Trung Quốc chuẩn bị tình huống thua kiện “đường lưỡi bò“

VietTimes -- Ngày càng có nhiều dự đoán nhận định rằng Trung Quốc sẽ gặp nhiều bất lợi trong vụ kiện Biển Đông. Hiện tại, Bắc Kinh cũng đang có sự chuẩn bị ráo riết để đối phó với kết quả này. 
Hình ảnh tàu Trung Quốc hung hăng xịt vòi rồng vào tàu Việt Nam trong vụ khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014
Hình ảnh tàu Trung Quốc hung hăng xịt vòi rồng vào tàu Việt Nam trong vụ khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014

Thời điểm tòa án trọng tài La Hay công bố kết quả phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về vấn đề biển Đông đang đến gần, cuộc đấu trí giữa các bên xung quanh vụ việc tranh chấp lãnh thổ trên biển ngày càng căng thẳng hơn. Một mặt, các quan chức cấp cao của Mỹ khẩn cấp sang Đông Nam Á, tập trung gây sức ép cho Trung Quốc phải tuân thủ kết quả phán quyết. Quan chức quân đội Mỹ cũng liên tiếp đưa ra tuyên bố, chỉ ra những hậu quả xấu nếu Trung Quốc không tuân thủ kết quả phán quyết của tòa án.

Mặt khác, Trung Quốc cũng gấp rút triển khai chiến dịch vận động hành lang và "khoe" rằng đã thành công trong việc giành được sự ủng hộ của ba nước Lào, Brunei và Campuchia. Đồng thời, Trung Quốc cũng cố phản đòn trên mặt trận dư luận ngoại giao trước những lời chỉ trích của Mỹ đối với việc Trung Quốc không tuân thủ kết quả phán quyết. Trong thời gian tới, khi kết quả phán quyết được đưa ra, cuộc đấu trí giữa các bên về vấn đề Biển Đông sẽ bước vào giai đoạn nóng hơn bao giờ hết.

Trước hết, Mỹ sẽ phát động cuộc chiến trên mặt trận dư luận về kết quả phán quyết của trọng tài, mục tiêu của Mỹ là nhằm thẳng vào Trung Quốc – quốc gia không tuân thủ quy tắc quốc tế. Trên thực tế, ngay sau khi Philippines gửi hồ sơ kiện lên tòa án quốc tế, Mỹ đã tích cực trù bị cho cuộc chiến dư luận nhằm vào Trung Quốc. Lần này kết quả phán quyết chính thức được công bố, Mỹ càng có đủ lý do để phát động cuộc chiến trên mặt trận dư luận tấn công Trung Quốc.

Không những vậy, Mỹ còn dựa vào lý do Trung Quốc không tuân thủ các quy tắc quốc tế để lôi kéo các nước phương Tây, các nước Đông Nam Á để hình thành nên một mặt trận thống nhất cùng chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc. Ngày 9/5, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell đã có chuyển thăm Việt Nam và Malaysia, và trước đó, ông Daniel Russell cũng vừa mới kết thúc chuyến thăm Lào trong vòng 2 ngày. Trong thời gian tới, các quan chức cấp cao của Mỹ sẽ tiếp tục sang thăm các nước Đông Nam Á và phương Tây để gây sức ép cho Trung Quốc.

Mặc dù vậy, Mỹ cũng thừa biết rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận kết quả này, vì thế cuộc chiến trên mặt trận dư luận cũng chỉ tác động được một phần trong việc gây sức ép ngoại giao, không thể ngăn cản các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông. Trong bối cảnh này, vai trò của quân đội Mỹ trở nên nổi bật hơn bao giờ hết. Mới đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã phát biểu về vụ kiện về vấn đề biển Đông rằng, nếu bất kỳ bên nào – Mỹ hay Trung Quốc không tôn trọng kết quả phán quyết của tòa án thì sẽ là một “khởi đầu nguy hiểm”. Rất rõ ràng rằng, trong bối cảnh Trung Quốc đã tuyên bố xanh rờn sẽ không chấp nhận kết quả thì lời phán quyết này của ông Chuck Hagel là chĩa thẳng mũi nhọn về phía Trung Quốc. Do đó, chắc chắn là phía quân đội Mỹ sẽ nhân cơ hội này để tổ chức tuần tra và tập trận chung trên Biển Đông.

