Theo Daily Mail, dự án xung điện từ tần số thấp (ELF) được thực hiện từ năm 2006. Chính quyền Trung Quốc chưa công bố vị trí chính xác của đài radar này, nhưng theo thông tin mạng xã hội, hệ thống khổng lồ này nằm ở khu vực miền trung Trung Quốc bao gồm các tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam và Hồ Nam.
Ngoài ăng-ten khổng lồ, các trung tâm xử lý và truyền dữ liệu cũng được xây dựng rất nhiều trong khu vực Hoa Trung. Sóng vô tuyến tần số cực thấp xâm nhập rất sâu vào lòng đất, do đó ăng-ten mảng ELF có thể được sử dụng để khám phá các mỏ khoáng sản, chủ yếu là than (hydrocarbon) và kim loại hiếm. Các công ty khai thác khoáng sản cũng sử dụng những đài radar địa chất nhỏ hơn cho mục đích này. Cũng có thể sử dụng ELF để kiểm soát sự dịch chuyển địa tầng dưới lớp vỏ trái đất, cảnh báo sớm các trận động đất.
Dự án Phương pháp xung điện từ không dây (Wireless Electro-magnetic Method - WEM) theo những thông tin chính thống được sử dụng nhằm phát hiện động đất và do tìm khoáng sản, nhưng có những ứng dụng tiềm năng rõ ràng cho quân sự.
Trung Quốc đã nghiên cứu công nghệ tần số siêu thấp ELF một thời gian dài trong một căn cư, trải rộng trên diện tích 3.700km2, đây cũng có thể nói là thành tựu đỉnh cao công nghệ hiện này.
Dự án WEM được hiểu đơn giản là hình thành từ một cặp đường dây cấp nguồn điện cao thế chạy trên lưới thép bao trùm một diện tích 100km x 60km. Mỗi đường dây điện được kết nối với hai nhà máy điện trong hầm ngầm, ngoài ra có các trạm nguồn làm điện hóa mặt đất (truyền điện trên mặt đất).
Quá trình này tạo ra bức xạ điện từ có khả năng truyền đi hàng ngàn dặm trong không khí, đi qua lớp vỏ Trái đất và xuyên qua nước biển.
Sóng tần số cực thấp (ELF) nằm trong khoảng 0,1 đến 30 Hertz, có thể phát hiện được các tàu ngầm đang hoạt động dưới hàng trăm mét chiều sâu mặt nước. Khoảng cách lan truyền của sóng điện từ ELF rất lớn, lên đến 3.500km, tín hiệu phản xạ gần ăng-ten sẽ mạnh hơn tín hiệu ở xa.
Các nhà khoa học cho rằng, sóng điện từ tần số thấp không có khả năng gây hại cho con người do rất ít năng lượng và bước sóng rất lớn. Hoàng Chí Vĩ, giáo sư khoa kỹ thuật điện tại Đại học Nam Hoa ở Hành Dương, Hồ Nam, cho biết đài radar ELF khó có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cơ thể con người do bước sóng khổng lồ, kéo dài đến hàng ngàn km.
Hệ thống ăng ten vô tuyến phải cần 13 năm để hoàn thành và có thể phát hiện cũng như liên lạc tầm xa với các tàu ngầm quân sự. Theo các nhà khoa học Trung Quốc các sóng vô tuyến tần số cực thấp (sóng ELF) sẽ mang tin nhắn đến các tàu ngầm hạt nhân, đang hoạt động dưới hàng trăm mét dưới nước.
Một nhà nghiên cứu tham gia dự án thuộc Viện Địa chất, Cục Kiểm soát và dự báo Động đất Trung Quốc, phát biểu với South China Morning Post: "Đài phát radar tần số thấp có những ứng dụng quân sự quan trọng nếu chiến tranh, xung đột bùng nổ... Mặc dù tôi tham gia dự án, tôi không biết hệ thống được triển khai ở đâu. Hệ thống cần được khởi động và hoạt động ngay".
Dự án mới này được cho là phát triển dựa trên một dự án thử nghiệm khác đã hoàn thành vào năm 2009 và rất thành công. Chỉ một năm sau đó, đài radar đã liên lạc thành công với một tàu ngầm đang hoạt động trên biển.
Điểm quan trọng của dự án này là, trung tâm chỉ huy, kiểm soát của đài radar nằm sâu trong đất liền, nhưng các ăn ten tần số thấp có thể đặt gần bờ biển và biến vùng nước biển dễ xung đột như Biển Đông, biển Hoa Đông trở lên trong suốt, có thể thường xuyên theo dõi mọi hoạt động trên độ sâu hàng trăm mét dưới biển, phát hiện các tàu ngầm đối phương và truyền thông tin cho các tàu ngầm Trung Quốc.