Tại cuộc họp của Bộ Giao thông sáng 14/2, ông Đỗ Tất Bình (Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không VN, ACV) cho biết, cơ quan này đã hoàn tất việc lấy ý kiến các hội nghề nghiệp và người dân về 9 phương án kiến trúc nhà ga hành khách sân bay Long Thành.
9 phương án này do 16 đơn vị tư vấn trong và ngoài nước thực hiện, các đơn vị thiết kế đã đưa ra nhiều hình dáng nhà ga như hoa sen, chim sẻ, ruộng bậc thang, cây tre, cánh bướm, lá cọ...
Theo ông Bình, trong 4 hội nghề nghiệp thì Hội Kiến trúc sư Việt Nam chọn phương án 4; Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam chọn phương án 7; Tổng hội Xây dựng và Hội Khoa học Công nghệ hàng không VN chọn phương án 3. Đây cũng là các phương án được được đánh giá cao của Hội đồng đánh giá xếp hạng phương án kiến trúc sân bay Long Thành.
Về ý kiến của cộng đồng dân cư, ông Bình cho biết đa phần nghiêng về phương án 3, nhiều người dân cũng lựa chọn là phương án 4 và 7.
Ông Hồ Chí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Quy hoạch và Kiến trúc (Bộ Xây dựng) khẳng định cuộc thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga hành khách đã thực thi đầy đủ các bước và trình tự, đáp ứng quy định để trình lên Chính phủ.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Giao thông Trương Quang Nghĩa cho rằng, cả 3 phương án mà Hội đồng đánh giá xếp hạng phương án kiến trúc sân bay Long Thành lựa chọn (phương án 3, 4 và 7) đều đồng nhất với các phương án mà cộng đồng dân cư và Hội nghề nghiệp lựa chọn. Bộ trưởng yêu cầu thư ký Hội đồng rà soát, phân tích kỹ và chắt lọc từng ý kiến về các phương án được chọn để hoàn thiện báo cáo, trình Chính phủ xem xét phê duyệt.
Phương án 3: Lấy ý tưởng từ hình ảnh bông hoa sen cách điệu, sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào thiết kế mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, cảnh quan vị trí bên trên mái nhà để xe, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục. Thiết kế cũng được điểm thêm những vị trí ô lấy sáng, giảm bớt sự đơn điệu cho mái. Phần mái khu vực nhà để xe ngoài trời sẽ làm công viên cây xanh, cộng hưởng với hồ nước lớn tại vị trí trung tâm cũng lấy ý tưởng hoa sen sẽ tạo điểm nhấn cho khu vực này.
Phương án 4: Sử dụng vật liệu từ cây tre thiết kế thành hệ kết cấu đan kết để áp dụng cho toàn bộ các không gian chính công cộng của nhà ga (sảnh ga đi, khu kinh doanh dịch vụ, miễn thuế, khu phòng chờ, hành lang ga đến,…). Không gian nội thất nhà ga cũng sử dụng thủ pháp đan kết để thể hiện đặc thù văn hóa địa phương.
Phương án 7:Lấy ý tưởng từ hình ảnh lá cọ, dừa nước áp dụng vào thiết kế phần mái công trình. Bố cục không gian khu vực nhà ga đi được thể hiện ý tưởng như những con thuyền di chuyển trên sông nước đồng quê Việt Nam. Phương án thiết kếlệch tầng để phân chia các khu vực chức năng nhằm tạo không gian sinh động cho nhà ga kết hợp việc ử dụng các mảng xanh, cảnh quan nội thất trong công trình.
Theo VNE