Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 4/5 dẫn nguồn tin từ Mỹ cho rằng, Triều Tiên liên tục phóng tên lửa và dùng vũ khí hạt nhân để "đe dọa" các nước láng giềng.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính sách "nhẫn nại chiến lược" trước đó đã kết thúc. Nhưng trong bối cảnh "giao tranh" ngoại giao và quân sự "chết cứng", mọi người thường coi nhẹ các cuộc thảo luận mang tính kỹ thuật.
Để làm rõ tình hình, kĩ sư hàng không vũ trụ John Schilling, chuyên nghiên cứu hệ thống đẩy tên lửa, người theo dõi chặt chẽ vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, một trong những chuyên gia giỏi nhất về công nghệ tên lửa không nằm trong biên chế của Lầu Năm Góc, đã đưa ra đánh giá về tình hình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên như sau:
Trong phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phải chú ý tới mục đích. Triều Tiên muốn phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lắp đầu đạn hạt nhân để trực tiếp tiến hành "đe dọa" Mỹ, để ngăn chặn Mỹ tấn công Triều Tiên hoặc tiến hành lật đổ chính quyền như ở Libya.
Hầu như mỗi kế hoạch tác chiến đối với Triều Tiên đáng tin cậy cho dù là mang tính tấn công hay phòng thủ thì đều tùy thuộc vào quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn - Nhật (mặc dù Nhật Bản hoàn toàn sẽ không đóng góp lực lượng tác chiến, nhưng các cảng biển và căn cứ không quân của Nhật Bản rất quan trọng đối với chi viện hậu cần).
Hiện nay, Triều Tiên có thể thông qua tấn công hạt nhân để trực tiếp đe dọa Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng giữa Mỹ và Triều Tiên duy trì khoảng cách an toàn. Vì vậy, Mỹ có thể tránh được các cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên. Mỹ còn có thể tiến hành "báo thù" quy mô lớn đối với Triều Tiên, căn bản sẽ không phải trả giá gì, cũng không có rủi ro gì.
Nhưng, nếu sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa tầm tương đối ngắn thì Triều Tiên có thể tiến hành đe dọa đối với từng nước trong đồng minh Mỹ, Hàn, Nhật. Đồng thời còn làm cho thành viên đồng minh nghi ngờ về cam kết của các thành viên khác.
Cộng thêm với tiến hành một số hoạt động ngoại giao, Triều Tiên có thể thúc đẩy 1 - 2 đối tác trong đồng minh thoát ly khỏi liên minh này. Lý do chính là xảy ra xung đột với Triều Tiên hoàn toàn không phải là nhiệm vụ hàng đầu mà họ cần xử lý.
Các đô thị của họ cũng sẽ "ngàn cân treo sợi tóc" trong cuộc xung đột này. Vì vậy, họ muốn chấm dứt chiến tranh, cho dù cuộc chiến này có thể "lật đổ chính quyền" ở Triều Tiên.
Nói tới nguồn vốn để phát triển hạt nhân và tên lửa, kỹ sư John Schilling cho rằng Triều Tiên trước đây luôn có hợp tác về nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân hoặc công nghệ tên lửa với Iran và Pakistan.
Trong thời đại Yeltsin, Triều Tiên còn nhận được sự trợ giúp của các nhân viên kỹ thuật Nga (có thể còn có nhân viên quân sự). Hợp tác này có thể đã chấm dứt sau khi ông Vladimir Putin lên làm Tổng thống Nga.
Ngoài ra, còn tồn tại các giao dịch "đen": Triều Tiên có thể bóc tách tên lửa cũ của Ai Cập và Syria, một số công nghệ có thể đến từ Ukraine.
Nhưng, cũng cần đưa ra đánh giá khách quan. Những năm gần đây, hầu hết những công việc phát triển hạt nhân và tên lửa là do Triều Tiên tự làm.
Triều Tiên là một nước công nghiệp có quy mô khá nhỏ và tương đối lạc hậu, nhưng nước này dùng khoảng 25% GDP cho quốc phòng, trong đó phần lớn nguồn lực dùng để nghiên cứu chế tạo tên lửa.
