Tân Hoa xã ngày 27/5 dẫn các nguồn tin cho hay, ngày 26/5, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra "cảnh cáo" đối với các nhà lãnh đạo nhóm G7 tham dự Hội nghị thượng đỉnh tại Nhật Bản, đòi họ không được "làm trầm trọng hơn tình hình căng thẳng khu vực" trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo The Financial Times ngày 26/5, tháng trước, Hội nghị Ngoại trưởng G7 đã ra một tuyên bố hầu như không hề giấu giếm, đã phê phán các hoạt động xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông những năm gần đây. Điều này khiến cho Trung Quốc rất tức giận.
Khi các nhà lãnh đạo G7 triển khai thảo luận 2 ngày ở Iseshima, vấn đề này tiếp tục được đề cập.
Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị lo ngại: "Chúng tôi hy vọng G7 sẽ tập trung chú ý đến những vấn đề kinh tế và tài chính cấp thiết. Chúng tôi không hy vọng thảo luận của G7 làm trầm trọng hơn tình hình căng thẳng khu vực".
Ông Vương Nghị muốn G7 không thực hiện "tiêu chuẩn kép" hoặc chính sách liên minh nhằm đối phó Trung Quốc. Ngoài ra, Vương Nghị còn tuyên truyền quan điểm cũ của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông, cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục "kiên trì" nó.
Báo Anh cho rằng, quan chức Mỹ lo ngại, Nhật Bản thể hiện thái độ ngày càng cứng rắn đối với Trung Quốc ở khu vực này, thông qua G7 để tiếp tục cô lập Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không thể ngăn cản G7 bày tỏ quan điểm đối với các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế, trong đó có an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông; cũng không thể ngăn cản được cộng đồng quốc tế hợp tác chống lại các hành vi bành trướng lãnh thổ và quân sự phi pháp, nỗ lực chung tay bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, bảo vệ luật pháp quốc tế.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 27/5 cho biết, sáng cùng ngày, Hội nghị thượng đỉnh G7 đã ra "Tuyên bố cấp cao Iseshima", xác nhận sẽ tiếp tục đoàn kết hợp tác để thực hiện phát triển bền vững kinh tế thế giới.
Về vấn đề bảo đảm an ninh biển, Tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi lo ngại về tình hình biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp".
Các nhà lãnh đạo G7 khẳng định, tất cả các nước cần tôn trọng tự do hàng hải và hàng không; mọi tuyên bố chủ quyền phải phù hợp với luật pháp quốc tế; đồng thời kêu gọi các nước liên quan đến tranh chấp Biển Đông không tiến hành các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng, không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép thúc đẩy các yêu sách chủ quyền.
Tuy nhiên, Tuyên bố không đề cập đến quốc gia cụ thể nào. Mặc dù vậy, đối với tuyên bố này, Trung Quốc đã tỏ thái độ rất bất mãn. Ngày 27/5, Bắc Kinh lại cử Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đứng ra thanh minh, biện hộ cho mình, tiếp tục thói quen đổ lỗi cho người khác.
Hoa Xuân Oánh xuyên tạc cho rằng, các hoạt động do Trung Quốc triển khai ở Biển Đông "thuộc phạm vi chủ quyền, chính đáng, hợp pháp, không thể tranh cãi". "Trung Quốc kiên quyết phản đối... bôi đen Trung Quốc".
Bà Oánh đổ lỗi cho rằng, G7 đã "thổi phồng vấn đề Biển Đông, tuyên truyền tình hình căng thẳng, không có lợi cho ổn định tình hình Biển Đông... Trung Quốc bày tỏ vô cùng bất mãn đối với Nhật Bản và cách làm của G7. Hy vọng G7... tuân thủ cam kết không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, chấm dứt những phát ngôn vô trách nhiệm", "không nên gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia của nước khác".
Theo Tân Hoa xã, tháng 9/2016, Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc. Khi đó, Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp đón Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói công khai rằng, Chính phủ Trung Quốc "sẽ không cho phép thảo luận tranh chấp lãnh thổ khu vực" ở hội nghị lần này.
Đó là việc sắp xếp của bản thân Trung Quốc hòng che đậy sự thật bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông, thể hiện sự khiếp sợ trước sức ép của dư luận quốc tế, nhất là yêu cầu Bắc Kinh phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tránh các hành động leo thang đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định khu vực.