Báo “Chứng khoán Trung Quốc”, cho biết trong 2 ngày 4 và 5/6 đã có 3 hội nghị về vấn đề công nghiệp sản xuất đất hiếm được tổ chức, sau đó là một thông tri liên bộ được ban hành về vấn đề điều tra nghiên cứu, quy hoạch khai thác, chế biến đất hiếm cho thấy thứ nguyên liệu này được quan tâm chưa từng thấy.
Theo Đa Chiều ngày 12/6, Ủy ban Cải cách Phát triển quốc gia Trung Quốc là nơi đứng ra tổ chức các hội nghị; thành phần dự họp bao gồm các chuyên gia về đất hiếm, các công ty và cơ quan chủ quản, địa phương có đất hiếm. Chủ đề thảo luận là vấn đề bảo vệ sinh thái đất hiếm, chuỗi công nghiệp đất hiếm, chuyên sâu hóa và phát triển sản phẩm đất hiếm cao cấp.
Các chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, những động thái dày đặc kiểu này của Ủy ban Cải cách Phát triển quốc gia rất hiếm thấy. Ngay sau đó, Ủy ban Cải cách Phát triển quốc gia đã ban hành “Thông tri về việc điều tra nghiên cứu tình hình tài nguyên khoáng sản chiến lược đất hiếm”, cho biết từ ngày 10/6 các đoàn do lãnh đạo Ủy ban Cải cách Phát triển quốc gia, Bộ Công nghiệp và Tin học và Bộ Tài nguyên Môi trường dẫn đầu sẽ đi các tỉnh, khu Nội Mông, Giang Tây, Phúc Kiến, Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên để khảo sát, điều tra, nghiên cứu về vấn đề này.
Chủ tịch Tập Cận Bình thăm nhà máy chế biến ở Giang Tây được xem là gửi thông điệp đe dọa tới Mỹ
|
Được biết, lần điều tra nghiên cứu này sẽ giúp đề xuất các kiến nghị và biện pháp chính sách đồng bộ về ưu hóa cơ cấu, điều chỉnh bố cục ngành nghề, bảo vệ tài nguyên, giữ gìn môi trường, cải tạo dây chuyền, phát triển công nghệ mũi nhọn, công phá công nghệ, đồng bộ sản xuất – tiêu thụ, phối hợp các doanh nghiệp, mậu dịch quốc tế, hợp tác trong – ngoài nước và cơ chế quản lý giám sát...
Điều này cho thấy Trung Quốc không cam chịu tình trạng ưu thế về chuỗi công nghiệp đất hiếm dậm chân tại chỗ hiện nay, mà chọn con đường ưu hóa kết cấu ngành nghề để tạo bước tiến vượt lên các quốc gia khác. Qua việc 2 ngày họp 3 hội nghị đến việc ra thông tri, các bộ, ủy ban liên quan phối hợp tiến hành điều tra nghiên cứu, có thể thấy rõ sự coi trọng của Ủy ban Cải cách Phát triển quốc gia và chính phủ Trung Quốc đối với đất hiếm.
Sau khi cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ leo thang, đã có quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ sử dụng con bài đất hiếm để trả đũa Mỹ. Việc Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình đi khảo sát công ty sản xuất đất hiếm ở Giang Tây, được xem là một động thái thể hiện. Sau đó, các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc như Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo đua nhau lên tiếng ám chỉ việc chuẩn bị sử dụng ưu thế về đất hiếm để phản kích Mỹ. Thời báo Hoàn cầu thậm chí đi xa hơn, công khai viết: “Việc Trung Quốc sử dụng vũ khí đất hiếm chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi”.
80% lượng đất hiếm mà Mỹ sử dụng hiện phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc
|
Đất hiếm (Rare-earth element) là loại nguyên liệu chiến lược rất cần cho ngành công nghiệp công nghệ cao ở Mỹ, khoảng 80% nhu cầu về đất hiếm của Mỹ được mua của Trung Quốc. Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, trong 35 loại nguyên liệu đất hiếm thì có 14 loại Mỹ phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Vì vậy giới quan sát quốc tế dự đoán sớm muộn gì Trung Quốc cũng sử dụng nó làm vũ khí trả đũa Mỹ. Thực tế, qua số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 10/6 thì có vẻ nó đã bắt đầu được sử dụng rồi.
