|
Hình ảnh về vụ phóng tên lửa siêu thanh Hwasong-8 hôm 28/9 (Ảnh: KCNA) |
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, KCNA đưa tin, Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên đã phóng thử nghiệm tên lửa siêu thanh (hypersonic missile) Hwasong-8 tại bãi phóng Toyang-ni, quận Ryongrim, tỉnh Chagang hôm thứ Ba. Tốc độ của tên lửa siêu thanh ít nhất là Mach 5, tức gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Bản tin nói rằng, trong kế hoạch 5 năm phát triển khoa học quốc phòng và nghiên cứu phát triển hệ thống vũ khí do Đại hội toàn quốc lần thứ 8 của Đảng Lao động Triều Tiên, việc phát triển tên lửa siêu thanh là một trong 5 nhiệm vụ ưu tiên của lĩnh vực vũ khí chiến lược, từng bước được nâng cao với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Vụ phóng thử thành công này có ý nghĩa chiến lược to lớn đối với việc tăng cường mạnh mẽ sức mạnh công nghệ quốc phòng tiên tiến và độc lập của Triều Tiên, cũng như khả năng phòng vệ của nước này.
Theo KCNA và Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin hôm 29/9, ông Park Jeong-cheon, Bí thư Trung ương Đảng Lao động, và các cán bộ lãnh đạo của ngành khoa học quốc phòng đã đến thị sát vụ phóng thử ngày hôm đó, nhưng ông Kim Jong-un, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Triều Tiên, đã không có mặt. Ông Park Jeong-cheon đã đánh giá cao tầm quan trọng chiến lược của việc phát triển và triển khai thực tế tên lửa siêu thanh, cũng như ý nghĩa quân sự của việc trang bị hệ thống nhiên liệu tên lửa tổng thể dạng ống (ampoule). Ông nói, đội ngũ nghiên cứu khoa học quốc phòng và các ban ngành quân đội sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội 8, phấn đấu giành được những thành tựu to lớn.
|
Dân chúng Seoul (Hàn Quốc) theo dõi tin về vụ Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn hôm 15/9 (Ảnh: Yonhap). |
Qua lần phóng thử đầu tiên tên lửa siêu thanh, các nhà khoa học quốc phòng đã khẳng định tính năng điều khiển bay và độ ổn định của tên lửa trong giai đoạn chủ động, tính cơ động dẫn đường của đầu đạn siêu thanh lướt sau tách và trong khi bay lượn.. Đồng thời, xác nhận lần đầu tiên sử dụng hệ thống nhiên liệu tên lửa dạng ống (ampoule) và tính ổn định của động cơ. Kết quả bắn thử chứng minh tất cả các thông số kỹ thuật cũng như tính năng đều đã đáp ứng yêu cầu thiết kế.
Các chuyên gia cho rằng "hệ thống nhiên liệu dạng ống" (ampoule) dùng để chỉ việc lắp ráp một thùng chứa nhiên liệu lỏng đậm đặc vào một thiết bị phóng để rút ngắn thời gian đốt nhiên liệu nhanh giống như nhiên liệu rắn, giúp có thể phóng tên lửa bất cứ lúc nào.
|
Tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên (Ảnh: VCG). |
Trước đó, Bộ Tham mưu Liên quân Hàn Quốc hôm 28/9 cho biết quân đội nước này đã phát hiện ra vật thể bay mà Triều Tiên phóng rơi xuống vùng biển phía đông vào sáng hôm đó có thể là một tên lửa tầm ngắn, khoảng cách bay chưa tới 200km; độ cao bay chỉ bằng một nửa so với tên lửa tầm ngắn phóng hôm 15/9, đặc trưng này tương tự một quả đạn pháo phản lực đa nòng cỡ lớn. Tuy nhiên, các đặc điểm bay của nó như khoảng cách, tốc độ và độ cao đều khác so với những vật thể bay đã được Triều Tiên phóng trước đó, nên có thể suy ra đó có thể là một loại vũ khí mới.
Theo Reuters ngày 29/9, hiện nay Mỹ, Trung Quốc và Nga đang phát triển vũ khí siêu thanh, cuộc thử nghiệm liên quan của Triều Tiên có nghĩa là nước này cũng đã tham gia vào cuộc đua. Tên lửa siêu thanh được coi là vũ khí thế hệ tiếp theo, giúp rút ngắn đáng kể thời gian phản ứng của đối phương và phá vỡ cơ chế đánh chặn truyền thống, Mỹ cũng vừa mới thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh hôm 27/9.
|
Tên lửa liên lục địa mới nhất Hwasong-16 của Triều Tiên (Ảnh: Toutiao). |
Tuy nhiên, Chang Young-keun, một chuyên gia về công nghệ tên lửa tại Korea Aerospace University (Đại học Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc), nói rằng thông tin tình báo quân sự của Hàn Quốc cho thấy phương tiện bay siêu thanh thử nghiệm của Triều Tiên chỉ bay với tốc độ Mach 2,5 nên rất có thể đã thất bại. Ông chỉ ra rằng công nghệ tên lửa lướt siêu thanh của Triều Tiên không thể sánh bằng Trung Quốc, Mỹ và Nga. Hiện tại, dường như họ đang nhắm vào Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.
Có thể thấy, tên lửa tầm ngắn mà Triều Tiên phóng sáng ngày 28/9 thực chất là vũ khí siêu thanh mà Triều Tiên đã công khai tuyên bố chế tạo được hồi đầu năm. Trong báo cáo tổng kết của Đại hội toàn quốc Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 8 vào tháng 1 năm nay, ông Kim Jong-un tuyên bố ông đã đề xuất nhiệm vụ phát triển và triển khai đầu đạn chiến đấu siêu thanh lướt trong tương lai gần.
Kênh truyền hình Arirang của Hàn Quốc đưa tin về vụ Triều Tiên phóng tên lửa siêu thanh hôm 28/9.
Theo Newsweek ngày 29/9, tên lửa siêu thanh được Triều Tiên – quân đội có vũ khí hạt nhân, phóng thử cho thấy nước này có một thứ vũ khí khác trong kho vũ khí của mình. Triều Tiên hiện có tên lửa tầm ngắn Hwasong-5 và Hwasong-6, tên lửa tầm trung Hwasong-7 và Hwasong-9, tên lửa tầm trung và tầm xa Hwasong-12, và các loại tên lửa liên lục địa Hwasong-13, Hwasong-14 và Hwasong-15. Ba loại tên lửa liên lục địa này được cho là có tầm bắn tới lục địa Mỹ, có thể gia tăng đáng kể sức mạnh quân sự của Triều Tiên.
Mặc dù tên lửa Hwasong-8 có tầm bắn ngắn hơn nhiều nhưng lại được trang bị thiết bị lượn, khiến hệ thống phòng không khó đánh chặn hơn. Hiện các cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang phân tích chặt chẽ các thông tin liên quan đến vụ phóng này.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tên lửa bay về phía đông nhưng chưa có thông báo gây ra thiệt hại nào; tuy nhiên Nhật lên án hành động này của Triều Tiên và cho rằng nó gây nguy hại cho an ninh của Nhật Bản và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đại sứ của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, Kim Song, nhấn mạnh rằng các hoạt động thử nghiệm vũ khí của Bình Nhưỡng là phản ứng cần thiết để đối phó với việc Mỹ và Hàn Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự và tiến hành các cuộc tập trận chung.