|
Triều Tiên phóng thử nghiệm hệ thống pháo phản lực - tên lửa cỡ nòng 240 mm với đạn dẫn đường. Ảnh KCNA |
Trang Army Recognition, dẫn bản tin của Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 12/2/2024 đưa tin, Học viện Phát triển Quốc phòng Triều Tiên đã thực hiện cuộc thử nghiệm ngày 11/2/2024, sử dụng tên lửa dẫn đường và hệ thống điều khiển đạn đạo nhằm đánh giá độ chính xác và những ưu thế công nghệ của loại vũ khí mới này.
Thông tin chi tiết về những tính năng kỹ chiến thuật mới của tên lửa và hiệu suất chiến đấu của hệ thống trong cuộc thử nghiệm không được tiết lộ. Nhưng Hãng truyền thông nhà nước KCNA nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của những hệ thống pháo phản lực - tên lửa đa năng cỡ nòng 240mm trong các tình huống chiến tranh.
KCNA lưu ý: “Quyết định đưa các hệ thống pháo phản lực - tên lửa có điều khiển 240mm và hệ thống điều khiển đạn đạo kỹ thuật nhằm mục đích làm thay đổi căn bản về chất kho vũ khí tên lửa pháo binh của quân đội chúng ta”.
Những bức ảnh do KCNA cung cấp cho thấy, mặc dù không thấy được cấu hình chi tiết của vũ khí, nhưng hệ thống pháo phản lực – tên lửa mới vẫn giữ cấu hình xe vận tải-phóng (TEL) với 22 ống tương tự như các hệ thống pháo phản lực – tên lửa 240mm đang có trong biên chế trang bị của Triều Tiên.
Theo nguồn thông tin từ trang Missilethreat của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn quân sự Mỹ, hiện quân đội Triều Tiên đang có trong biên chế trang bị các hệ thống pháo phản lực M1985/1991 cỡ đạn 240 mm.
Cả hai hệ thống pháo phản lực có chung nguồn gốc với hệ thống pháo tên lửa BMD-20 200 mm hoặc BM-24 240 mm. Những loại vũ khí này Triều Tiên đã nhập khẩu từ Liên Xô trong những năm 1950. Đồng thời, Triều Tiên cũng nhập khẩu nhiều loại pháo phản lực khác như BM-21 'Grad' của Nga và Type 63 MLRS của Trung Quốc.
Các nhà phân tích quân sự ước tính, Triều Tiên sở hữu khoảng 200 tổ hợp pháo phản lực-tên lửa M1985 và M1991.2 Một số lượng lớn loại vũ khí này được triển khai dọc biên giới Hàn Quốc-Triều Tiên. Ngoài M1985 và M1991, quân đội Triều Tiên còn có trong biên chế trang bị 5.000 pháo phản lực các loại 107, 122 và 200 mm khác và pháo phản lực tầm xa 300 mm KN-09.
Hệ thống pháo phản lực (MLRS) 240 mm của Triều Tiên được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công hỏa lực vào các mục tiêu lớn như các tuyến phòng ngự tiền phương, căn cứ quân sự. Một khẩu đội M1985/1991 của Triều Tiên thường bao gồm 5 xe phóng, 3 khẩu đội hình thành một tiểu đoàn pháo binh.
M1985/1991 là pháo phản lực MLRS 240 mm lắp đặt trên xe tải. Tầm bắn của đạn M1985/1991 khoảng 40-60 km. Pháo phản lực phóng loạt trong 45 giây và cần khoảng 10 phút để nạp đạn.
M1985 được lắp trên xe tải Isuzu 6×6 của Nhật Bản, có 12 ống phóng 240mm 2 hàng 6 ống.10 M1991 cũng được lắp trên xe tải 6x6, trang bị 22 ống phóng 240 mm xếp thành ba hàng; 2 hàng 8 ống phóng và 1 hàng 6 ống phóng.
Chuyên gia quân sự Yang Uk từ Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul coi hệ thống pháo binh mới có ý nghĩa quan trọng, có thể sẽ được phát triển rộng hơn để thay thế các loại pháo phản lực sử dụng đạn rockets của Triều Tiên. Nhưng ông Yang cho rằng, mối đe dọa từ những tên lửa dẫn đường này không đáng kể so với kho tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23 và hệ thống pháo phản lực tên lửa 600mm KN-25 của quân đội Triều Tiên.
Ông Yang giải thích với các phóng viên của trang NK News: “Hệ thống tên lửa pháo binh mới của Triều Tiên với tên lửa dẫn đường không làm tăng đáng kể mức độ đe dọa”. Ông thừa nhận, Hàn Quốc cần phải tăng cường khả năng phòng thủ chống tên lửa pháo binh, đạn pháo và súng cối cỡ nòng lớn (C-RAM), phát triển các phiên bản di động của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm thấp (LAMD), có thể ngăn chặn các loại vũ khí này hiệu quả hơn.
Theo Army Recognition