Quốc hội đã xem xét, thảo luận đối với 25 nội dung
Ngày 28/9 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 37.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, tập trung trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung trong chương trình Phiên họp thứ 37.
Theo đó, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thảo luận đối với 25 nội dung, trọng tâm là công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Theo ông Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến 8 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, trong đó có 8 dự án luật trình Quốc hội: Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Nhà giáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; 2 dự thảo Nghị quyết Liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, theo đó bổ sung 3 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình 1 kỳ họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”; xem xét báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Các cơ quan tập trung cao độ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến đối với các báo cáo, Tờ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, gồm chủ trương đầu tư vốn Nhà nước tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam; Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương; các báo cáo công tác năm 2024 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao....
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến quyết định theo thẩm quyền với 6 nội dung khác, tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 8 và cho ý kiến chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của một số tỉnh, thành phố; phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn năm 2024.
Nhấn mạnh, thời gian từ nay đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV không còn nhiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ còn phiên họp thường kỳ tháng 10/2024 là phiên họp cuối cùng để rà soát, xem xét tất cả những nội dung còn lại trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan tập trung cao độ, khẩn trương hoàn thiện tài liệu sớm gửi đến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng hạn, tuyệt đối không điều chỉnh hoặc rút ra khỏi phiên họp vì lý do chuẩn bị chưa kịp.
Đối với những nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp trước (phiên thứ 36), Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện tài liệu gửi đại biểu Quốc hội đúng thời hạn, chậm nhất là ngày 1/10.
Trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương tại Kỳ họp thứ 8
Trước đó, tại phiên họp thứ 37, các đại biểu tập trung cho ý kiến về chủ trương, sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và việc trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8; tiêu chuẩn, điều kiện của các ĐVHC cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp. Đồng thời, cho ý kiến về quy trình để UBTVQH xem xét, kết luận về nội dung các Đề án của Thừa Thiên Huế mà Chính phủ trình.
Qua thảo luận, các ý kiến đều cho rằng, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương là rất cần thiết và có cơ sở chính trị vững chắc. Xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương sẽ tạo động lực phát triển mới không chỉ cho thành phố Huế mà còn đóng góp thiết thực cho khu vực miền Trung và cả nước; bảo tồn, phát huy tốt hơn giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và việc trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 theo thẩm quyền.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của cơ quan thẩm tra khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Đề án trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8.