|
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu lỏng Hwasong-12. Ảnh: Sina |
Ngày 8/6 Triều Tiên phóng tên lửa hành trình đất đối hạm, loại tên lửa mới này xuất hiện tại lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng vào ngày 15/4/2017. Hãng tin Kyodo Nhật Bản cho rằng mặc dù có người phỏng đoán sau đó Triều Tiên sẽ lần đầu tiên bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhưng phần lớn ý kiến cho rằng Triều Tiên còn gặp khó khăn về công nghệ. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho rằng Triều Tiên sẽ trước hết tìm cách hoàn thiện khả năng tấn công để ngăn chặn hạm đội Mỹ áp sát duyên hải.
Quân đội và các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng hiện nay Triều Tiên đang khoe sự đa dạng về tên lửa của họ, đồng thời Bình Nhưỡng muốn khẳng định có khả năng tấn công đối hạm chính xác, muốn tiến hành phô trương sức mạnh để đe dọa cụm tấn công tàu sân bay Mỹ xuất hiện ở khu vực xung quanh bán đảo Triều Tiên.
Triều Tiên ngày 15/4 phóng tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu lỏng Hwasong-12, ngày 21/4 phóng tên lửa tầm trung nhiên liệu rắn Pukguksong-2, ngày 29/4 phóng tên lửa đạn đạo dòng Scud dẫn đường chính xác. Triều Tiên tuyên bố các hoạt động phóng thử này đều thành công. Trong lễ duyệt binh còn xuất hiện lớp ICBM sử dụng xe phóng cỡ lớn.
Tuy nhiên, tên lửa ICBM có tầm bắn trên 5.500 km trở lên cần có công nghệ cao cấp để bảo vệ đầu đạn tránh bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao và chấn động khi tên lửa từ vũ trụ quay trở về bầu khí quyển. Nhiệt độ bề mặt đầu đạn khi xuyên qua bầu khí quyển và bay với tốc độ 24 Mach sẽ lên tới 7.000 độ, sẽ xuất hiện trạng thái "thể plasma".
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên không có khả năng để tạo ra tên lửa trạng thái thể plasma, việc có được công nghệ bảo vệ đầu đạn vẫn còn phải chờ thời gian.
Mặt khác, một nhà nghiên cứu từ Đại học Kyungnam, Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên nhấn mạnh tên lửa chống hạm phóng ngày 29/5 có thể ngắm chuẩn tàu chiến, sau đó lại phóng tên lửa hành trình đất đối hạm. Như vậy, Triều Tiên gấp rút tìm cách có được khả năng tấn công để ngăn chặn hạm đội Mỹ áp sát duyên hải bán đảo Triều Tiên.