối quan hệ tích cực với châu Âu. Quan hệ giữa Bắc Kinh với Kiev khá tốt, khiến Bắc Kinh khó có thể đứng về phe Nga.”
Liu Weidong- chuyên gia quan hệ quốc tế đến từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc- nói rằng Trung Quốc sẽ không can thiệp vào khủng hoảng Ukraine bởi họ không có ý chí hay khả năng quân sự để làm vậy.
“Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc có thể hỗ trợ Nga về mặt quân sự nếu như Moscow có hành động quân sự nhằm vào Kiev, và Trung Quốc cũng không hề muốn làm như vậy bởi hành động đó đi ngược lại nguyên tắc ngoại giao không can thiệp của họ” – ông Liu nói – “Chọn phe Moscow hoặc Kiev cuối cùng đều sẽ gây tổn hại cho lợi ích của Bắc Kinh, bởi vậy Trung Quốc chỉ có thể kêu gọi giải quyết vấn đề theo hướng nhân đạo.”
Vị chuyên gia thêm rằng, lời cảnh báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Washington có thể điều binh sĩ tới Ukraine nghe có vẻ như lời đe dọa rỗng tuếch chứ không phải lời cam kết, bởi người dân Mỹ chắc chắn không ủng hộ hành động quân sự gây tổn hại tới lợi ích của họ như vậy.