Trang tin Hồng Kông Đông Phương chiều 15/10 đưa tin các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc hôm thứ Năm (14/10) đã phát hành một đoạn video trên Internet, cho thấy hình ảnh lính biên phòng Trung Quốc bắt giữ các lính Ấn Độ trong một vụ đụng độ không rõ xảy ra vào thời gian nào ở biên giới hai nước.
Trong đoạn video được các phóng viên cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc chia sẻ, có thể thấy các lính phòng vệ biên giới của quân đội Trung Quốc (PLA) dẫn giải những người lính Ấn Độ bị bắt và bịt mắt đi theo nhóm hai người kèm một. Trong đoạn video có thể thấy ít nhất hơn 10 lính Ấn Độ bị thương được dìu đi trong trạng thái cặp mắt bị bịt bằng băng trắng. Trong suốt thời gian đó, những người lính PLA luôn nhắc nhở họ "Vịn chặt vào" và "Nhanh lên nào". Phóng viên viết trong bài đăng kèm nói rằng “có thể thấy các binh sĩ quân đội Ấn Độ trong video không hề bị ngược đãi”, nhấn mạnh "PLA là đội quân văn minh nhất khi đối xử với những kẻ thù bị bắt giữ" và nói rằng "các binh sĩ và sĩ quan Ấn Độ trong video đều đồng ý với tôi về điều này".
Hình ảnh tù binh Ấn Độ mặt mũi sưng vù được đưa lên mạng xã hội hôm 10/10 (Ảnh: Dwnews). |
Các cơ quan truyền thông Ấn Độ trước đó đã đưa tin các binh sĩ PLA đã bị bắt giữ khi họ vượt qua ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) ở bang Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là Tạng Nam của họ). Trung Quốc và Ấn Độ vừa tổ chức vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn lần thứ 13 vào ngày Chủ nhật (10/10), nhưng phía Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ “kiên trì những yêu cầu bất hợp lý”, truyền thông Ấn Độ mô tả cuộc đàm phán là kết thúc bằng đổ vỡ. Vào thời điểm này, trên mạng xã hội Trung Quốc cũng lan truyền những bức ảnh lính Ấn Độ mặt mũi sưng vù nghi ngờ bị bắt trong cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan hồi tháng 6 năm ngoái.
Lính Trung Quốc ở chốt tiền tiêu đang ngắm vào binh sĩ Ấn Độ ở phía đối diện (Ảnh: Dwnews). |
Ông Tiền Phong, Giám đốc nghiên cứu của Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa cho rằng, những bức ảnh này nói với Ấn Độ và cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc có quyết tâm và có năng lực bảo vệ lãnh thổ và hòa bình ổn định ở biên giới của mình.
Trang tin Dwnews chiều 15/10 khi đưa tin về vụ việc này đã viết: “Đồng thời với việc triển khai các trang thiết bị mới tới biên giới, Trung Quốc đã phát hành một đoạn video mới về việc PLA bắt giữ binh sĩ Ấn Độ trong cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan vào tháng 6/2020”, tức là theo họ, vụ bắt giữ này đã xảy ra năm ngoái chứ không phải mới đây.
CCTV phát hình ảnh tập trận của đơn vị xe tăng trên cao nguyên Karakorum |
Ngày 10/10, Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn lần thứ 13 tại điểm họp Muldo/Chushul nằm bên phía Trung Quốc. Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 11 tháng 10, chỉ ra rằng Ấn Độ kiên các yêu cầu phi lý và phi thực tế đã làm tăng thêm khó khăn cho các cuộc đàm phán.
Chỉ vài ngày trước cuộc đàm phán, theo tin của tờ China Daily ngày 9/10, vào ngày 28/9, khi lực lượng biên phòng Trung Quốc thực hiện “tuần tra định kỳ khu vực Dongzhang ở phía Trung Quốc trên biên giới Trung-Ấn, họ đã bị phía Ấn Độ chặn ở giữa đường. Khoảng 200 binh sĩ PLA đã bị chặn lại gần Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Arunachal Pradesh (Trung Quốc gọi là Tạng Nam). Sau đó các binh sĩ Trung Quốc đã phản kích và trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ tuần tra”.
Truyền thông Trung Quốc đưa hình ảnh lính Trung Quốc ở biên giới Trung - Ấn tay cầm đao, lưng mang tên lửa chống tăng (Ảnh: Dwnews). |
Các cơ quan truyền thông Ấn Độ nói rằng một số binh sĩ Trung Quốc đã bị giam giữ trong một thời gian ngắn vì "vượt qua giới tuyến". Truyền thông Trung Quốc thì cho rằng, “khu vực Dongzhang là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, việc lực lượng biên phòng Trung Quốc tổ chức tuần tra trên lãnh thổ của mình là hoàn toàn hợp lý và hợp pháp. Phía Ấn Độ cố tình khiêu khích trước, sau đó xuyên tạc, bôi nhọ, vi phạm nghiêm trọng các hiệp định, thỏa thuận song phương, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Ấn Độ”.
Vòng đàm phán mới sau đó đã thất bại, và hai bên Trung - Ấn vẫn nồng nặc mùi thuốc súng. Ngày 11/10, trang weibo chính thức về tin quân sự của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã công bố một đoạn video về cuộc tập trận bắn pháo của một đơn vị xe tăng PLA ở cao nguyên Karakorum; PLA cũng công bố bức ảnh một toán lính biên phòng tay cầm đao với ống phóng tên lửa chống tăng trên lưng.
Bản đồ khu vực tranh chấp (chữ màu đỏ) ở biên giới Trung Quốc (phải) và Ấn Độ (trái) ở Hot Springs - Gorra (Ảnh: Dwnews). |
Ngày 15/10, trên mạng Internet Trung Quốc một lần nữa tiết lộ một đoạn video mới về cuộc xung đột ở thung lũng Galwan giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào tháng 6/2020. Trong video là cảnh các lính PLA đang áp giải các tù binh Ấn Độ bị thương.
Việc trên truyền thông Trung Quốc liên tục xuất hiện những thông tin có tính khiêu khích và đe dọa đối với Ấn Độ như thế cho thấy thái độ kiên quyết không khoan nhượng của Bắc Kinh cự tuyệt yêu cầu của New Delhi đòi Trung Quốc phải rút quân khỏi những khu vực họ đã chiếm sau tháng 6/2020, trả lại nguyên trạng đường biên giới Ấn Độ đoạn phía Tây như đầu năm 2020 trở về trước. Nếu lập trường hai bên vẫn xa cách nhau và tiếp tục tăng quân và vũ khí tới biên giới thì việc va chạm, thậm chí xung đột là khó tránh khỏi.
Video cảnh lính Trung Quốc dẫn giải binh sĩ Ấn Độ bị bắt (Video: Đông Phương). |