Tuy nhiên hiện tại hoạt động tuần tra trên Biển Đông của tàu chiến, chiến đấu cơ Mỹ đã trở nên thường xuyên, định kỳ, và Mỹ còn thành công trong việc thu hút cả các nước đồng minh cùng tuần tra trên Biển Đông. Ngoại ra phạm vi tuần tra trên Biển Đông của tàu chiến Mỹ ngày càng gần với vùng biển tồn tại tranh chấp. Do đó, những hành động quân sự này của quân đội Mỹ đã đạt tới một giới hạn cao. Nếu Mỹ tiếp tục duy trì hoạt động uy hiếp quân sự ở cường độ cao như thế này, hoạt động chống tiếp cận của Trung Quốc trên Biển Đông cũng sẽ phải đối mặt với sức ép lâu dài.

Cuối cùng, Mỹ sẽ coi đây là thời cơ để tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương, tiếp tục giữ vững hệ thống an ninh châu Á – Thái Bình Dương mà Mỹ đóng vai trò chủ đạo. Sở dĩ Mỹ quan tâm vấn đề Biển Đông và sẵn sàng đấu với Trung Quốc bằng mọi giá là do Mỹ muốn duy trì hệ thống an ninh châu Á – Thái Binh Dương mà Washington đóng vai trò chủ đạo. Hệ thống này lấy hoạt động bố trí binh lực của quân đội Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là căn cứ quân sự của Mỹ làm hậu thuẫn mạnh mẽ, lấy các hiệp định hợp tác mà Mỹ ký kết với các nước đồng minh làm sợi dây kết nối.

Tuy nhiên, hệ thống an ninh này đang ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự lớn mạnh của quân sự Trung Quốc, đặc biệt là những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước như Nhật Bản, Philippines ngày càng phức tạp hơn. Trong bối cảnh này, Mỹ buộc phải áp dụng biện pháp  hiệu quả để thực hiện lời cam kết, duy trì hệ thống an ninh châu Á – Thái Bình Dương mà Washington đóng vai trò chủ đạo.

Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc không tôn trọng kết quả phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế là một hành vi không tuân thủ các quy tắc quốc tế, là sự thách thức lớn đối với hệ thống an ninh châu Á-  Thái Bình Dương vốn tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc . Do đó, sau khi chính thức có kết quả phán quyết, chắc chắn hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế sẽ xấu đi trông thấy, đồng thời Mỹ cũng sẽ tuyên truyền rõ những hậu quả nghiêm trọng do Trung Quốc không tuân thủ các quy tắc quốc tế gây ra.

Trung Quốc chuẩn bị tình huống thua kiện “đường lưỡi bò“ ảnh 2

Trung Quốc sẽ tiếp tục quân sự hóa biển Đông dù thua kiện

Sau khi kết quả phán quyết  được công bố, chắc chắn Trung Quốc sẽ cảm thấy vô cùng lao đao. Cuộc tổng tấn công trên mặt trận dư luận, uy hiếp về quân sự và cuộc chiến liên kết với các nước đồng minh đều khiến Trung Quốc vô cùng mệt mỏi. Chắc chắn Trung Quốc sẽ đáp trả bằng một số chiêu bài. Cụ thể, Trung Quốc sẽ im lặng, đợi cho đến khi Mỹ “nói chán thì thôi”.

Đối với cuộc chiến uy hiếp về quân sự của Mỹ, Bắc Kinh cho rằng họ đã tích lũy được những kinh nghiệm có liên quan, có thể đối phó một cách nhẹ nhàng. Điều quan trọng là Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị trước về tâm lý sẽ đánh một trận đánh lâu dài. Một mặt, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động bố trí binh lực trên các hòn đảo, mặt khác Trung Quốc sẽ không vội vàng để xảy ra xung đột với Mỹ.

Đối với cuộc chiến liên kết với đồng minh của Mỹ, Bắc Kinh cho rằng họ cần phân định rõ ràng. Với các nước đồng minh “ruột” của Mỹ như Philippines, Nhật Bản, Trung Quốc khó có thể chia rẽ. Tuy nhiên đối với những đồng minh tiềm ẩn mà Mỹ đang tích cực tìm kiếm, Trung Quốc cũng sẽ phát động cuộc vận động hành lang để tìm kiếm sự ủng hộ bằng cách tăng cường hợp tác về kinh tế.

Đ.Q