|
Hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình điện đàm, gay gắt chỉ trích nhau (Ảnh: VOA). |
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung kể từ khi ông Biden lên nắm quyền. Ông Biden bày tỏ quan ngại về các vấn đề của Hồng Kông; còn Tập Cận Bình chỉ ra rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ “hợp tắc lợi, đấu tắc cụ thương” (cùng có lợi khi hợp tác, đấu với nhau sẽ cùng thiệt hại), hợp tác là lựa chọn chính xác duy nhất, đối đầu Trung-Mỹ sẽ là một thảm họa cho hai nước và mong Mỹ xử lý thận trọng các vấn đề liên quan đến Hồng Kông.
Trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) nhận xét, cuộc đàm thoại giữa hai ông Biden và Tập Cận Bình diễn ra khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng. Joe Biden nhấn mạnh, ông sẽ bảo vệ sự an toàn, thịnh vượng, sức khỏe và lối sống của người dân Mỹ, đồng thời đảm bảo một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cởi mở và tự do. Ông cũng bày tỏ quan ngại về các hành vi thương mại ép buộc và không công bằng của Trung Quốc, cùng các vấn đề khác như nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương, cũng như các hành động độc đoán của Trung Quốc ở các khu vực xung quanh trong đó có Đài Loan.
Ông Biden cũng tận dụng thời điểm cận Tết Nguyên đán Tân Sửu để chúc năm mới người dân Trung Quốc. Hai ông đồng thời trao đổi ý kiến về các vấn đề như chống COVID-19, an toàn y tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí. Ông Biden hứa rằng trong khi thúc đẩy lợi ích của người dân Mỹ và các đồng minh, ông sẽ làm những việc thiết thực và coi trọng kết quả. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden tuyên bố rằng ông Biden sẽ đối phó với ông Tập Cận Bình một cách bình tĩnh, tỉnh táo và thực tế. Mặc dù lo ngại về hành vi của Trung Quốc, ông vẫn hy vọng sẽ duy trì thái độ cởi mở trong giao tiếp giữa hai bên.
Ông Tập Cận Bình một lần nữa chúc mừng Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, đồng thời chúc nhân dân Mỹ và Trung Quốc năm mới Tân Sửu vui vẻ và tốt lành. Ông Tập Cận Bình nêu rõ, việc khôi phục và phát triển quan hệ Trung-Mỹ là sự kiện quốc tế lớn trong nửa thế kỷ qua, tuy đã trải qua nhiều trắc trở và khó khăn nhưng về tổng thể liên tục tiến lên và đạt được nhiều kết quả. Ông nhấn mạnh, quan hệ hợp tác Trung - Mỹ có thể đạt được nhiều thành tựu có lợi cho nhân dân hai nước và thế giới. Ông nêu rõ quan hệ Trung - Mỹ đang ở một thời điểm quan trọng, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định quan hệ song phương là kỳ vọng chung của nhân dân hai nước và cộng đồng quốc tế; mong Trung Quốc và Mỹ đi cùng một hướng, đề cao không xung đột và không đối kháng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, tập trung vào hợp tác và quản lý sự khác biệt.
|
Hôm 5/2, hai ông Antony Blinken và Dương Khiết Trì đấu khẩu kịch liệt khi điện đàm với nhau (Ảnh: HKET). |
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, các cơ quan ngoại giao của hai nước có thể trao đổi chuyên sâu về nhiều vấn đề trong quan hệ song phương và các vấn đề lớn của quốc tế và khu vực. Các cơ quan kinh tế, tài chính, hành pháp, quân sự và các cơ quan khác của hai nước cũng có thể trực tiếp tiếp xúc, thiết lập lại các cơ chế đối thoại, tìm hiểu chính xác ý đồ chính sách của nhau để tránh hiểu nhầm và đánh giá sai tình hình. Ông cũng chỉ ra rằng các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương là công việc nội bộ của Trung Quốc và có liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, Mỹ nên tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và hành động thận trọng. Cả hai ông đều tin rằng cuộc điện đàm hôm nay sẽ gửi một tín hiệu tích cực đến thế giới, và hai bên nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ về quan hệ Trung - Mỹ và các vấn đề cùng quan tâm.
Ông Biden đã đến thăm Bộ Quốc phòng Mỹ vào đầu ngày 10/2 và nói rằng bộ này sẽ thành lập một tổ công tác đặc nhiệm để xem xét chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc. Joe Biden và nhóm của ông đã tuyên bố sẽ duy trì chính sách đối đầu hơn của cựu Tổng thống Trump đối với Bắc Kinh. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã nói chuyện điện thoại với ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 5/2. Tuy nhiên, các nguồn tin truyền thông Mỹ nói rằng cuộc đàm thoại đó không thể xoa dịu quan hệ Trung - Mỹ.
