Trùm lừa đảo tiền mã hóa Thổ Nhĩ Kỳ Ozer bị đề nghị mức án hơn 40 ngàn năm tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tháng 5/2022, "nữ hoàng tiền mã hóa" Ruja Ignatova người Bulgaria bị FBI treo thưởng 100.000 USD song chưa có kết quả, nhưng một trùm khác là chủ sàn tiền mã hóa Thodex ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắt.
Chủ sàn giao dịch tiền ảo Thodex ở Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt và bị đề nghị mức án hơn 40.600 năm tù (Ảnh: Siam Blockchain).
Chủ sàn giao dịch tiền ảo Thodex ở Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt và bị đề nghị mức án hơn 40.600 năm tù (Ảnh: Siam Blockchain).

Một năm trước đây, Faruk Fatih Ozer, người sáng lập sàn giao dịch tiền mã hóa Thodex của Thổ Nhĩ Kỳ đã ôm theo số tiền mã hóa trị giá 2 tỉ USD bỏ trốn mất tăm. Báo chí cho biết, thời kì đó để tránh các chính sách điều tiết, các sàn giao dịch tiền mã hóa trong nước Thổ Nhĩ Kỳ đã lần lượt trốn ra nước ngoài, nhưng xét từ góc độ tình hình, việc chạy ra nước ngoài cũng không khả quan như họ tưởng tượng.

Một ngày cuối tháng 8 vừa qua, Faruk Fatih Ozer, người sáng lập 28 tuổi của sàn giao dịch tiền mã hóa Thổ Nhĩ Kỳ Thodex, đã bị bắt tại Albania, kết thúc cuộc truy lùng kéo dài một năm của Interpol.

Vào tháng 4/2021, Thodex, một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, đã bất ngờ dừng tất cả các dịch vụ giao dịch và rút tiền, đồng thời thông báo rằng các dịch vụ sẽ chỉ bị tạm ngừng trong 4 đến 5 ngày để đánh giá lại các thỏa thuận hợp tác với "các ngân hàng và công ty tài chính nổi tiếng thế giới". Nhưng một ngày sau, Thodex lại ra thông báo nói do đường truyền tải điện của Công ty gặp vấn đề kỹ thuật, nảy sinh nguy cơ mất an toàn, cần có thời gian sửa chữa; đồng thời cam kết “sẽ không làm hại đến quốc gia và dân tộc mình”.

Thông báo truy nã Ozer của Interpol (Ảnh: Guancha).

Thông báo truy nã Ozer của Interpol (Ảnh: Guancha).

Do không thể giao dịch và rút tiền, nhiều người dùng đã bày tỏ sự lo lắng của họ trên mạng xã hội, cho rằng đây là dấu hiệu báo trước cho việc bỏ trốn.

Dữ liệu từ trang dữ liệu tiền mã hóa CoinMarketCap cho thấy trước khi đóng cửa 585 triệu USD đã được giao dịch trên nền tảng Thodex chỉ trong vòng 24 giờ.

Theo tin tức trên các cơ quan truyền thông địa phương Thổ Nhĩ Kỳ, Faruk Fatih Ozer, người sáng lập Thodex, trước đó đã bỏ trốn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ với số tiền mã hóa trị giá 2 tỉ USD tới Thái Lan, anh ta cũng đã xóa bỏ tất cả nội dung của tất cả các tài khoản liên quan trên các nền tảng mạng xã hội. Lần xuất hiện cuối cùng của Ozer là tại sân bay Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành lệnh bắt 78 nhân viên của sàn giao dịch này trong chiến dịch tập trung ở Istanbul và trải dài 8 tỉnh; tổng cộng 62 người đã bị bắt giữ, nhưng ông trùm Ozer đã trốn thoát.

Sàn giao dịch tiền mã hóa từng rất nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ và trên thế giới (Ảnh: Sina).

Sàn giao dịch tiền mã hóa từng rất nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ và trên thế giới (Ảnh: Sina).

Theo trang web chính thức của Interpol, Faruk Fatih Ozer sinh ra tại thành phố cảng Gebze của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1994. Interpol cho biết Ozer bị tình nghi thành lập tổ chức tội phạm và phạm tội lừa đảo nghiêm trọng. Trước khi bỏ trốn đến Albania, Ozer được phát hiện đã chuyển số bitcoin trị giá 125 triệu USD sang một sàn giao dịch nổi tiếng toàn cầu khác là Kraken.

Ra mắt tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2017, Thodex là sàn giao dịch tiền mã hóa đầu tiên của nước này được Mỹ cấp phép FinCen MSB, nhanh chóng thu hút được 700.000 người dùng trong thời kỳ lạm phát quốc gia đang diễn ra. Vào thời điểm đó, tiền mã hóa được coi là một cách để ngăn chặn lạm phát, nhưng với sự sụp đổ đáng kinh ngạc của Thodex và cuộc trấn áp của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với thị trường tiền mã hóa, tình trạng đó đã không còn nữa.

Ozer từng tuyên bố rằng đã có lúc anh ta muốn tự sát, nhưng cuối cùng anh ta quyết định sống tiếp và làm việc chăm chỉ cho đến ngày trả hết nợ và trở về Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với pháp luật. Nhưng cơ quan thực thi pháp luật đã không cho anh ta cơ hội đó. Sau một năm truy đuổi, ngày 30/8, trang web chính thức của cơ quan tư pháp chính phủ Albania đưa ra thông báo cho biết Faruk Fatih Ozer đã bị bắt tại thành phố ven biển Vlora, Tây Nam nước này và thân phận của hắn đã được xác nhận bằng công nghệ sinh trắc học.

Vụ án hiện đã chính thức bước vào trình tự tư pháp. Trong các tài liệu khởi tố liên quan, Faruk Fatih Ozer bị cáo buộc thành lập tổ chức tội phạm, lừa đảo qua hệ thống tin học, rửa tiền thu được từ các hoạt động phạm tội, đồng thời kiến ​​nghị tòa tuyên án 21 bị cáo liên quan trong vụ án này mức án tù giam từ 12.100 năm đến 40.600 năm.

Đủ loại tiền mã hóa từng làm mưa làm gió trên thế giới (Ảnh: Sina).

Đủ loại tiền mã hóa từng làm mưa làm gió trên thế giới (Ảnh: Sina).

Thị trường tiền mã hóa Thổ Nhĩ Kỳ từng rất thịnh vượng Theo báo cáo xu hướng tiền mã hóa toàn cầu do nhà cung cấp dữ liệu Chainalysis công bố, từ tháng7/2020 đến tháng 6/2021, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có lượng giao dịch tiền mã hóa cao nhất ở khu vực Trung Đông, đạt tới 132,4 tỷ đô la Mỹ. Sau khi nhận ra rủi ro, các thị trường tài chính mở như Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt đầu quản lý chặt chẽ các loại tiền mã hóa. Vào tháng 4/2021, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo rằng họ sẽ cấm sử dụng "trực tiếp hoặc gián tiếp" tiền mã hóa trong thanh toán kể từ ngày 30/4 năm đó, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng cấm các tổ chức tiền điện tử làm trung gian để chuyển tiền sang tiền mã hóa.