Nguồn lực công nghiệp và trình độ công nghệ tổng thể có thể dùng để nghiên cứu phát triển vũ khí hiện nay của Triều Tiên cơ bản tương đương với trình độ ngành quốc phòng Pháp vào thập niên 1960, khi Pháp nghiên cứu chế tạo nhiều loại vũ khí hạt nhân.
Đối với khả năng triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lắp đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên, kỹ sư John Schilling cho rằng Triều Tiên có thể thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bất cứ lúc nào, nhưng khả năng đạt được thành công trong thử nghiệm giai đoạn đầu sẽ rất nhỏ.
Xét tới số lượng thử nghiệm cần thiết và các chương trình khác của Triều Tiên cũng cần nguồn lực như chương trình tên lửa của tàu ngầm, các chuyên gia cho rằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên rất có thể đi vào trạng thái phục vụ tác chiến không lâu sau năm 2020.
Dự báo, Triều Tiên có thể tiến hành thử lần đầu tiên vào năm 2018, nhưng sẽ không thành công, đến cuối năm 2021 sẽ sơ bộ có khả năng tác chiến. Tuy nhiên, chính người Triều Tiên cũng không thể tiến hành dự đoán chính xác.
Về tiến triển công nghệ tên lửa của Triều Tiên trong năm 2016, kỹ sư John Schilling cho rằng Triều Tiên đã có những tiến triển mới, có một số sự kiện đánh dấu cột mốc. Triều Tiên hai lần tiến hành thành công thử hạt nhân đã xóa bỏ nghi ngờ về khả năng phát triển đầu đạn hạt nhân tin cậy (nhưng không phải là đầu đạn nhiệt hạch) của họ.
So với sản phẩm phái sinh của tên lửa Scud cũ, khả năng tác chiến mang tính khu vực của tên lửa nhiên liệu rắn Pukguksong-1 và Pukguksong-2 mạnh hơn nhiều. Việc Triều Tiên lần thứ hai phóng vệ tinh có thể chứng minh Triều Tiên có khả năng chế tạo ra tên lửa và tên lửa đẩy cỡ lớn nhiều cấp độ theo nhu cầu.
Triều Tiên ngày càng cởi mở về tiết lộ tình hình thử nghiệm trên mặt đất. Điều này đã nâng cao độ tin cậy thúc đẩy chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên. Ngoài ra, nhiều năm qua, Triều Tiên luôn tiến hành huấn luyện diễn tập chiến tranh hạt nhân, loại diễn tập này cũng ngày càng thiết thực.
Mặc dù vậy, đối với Triều Tiên, năm 2016 hoàn toàn không phải là một năm chỉ có tốt đẹp. Gần 10 năm qua, tên lửa Musudan có thể vẫn là bộ phận quan trọng răn đe chiến lược của Triều Tiên.
Năm 2016, Triều Tiên lần đầu tiên thử tên lửa này, nhưng sự thực chứng minh về cơ bản, tên lửa này chính là "phế phẩm". Tên lửa này đã tiến hành 8 lần phóng, nhưng chỉ có 1 lần thành công.
Nói về thách thức của chương trình hạt nhân Triều Tiên, kỹ sư John Schilling cho rằng thách thức công nghệ hiện nay của Triều Tiên không còn nhiều. Những bí mật 70 năm trước đã được tiết lộ hoặc được công bố quá nhiều.
Hiện nay, Triều Tiên cũng cần tiến hành rất nhiều công việc thiết kế cụ thể, cho nên hoàn toàn có thể xác định, muốn hoàn thành các công việc này thì cần phải có đủ nguồn lực dành cho đội ngũ chuyên gia tiến hành công việc trong dài hạn.
Công việc này phải tiến hành thử mang tính lâm thời trong từng giai đoạn, nhưng những hoạt động "thử" này có thể tiến hành bí mật. Về cơ bản, đây chính là tình hình triển khai chương trình hạt nhân của Pháp vào năm 1961, cuối cùng đã "đẻ non".
Hoạt động thử hạt nhân lần đầu tiên của Triều Tiên đã thể hiện rất "kém". Họ đã bỏ ra vài năm mới đạt được thành công. Nhưng điều có thể khẳng định là, từ năm 2013 đến nay họ đã sở hữu đầu đạn được nghiệm chứng và thích hợp lắp cho tên lửa.