Sau khi Joe Biden nhậm chức, ông đã nói chuyện điện thoại với lãnh đạo nhiều nước, bao gồm cả các đồng minh ở châu Âu và châu Á, thậm chí cả Tổng thống Nga Putin, nhưng đã trì hoãn trao đổi điện thoại với ông Tập Cận Bình cho đến ngày 10/2.
Theo Đài VOA ngày 11/2, Nhà Trắng tuyên bố ông Biden đã làm rõ với Tập Cận Bình rằng Mỹ có "quan ngại căn bản" về một số hành động của Trung Quốc, bao gồm các vấn đề kinh tế, Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan. Ông Biden cũng thảo luận với ông Tập Cận Bình về các lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc và phù hợp lợi ích của Mỹ. Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói rằng Biden hy vọng sẽ thiết lập một kênh liên lạc cởi mở với Tập Cận Bình.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden tuyên bố tại cuộc họp báo trước cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung rằng, Tổng thống Biden đã có một loạt các cuộc tiếp xúc với các đồng minh và đối tác ở châu Âu và châu Á kể từ khi ông ấy nhậm chức. “Chúng tôi tin rằng ông ấy ở một vị trí có ưu thế để nêu rõ với Chủ tịch Tập về những mối quan tâm cốt lõi của Mỹ liên quan đến một số hành vi hung hăng và lạm quyền của Trung Quốc, đồng thời sẽ thảo luận về các lĩnh vực mà Hoa Kỳ cho rằng hợp tác với Trung Quốc phù hợp với lợi ích quốc gia của chúng ta".
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài CBS được phát sóng vào Chủ nhật 7/2, Tổng thống Biden nói về nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình: “Không có lý do gì để không điện đàm với ông ấy”. Ông ca ngợi Tập Cận Bình, nhưng cảnh báo rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ có khác với thời Tổng thống Trump .
Khi nói về Tập Cận Bình, Biden nói: "Ông ấy thông minh, ông ấy cứng rắn. Nhưng ông ấy không - ý tôi không phải là chỉ trích, mà là thực tế - không có dân chủ trong xương tủy của ông ấy".
Một quan chức cấp cao khác của Nhà Trắng thừa nhận tại một cuộc họp báo trước cuộc gọi rằng chính quyền Biden "rất thận trọng" trong tương tác ban đầu với Trung Quốc. Ông nói: "Chúng ta đang cố gắng thể hiện ưu tiên của chúng ta là gì”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo, một quan chức Mỹ cấp cao nói rằng ông Biden sẽ trực tiếp đề cập đến vấn đề Tân Cương và Hồng Kông với Tập Cận Bình và cho ông ta thấy rằng đây không chỉ liên quan đến các giá trị của Mỹ, mà là các giá trị chung của thế giới và nói thẳng điều này liên quan đến nghĩa vụ của Trung Quốc về các hiệp định quốc tế cốt lõi”.
Quan chức này nói rằng Mỹ cần áp dụng một chiến lược rất khác với chính quyền Trump, nhưng vẫn chỉ ra sự cạnh tranh chiến lược khốc liệt. Để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này, Mỹ cần phải cạnh tranh từ một vị trí chiếm ưu thế, và điều này có nghĩa là Mỹ cần xây dựng lại nguồn sức mạnh của mình.
|
Đại diện Đài Loan tại Mỹ Tiêu Mỹ Cầm đến Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 10/2 (Ảnh: Đông Phương). |
Điều đáng chú ý, cùng ngày thứ Tư (10/2), bà Tiêu Mỹ Cầm, đại diện của Đài Loan tại Mỹ, đã tới Bộ Ngoại giao Mỹ gặp gỡ ông Sung Kim, quyền Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của bộ này. Theo Đông Phương, đây là lần đầu tiên đại diện của Đài Loan tại Mỹ đến Bộ Ngoại giao kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức vào ngày 20/1. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Mỹ đang nỗ lực làm sâu sắc hơn quan hệ với Đài Loan - một đối tác kinh tế và an ninh quan trọng.
Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ vào hôm thứ Tư 10/2 đã tweet rằng họ rất vui mừng đón bà Tiêu Mỹ Cầm, mô tả Đài Loan là một "điển hình dân chủ, một đối tác kinh tế và an ninh quan trọng”; trang Twitter cũng đăng kèm một bức ảnh chụp hai người trong trụ sở Bộ Ngoại giao.
Bà Tiêu Mỹ Cầm đã viết trong một bài đăng trên trang cá nhân, nói bà có một cuộc gặp rất vui vẻ với nhóm ông Sung Kim, thảo luận về nhiều vấn đề cùng quan tâm, phản ánh mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và rộng rãi giữa Mỹ và Đài Loan. Bà Tiêu Mỹ Cầm cảm ơn vì có cơ hội gặp gỡ với ông Sung Kim. Bà viết, Đài Loan và Mỹ có các giá trị và lợi ích chung trên toàn thế giới; Đài Loan mong muốn mở rộng hơn nữa quan hệ đối tác hữu nghị và lâu dài với Mỹ.