Tờ South China Morning Post xuất bản ở Hong Kong ngày 2/1/2020 đưa tin, ông Gregory Raymond, một chuyên gia về an ninh Đông Nam Á của Đại học Quốc gia Australia, nói: “Tôi cho rằng có điểm mới là Bộ Ngoại giao Indonesia đã tuyên bố rất rõ ràng về “yêu sách chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc, cho rằng nó không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đặc biệt là với phán quyết của phiên tòa trọng tài Biển Đông năm 2016”.
Ông Evan A. Laksmana, nhà nghiên cứu cao cấp về vấn đề an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói: “Trong các sự kiện hàng hải xảy ra trước đây và tương tự, Jakarta đã đưa ra kháng nghị ngoại giao, nhưng việc xâm nhập vẫn tiếp diễn. Cho đến nay, Indonesia vẫn kiềm chế và kiên nhẫn với hành động xâm nhập vùng biển của Trung Quốc. Nhưng các sự kiện trên biển đã xảy ra lặp đi lặp lại. Các quan chức Trung Quốc tiếp tục rêu rao về quyền đánh bắt lịch sử, nhưng luật pháp quốc tế coi điều này là bất hợp pháp. Sự kiên nhẫn của Jakarta trong lĩnh vực này có thể đang chấm dứt”.
Ông Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng của RAND Corporation (Mỹ) cho rằng, trong mấy tuần tới Trung Quốc sẽ giảm dần tình hình căng thẳng để ngăn Indonesia trở thành đối thủ lâu dài của Trung Quốc. Nhưng về lâu dài, với việc Trung Quốc tiếp tục duy trì quyền đánh bắt cá của họ, quan hệ giữa hai nước có thể trở nên ngày càng căng thẳng.
Khu vực các tàu đánh cá và cảnh sát biển Trung Quốc đi vào (Ảnh: Reuters)
|
Ông Grossman cũng nói: “Điều kỳ lạ là trong cùng năm ASEAN và Trung Quốc sắp kết thúc các cuộc đàm phán dài hạn về “Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông” (COC), Bắc Kinh lại thách thức giới hạn (kiên nhẫn) của Indonesia, thậm chí còn khá lỗ mãng”.
Ông nói, phản ứng của Trung Quốc đối với sự kiện này có thể “vô tình thúc đẩy” Indonesia đứng về phía Việt Nam, kêu gọi ASEAN thảo luận về một văn bản giải quyết tranh chấp một cách nghiêm cẩn và có tính ràng buộc.
Trước đó, ngày 30/12/2019, ông Teuku Faizasyah, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, cho biết Indonesia đã phản đối sự hiện diện của các tàu cảnh sát biển Trung Quốc ở vùng biển Indonesia gần khu vực Biển Đông đang tranh chấp, nói rằng “đây là hành vi vi phạm chủ quyền của Indonesia”. Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Tiêu Thiên (Xiao Qian) tới để phản kháng.
Bộ Ngoại giao Indonesia cũng nói trong một tuyên bố rằng các tàu tuần tra biển của Trung Quốc đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở phía bắc quần đảo Natuna.
Ông Teuku Faizasyah, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia: các tàu Trung Quốc có mặt ở vùng biển Natuna là hành vi vi phạm chủ quyền của Indonesia (Ảnh: JPNN)
|
Cảnh Sảng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã trả lời vào ngày 31/12/2019 rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với cái gọi là “quần đảo Nam Sa” (tên họ tự đặt cho quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam), quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển có liên quan của quần đảo này. Ông ta cũng nói, ngư dân Trung Quốc đã và đang thực hiện các hoạt động đánh bắt thủy sản bình thường ở vùng biển có liên quan của “quần đảo Nam Sa” là hợp pháp và hợp lý. Cảnh Sảng cũng nói, các tàu hải cảnh Trung Quốc tiến hành tuần tra quản lý bình thường trong các vùng biển liên quan theo nhiệm vụ của họ, duy trì trật tự trên biển và bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của người dân của mình.
Ngày 1/1/2020, Bộ Ngoại giao Indonesia đã có phản ứng mạnh mẽ, yêu cầu Trung Quốc giải thích “cơ sở pháp lý của họ và biên giới rõ ràng” về yêu sách của họ đối với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Bộ Ngoại giao Indonesia cho rằng Trung Quốc lấy lý do ngư dân của họ từ lâu đã hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế này để tuyên bố rằng họ có chủ quyền đối với vùng biển. Điều này không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 công nhận. Kết quả phán quyết của Tòa trọng tài Biển Đông 2016 cũng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.
Ngày 2/1, Cảnh Sảng lại đáp trả, nói: lập trường và chủ trương của Trung Quốc phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; cho dù Indonesia có chấp nhận hay không, đều không thể thay đổi thực tế khách quan rằng Trung Quốc có quyền và lợi ích trong vùng biển liên quan. Ông ta nói: “Cái gọi là phán quyết trong vụ kiện trọng tài Biển Đông là bất hợp pháp và vô hiệu. Trung Quốc từ lâu đã nói rõ lập trường nghiêm chỉnh không chấp nhận hoặc thừa nhận các phán quyết. Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia, nhóm hoặc cá nhân nào lạm dụng các phán quyết của tòa trọng tài bất hợp pháp để làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc”.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc hộ tống tàu đánh cá trên Biển Đông (Ảnh: Đông Phương)
|
Trước sự bùng nổ tranh chấp ngoại giao giữa Indonesia và Trung Quốc, ông Hứa Lợi Bình (Xu Liping), nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Chiến lược toàn cầu và Châu Á - Thái Bình Dương của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc bày tỏ, Trung Quốc và Indonesia không có tranh chấp về các đảo, bãi san hô ở Biển Đông, nhưng có tranh chấp chồng lấn về vùng đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên Indonesia từ trước đến nay không thừa nhận tranh chấp này. Từ Lập Bình cũng phân tích rằng Indonesia cường điệu việc các tàu Trung Quốc xâm nhập vùng biển tranh chấp bắt nguồn từ mạng truyền thông xã hội Indonesia. Một trong những mục đích đằng sau chuyện này là giương cờ cho thuyết “mối đe dọa của Trung Quốc” và bắt chước tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng xung quanh Biển Đông.
Theo trang tin Đông Phương, sau thông báo trước đó của Bộ Ngoại giao Indonesia về việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã xâm nhập phía bắc quần đảo Natuna, ngày 3/1, cơ quan An ninh trên biển Indonesia đã cho truyền thông biết: để đề phòng tranh chấp lãnh thổ và ngăn chặn các tàu đánh cá Trung Quốc đánh bắt cá bất hợp pháp, Indonesia sẽ đưa thêm tàu tới tuần tra ở quần đảo Natuna.
Báo Jakarta Post của Indonesia cho biết, theo hồ sơ của Cơ quan An ninh trên biển Indonesia (Bakamla), trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 24/12/2019, ít nhất 63 tàu cá và tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển Natuna thuộc tỉnh Riau.