|
Triều Tiên phóng "tên lửa hành trình chiến lược" từ tàu ngầm tại một địa điểm không xác định ngày 12/3. Ảnh KCNA |
Hãng thông tấn trung ương KCNA của Triều Tiên trong bản tin ngày 13/3 nhấn mạnh "cuộc diễn tập phóng từ dưới mặt nước" đã "xác định độ tin cậy" của vũ khí, cho biết, vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm là một phần của lực lượng " răn đe hạt nhân" của quốc gia này.
Theo KCNA, những tên lửa hành trình bay hơn hai giờ, bay theo hình số 8 và đánh trúng mục tiêu cách xa 1.500 km (930 dặm). KCNA cũng cho biết, những tên lửa hành trình được phóng từ tàu ngầm Yongung 8.24, một tàu ngầm mà Triều Tiên đã sử dụng để thực hiện vụ bắn tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngày 7/5/2022.
Khoảng cách bay đặt toàn bộ Nhật Bản, bao gồm cả các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ trong tầm tấn công.
Triều Tiên thường sử dụng từ “chiến lược” để chỉ vũ khí có khả năng hạt nhân. Đây là vụ phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm lần đầu tiên của quốc gia này, cho phép có thể tấn công hạt nhân vào cả Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ông Moon Keun-sik, chuyên gia về tàu ngầm, giảng dạy tại Đại học Kyonggi ở Hàn Quốc cho biết, các tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên có khả năng được thiết kế để tấn công các tàu sân bay và khu trục hạm của Mỹ hoặc các mục tiêu tầm ngắn khác trên đất liền, đồng thời Triều Tiên sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.
Tháng 2/2023, Triều Tiên đã phóng 4 tên lửa hành trình chiến lược Hwasal-2 “thể hiện rõ ràng khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng răn đe chiến lược Triều Tiên, đang củng cố và tăng cường năng lực phản công đánh trả mạnh mẽ bằng vũ khí hạt nhân”.
Các chuyên gia quân sự lưu ý, tên lửa hành trình có một ưu điểm lớn, đó là vũ khí có thể bay thấp và cơ động, rất khó bị hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không của đối phương đánh chặn.
|
Một tàu ngầm Triều Tiên được nhìn thấy trước khi phóng 2 "tên lửa hành trình chiến lược" tại một địa điểm không được công bố ngày 12/3. Ảnh KCNA |
Quân đội Hàn Quốc cho biết, những vụ phóng tên lửa hành trình được tiến hành trên vùng biển gần thành phố cảng Sinpo của Triều Tiên, nơi có một nhà máy đóng tàu ngầm lớn. Phát ngôn viên quân đội Hàn Quốc Lee Sung Jun cho biết, những thông tin mà Hàn Quốc thu thập được không phù hợp với những thông tin mà Truyền thông nhà nước Triều Tiên cung cấp về vụ phóng tên lửa nhưng ông nhưng không giải thích chi tiết.
Lee cho biết quân đội Hàn Quốc đã và đang nâng cấp những vũ khí, thiết bị cần thiết để đối phó với các mối đe dọa từ tàu ngầm Triều Tiên.
Sau hơn 70 vụ diễn tập thử nghiệm phóng tên lửa vào năm 2022, Triều Tiên tiếp tục một số lần phóng diễn tập đầu năm 2023, trong đó có vụ phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, có khả năng tấn công vào lãnh thổ Mỹ và các tên lửa tầm ngắn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, có thể tấn công Hàn Quốc.
Cuối ngày 13/3 một quan chức quân đội Hàn Quốc mô tả vụ phóng là một cuộc thử nghiệm “giai đoạn đầu” của chương trình phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm. Trong cuộc phỏng vấn với Yonhap ông cho rằng có “sự khác biệt” giữa tuyên bố của Triều Tiên về các chi tiết cụ thể của tên lửa và phân tích của Seoul và Washington. Ông lưu ý, quân đội Hàn Quốc cho rằng kết quả đã được KCNA phóng đại và tên lửa vẫn chưa được triển khai sẵn sàng chiến đấu trên tàu ngầm.
Vụ phóng tên lửa diễn ra vài giờ trước khi quân đội Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc diễn tập trận quân sự chung Lá chắn Tự do ngày 13/3. Cuộc diễn tập dự kiến kéo dài đến ngày 23/3.
Bình Nhưỡng coi những cuộc diễn tập chung giữa 2 quốc gia đồng minh là một cuộc diễn tập cho chiến tranh xâm lược , Seoul và Washington gọi những cuộc diễn tập này là hoạt động phòng thủ.
Tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát một cuộc diễn tập quân sự, phóng “một loạt” 6 tên lửa, mô phỏng một cuộc tấn công vào các sân bay của đối phương. Chủ tịch Kim đã ra lệnh cho các lực lượng quân đội tăng cường “các cuộc diễn tập mô phỏng khác nhau cho một cuộc chiến tranh thực sự theo phương thức đa dạng trong những tình huống khác nhau”.
Cuộc diễn tập phóng tên lửa từ tàu ngầm là tín hiệu mới nhất cho thấy, quân đội Triều Tiên đã chuyển từ thử nghiệm vũ khí mạnh sang tiến hành những cuộc diễn tập mô phỏng chiến tranh, cho thấy Triều Tiên sẵn sàng thực hiện “hành động thực tế hơn là lời nói”.
Theo Japan Times