Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, tên lửa đã tách ra sau khi phóng, tàu lượn bay theo chiều ngang 120 km với tốc độ siêu thanh, và sau đó đánh chính xác vào mục tiêu ở cự ly 700 km. Viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên thông qua vụ phóng thử nghiệm đã chứng minh rõ ràng tính ổn định của đường bay lượn nhiều tầng trong giai đoạn chủ động, đồng thời đánh giá khả năng thực thi của công nghệ cơ động mới được áp dụng của phần được tách rời.
Bản tin của KCNA cho rằng các vụ phóng thử tên lửa siêu thanh liên tục thành công đã đẩy nhanh việc thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa các lực lượng vũ trang chiến lược của Triều Tiên, có ý nghĩa chiến lược to lớn đối với việc hoàn thành nhiệm vụ cốt lõi của kế hoạch 5 năm về phát triển vũ khí chiến lược.
Tên lửa siêu thanh Hwasong-8 được trưng bày tại Triển lãm thành tựu công nghệ Quốc phòng Triều Tiên năm 2021 (Ảnh: Reuters). |
KCNA cũng đề cập các cán bộ lãnh đạo có liên quan từ Bộ Công nghiệp Quân nhu và ngành Khoa học Quốc phòng thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã tới hiện trường để kiểm tra vụ phóng thử, nhưng không thấy đề cập đến nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tên lửa siêu thanh có thể lao về phía mục tiêu với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5). Không giống như tên lửa đạn đạo, loại tên lửa này cũng có thể cơ động né tránh và rất khó bị đánh chặn.
Vào tháng 1 năm ngoái, Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Lao động Triều Tiên đã đưa việc phát triển tên lửa siêu thanh trở thành một trong 5 ưu tiên hàng đầu của việc phát triển vũ khí chiến lược.
Đây là cuộc biểu dương sức mạnh quân sự đầu tiên của Triều Tiên trong năm 2022. Vụ thử cuối cùng gần nhất được tiến hành là vụ phóng một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm mới vào ngày 19 tháng 10 năm ngoái. Ngoài ra, vào tháng 9 năm ngoái, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa siêu thanh Hwasong-8 (Hỏa Tinh-8) từ tỉnh Chagang. Khi đó, Bộ Chỉ huy liên quân Hàn Quốc tuyên bố rằng việc phát triển tên lửa siêu thanh của Triều Tiên vẫn đang ở giai đoạn đầu và sẽ phải mất nhiều thời gian để có thể triển khai chiến đấu thực tế.
Đầu đạn có cánh lượn của Hwasong-8 (Ảnh: Toutiao). |
Đài phát thanh quốc tế Hàn Quốc sáng 6/1 cũng đưa tin: Theo tin của Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên ngày 6/1, Viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh vào ngày 5/1. Đây là vụ thử nghiệm diễn ra sau hơn 90 ngày kể từ khi Triều Tiên lần đầu thử tên lửa siêu thanh vào tháng 9 năm ngoái.
Trước đó, Bộ Chỉ huy liên quân Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng một vật thể không xác định nghi là tên lửa đạn đạo xuống biển Hoa Đông vào lúc 8h10 ngày 5/1.
Các nhà phân tích cho rằng mục đích của việc Triều Tiên nghiên cứu phát triển và phóng thử tên lửa siêu thanh có thể là nhằm đột phá các hệ thống phòng thủ tên lửa mà Hàn Quốc và Mỹ đang sử dụng.
Đầu đạn của tên lửa siêu thanh Dongfeng-17 của Trung Quốc rất giống với đầu đạn của Hwasong-8 Triều Tiên (Ảnh: Toutiao). |
Khi tên lửa siêu thanh Hwasong-8 ra mắt lần đầu tiên vào năm ngoái, giới quan sát quốc tế cho rằng, về cơ bản chắc chắn công nghệ của nó vẫn đến từ Liên Xô cũ. Xét cho cùng, tên lửa siêu thanh Hwasong-8, cũng giống như Dongfeng-17 của Trung Quốc, về cấu trúc đều dựa trên các thân loại tên lửa thông thường được gắn thêm một đầu đạn vận tốc siêu thanh có thân lượn. Nhưng, theo các thông số hoạt động được báo chí nước ngoài phân tích khi đó, mặc dù Hwasong-8 được Triều Tiên gọi là tên lửa siêu thanh, nhưng người ta đoán nó rất có thể chỉ là một tên lửa mẫu, vì tầm bắn tối đa của nó khi đó được cho rằng chỉ 200 km và tốc độ bay tối đa chỉ đạt khoảng Mach 2.
Tuy nhiên, ngay từ năm ngoái nhiều người đã cho rằng những thông số này không đúng, chúng được đưa ra nhằm hạ thấp công nghệ tên lửa siêu thanh của Triều Tiên, bởi tốc độ bay tối đa của loại tên lửa liên lục địa Hwasong-15 do Triều Tiên phát triển cũng đã đạt tới Mach 10.