Theo mạng Nhà quan sát Trung Quốc, căn cứ số liệu về “Giá trị sản phẩm trọng điểm xuất khẩu tháng 5/2019” được Tổng cục Hải quan công bố hôm 10/6 thì trong tháng 5, Trung Quốc xuất khẩu 3.640 tấn đất hiếm, tổng trị giá 240 triệu NDT, giảm 16% so với tháng 4 (4.329 tấn), giá trị kim ngạch cũng giảm 40 triệu NDT.
Trong báo cáo mang tên “Chiến lược liên bang đảm bảo cung ứng các khoáng sản liên quan an toàn và đáng tin cậy”, Bộ Thương mại Mỹ thừa nhận nước Mỹ đang phải “phụ thuộc nghiêm trọng” vào cung ứng khoáng sản của nước ngoài, bất cứ động thái ngừng xuất khẩu đất hiếm nào của Trung Quốc cũng đều gây thành “ảnh hưởng nghiêm trọng” đến chuỗi cung ứng của Mỹ và các nước.
Hiện Trung Quốc được cho là nắm giữ công nghệ về tinh luyện đất hiếm cao cấp
|
Theo BBC, trước những tin đồn, lời suy đoán về việc Trung Quốc có thể sử dụng “con bài đất hiếm”, phía Mỹ cũng đã liên tiếp có các hành động chuẩn bị ứng phó. Một quan chức Bộ Quốc phòng từng tiết lộ: Lầu Năm Góc đã cùng Công ty thăm dò khai thác khoáng sản Malawi và các hãng cung ứng đất hiếm toàn cầu khác thảo luận tìm kiếm sự đa nguyên hóa nguồn cung ứng để giảm bớt sự phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc.
BBC cho biết, một số đại gia ngành công nghiệp quân sự đã cùng nhau gửi thư cho Nhà Trắng cảnh báo về việc ngành công nghệ cao và công nghiệp quân sự Mỹ phụ thuộc nghiêm trọng vào công nghiệp đất hiếm của đối thủ cạnh tranh, đối phương có thể lợi dụng vấn đề này để “đánh lâu dài”, Mỹ sẽ không có cách gì thoát khỏi tình trạng ngành công nghệ cao và công nghiệp quân sự tê liệt vì bị “kẹp chặt động mạch chủ”.
Ngoài ra, theo Bloomberg, Trung Quốc gần đây được cho là đã đề ra một kế hoạch hoàn chỉnh, sẽ sử dụng “con bài đất hiếm” làm một trong những biện pháp để đấu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại, trong đó trọng điểm là loại “đất hiếm nặng” giá đắt. Tuy nhiên, Bloomberg cũng cho biết, Washington cũng đã có kế hoạch ứng phó với việc Bắc Kinh chơi “con bài đất hiếm”. Bộ Thương mại Mỹ đã kiến nghị đẩy nhanh việc điều tra trữ lượng tài nguyên trong lãnh thổ Mỹ và tăng cường việc cấp phép thăm dò, khai thác thứ nguyên liệu chiến lược này.
Hãng này cho biết tại Mỹ hiện có không ít mỏ đất hiếm bị niêm phong, nếu Trung Quốc chấm dứt việc xuất khẩu, giá đất hiếm sẽ gia tăng, khi đó các công ty Mỹ ắt sẽ mở niêm phong để khai thác kiếm lợi. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của việc Mỹ tự khai thác đất hiếm là quặng đất hiếm ở nước này thường lẫn với các kim loại khác như Uranium, vì vậy giá thành chế biến cao hơn Trung Quốc nhiều.
Đất hiếm đang được tinh luyện trong dây chuyền chế biến
|
Giới quan sát nước ngoài còn cho rằng, công nghiệp đất hiếm ở Mỹ không phát triển bởi công nghệ chế biến hiện đang do người Trung Quốc nắm giữ. Các số liệu do Bloomberg công bố cho biết, Mỹ có trữ lượng đất hiếm tới 1,4 triệu tấn, có thể đủ khai thác trong 93 năm, nhưng hiện nay Công ty vật liệu MP hãng sản xuất đất hiếm chủ yếu ở Mỹ vẫn phải chở quặng đất hiếm khai thác tới Trung Quốc để tinh luyện. Có ý kiến cho biết, ngoài đất hiếm, Trung Quốc còn nắm trong tay vũ khí còn có sức sát thương mạnh hơn, đó là Nam châm đất hiếm – chế phẩm được gia công từ đất hiếm. Có tới 2 phần 3 nam châm đất hiếm của Mỹ được nhập từ Trung Quốc.
Theo trang tin Đa Chiều, một trong những nội dung của các hội nghị bàn về đất hiếm của Trung Quốc còn là “đối phó với nạn khai thác trộm, sản xuất phi pháp và buôn lậu đất hiếm”. Thông tin từ Ủy ban Cải cách Phát triển quốc gia cho biết, nửa cuối năm 2018 Trung Quốc đã cắt giảm chỉ tiêu sản xuất đất hiếm 35%, sản lượng chỉ giới hạn mức 45 ngàn tấn, ít nhất trong 5 năm liền kề, sản lượng đó chỉ đủ cung cấp cho khách hàng trong nước.
Tuy nhiên theo số liệu của Bộ Công nghiệp và Tin học Trung Quốc, trong thời gian từ 2006 đến 2012 lượng đất hiếm vận chuyển lậu ra nước ngoài còn lớn hơn số lượng hàng xuất khẩu chính ngạch, đỉnh cao là năm 2011, lượng đất hiếm buôn lậu nhiều hơn lượng xuất khẩu chính ngạch tới 20%; rất nhiều thương gia Nhật, Mỹ thậm chí tìm đến tận nơi sản xuất để thương lượng trực tiếp với các tư thương Trung Quốc thay vì đàm phán với các công ty xuất khẩu hợp pháp. Năm 2011, Nhật đã dựa vào việc buôn lậu để thoát khỏi tình trạng khốn đốn do bị Trung Quốc cấm vận đất hiếm.
Từ năm 2014, 2015 Trung Quốc bắt đầu chú trọng trừng phạt nạn buôn lậu đất hiếm, chỉnh đốn việc khai thác quá dư thừa. Tổng sản lượng của các doanh nghiệp khai thác, chế biến đất hiếm ở Trung Quốc đạt tới 300 ngàn tấn/năm, nhưng nhu cầu thị trường thực tế chỉ từ 120 đến 150 ngàn tấn. Do đó Bộ Công nghiệp và Tin học Trung Quốc đã đề ra chỉ tiêu “sản lượng đất hiếm không quá 140 ngàn tấn/năm”. Năm 2018, sản lượng của các công ty chế biến đất hiếm Trung Quốc chỉ có 115 ngàn tấn, được đánh giá là “hiệu quả không ngờ của việc điều chỉnh kết cấu, bố cục ngành công nghiệp đất hiếm”.
Việc Trung Quốc ra tay triệt phá hoạt động buôn lậu đất hiếm sẽ khiến ảo tưởng của một số người Mỹ dùng buôn lậu thoát khỏi ảnh hưởng của việc bị quản chế xuất khẩu tan vỡ
|
Nhiều nhà phân tích công nghiệp, nhà quan sát chiến lược phương Tây từng dự đoán Mỹ có thể dựa vào hoạt động buôn lậu để bù đắp sự thiếu hụt về đất hiếm do Trung Quốc quản chế việc xuất khẩu trong năm nay. Tuy nhiên, một loạt động thái mới đây của Trung Quốc có thể là sự đáp trả trực diện của Bắc Kinh rằng Washington đừng có ảo tưởng, một khi họ đã ra tay thì hoạt động buôn lậu đất hiếm sẽ không còn đất sống!