|
Khách hàng Ả Rập Saudi và các nước Trung Đông tại Triển lãm Chu Hải (Ảnh: Singtao). |
Hợp đồng 4 tỷ USD với Arab Saudi
Theo Đài truyền hình vệ tinh Thâm Quyến (STV) hôm 14/11, Arab Saudi đã ký hợp đồng trị giá gần 4 tỷ USD với Trung Quốc tại Triển lãm hàng không Chu Hải, bao gồm mua 300 máy bay không người lái (UAV) và dây chuyền sản xuất chúng khiến dư luận Trung Quốc rất phấn khích.
Tại Triển lãm hàng không Chu Hải lần thứ 14 cách đây 2 năm, Arab Saudi cũng đã ký hợp đồng quốc phòng trị giá 4 tỷ USD với Trung Quốc, bao gồm UAV, tên lửa và giấy phép chuyển giao công nghệ và sản xuất chúng.
Hãng tin Arab News của Arab Saudi đưa tin ngành công nghiệp quân sự của nước này năm nay lần đầu tiên tham gia Triển lãm hàng không Chu Hải với tư cách là nhà triển lãm, nhằm tìm cách thiết lập quan hệ đối tác đáng tin cậy với Trung Quốc để đạt được mục tiêu nội địa hóa hơn 50% thiết bị quân sự và chi phí dịch vụ vào năm 2030.
Tại triển lãm hàng không lần này thu hút nhiều sĩ quan quân đội và khán giả đến từ các nước Trung Đông, bởi vậy nhiều nhà triển lãm Trung Quốc đã sử dụng lớp phủ ngụy trang sa mạc trên các sản phẩm quân sự của họ, thể hiện quyết tâm của các doanh nghiệp quân sự Trung Quốc trong việc khai phá thị trường Trung Đông.
Arab Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác là những khách hàng quan trọng trên thị trường buôn bán vũ khí quốc tế và hầu hết các vũ khí thiết bị cao cấp của họ, tiêu biểu là máy bay chiến đấu, đều được mua từ Mỹ, châu Âu hoặc Nga.
Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPPRI) của Thụy Điển, trong 5 năm qua, Arab Saudi, Qatar, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập đều nằm trong số 15 nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu trên thế giới và thị trường bán vũ khí ở Trung Đông đang bùng nổ. Tuy nhiên, thị phần của Trung Quốc trên thị trường bán vũ khí quốc tế đã giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái và chủ yếu do những người mua chính không dồi dào về tài chính.
Ngoài ra còn có 130 máy bay chở khách dân dụng đã được các khách hàng trong nước ký hợp đồng mua hoặc bản ghi nhớ sẽ mua, bao gồm 60 chiếc C919 và 70 chiếc C909.
Hợp đồng chiến đấu cơ thế hệ 5 rơi vào tay Nga
Tại Triển lãm Chu Hải năm nay, Trung Quốc tận dụng sân nhà để trưng bày, quảng bá hàng loạt vũ khí, trang bị tối tân, đặc biệt là hai loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 J-20 và J-35A lần đầu tiên xuất hiện trên cùng một sân khấu.
Mặc dù J-35A đã thu hút được nhiều sự chú ý, nhưng ông Alexander Mikheyev, Tổng giám đốc Rosoboronexport (Tập đoàn Xuất khẩu Nga) hôm 14/11 đã xác nhận rằng máy bay thế hệ chiến đấu thứ năm Su-57 của Nga, lần đầu tiên được trưng bày ở nước ngoài, đã giành được đơn đặt hàng hải ngoại đầu tiên.
Nhiều người hâm mộ quân sự Trung Quốc cho rằng độ tinh xảo và khả năng tàng hình của Su-57 kém xa so với J-20 và J-35 của Trung Quốc. Các ý kiến cho rằng ngành hàng không Nga đã bị Trung Quốc vượt mặt không ngừng xuất hiện trên Internet. Tuy nhiên, sản phẩm chính của Nga ở Chu Hải đã chứng minh được sự hấp dẫn đặc biệt.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Lianhe Zaobao, ông Kashin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường kinh tế cao cấp, Đại học Kinh tế Quốc gia Nga, chỉ ra rằng máy bay chiến đấu Su-57 đã được triển khai tới Syria trong giai đoạn còn là nguyên mẫu, sau đó đã tiếp tục được thử nghiệm chiến đấu thực tế trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Ưu thế này các máy bay cùng thế hệ của Trung Quốc khó có thể thay thế được.
Su-57 có nhiều ưu điểm so với J-35 của Trung Quốc. Thứ nhất là tính cơ động. Tại Triển lãm hàng không Chu Hải, khả năng cơ động của Su-57 đã được thể hiện một cách hoàn hảo. Nó có thể lơ lửng trên không trong 11 giây. Các động tác như “Siêu rắn hổ mang”, “Lá rơi” hầu như đều được nó thực hiện mượt mà, đến mức tùy thích. Ở giai đoạn cất cánh, khoảng cách chạy đà cất cánh của Su-57 ngắn hơn so với J-20, lập tức bay thẳng lên trời với góc rất lớn.
Thứ hai, Su-57 có kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Kể từ đầu năm nay, trên chiến trường Ukraine, hoạt động của Su-57 đã tăng mạnh. Nó đã thực hiện tổng cộng hơn 100 phi vụ xuất kích mà không có chiếc nào bị bắn hạ. Cần biết rằng, NATO đã viện trợ Ukraine một số lượng lớn các loại hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến như Patriot, Crotale NG, IRIS-T và NASAM. Nhưng Su-57 vẫn đạt được tổn thất bằng “0” và kinh nghiệm chiến đấu thực tế của nó là điều mà J-35 không có.
Tương lai còn ở phía trước
Khi được phỏng vấn, chuyên gia Không quân Trung Quốc Phó Tiền Tiêu (Fu Qianshao) cho rằng Nga là cường quốc quân sự truyền thống, nhiều quốc gia sử dụng vũ khí do Nga sản xuất đã hình thành hệ thống hỗ trợ tương đối đồng bộ hoàn chỉnh và việc bảo trì, duy tu đều đã quen thuộc và chi phí khá thấp.
Ông chỉ ra rằng thị trường bán vũ khí bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các yếu tố chính trị. Trong bối cảnh đối đầu ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, các quốc gia vùng Vịnh muốn lựa chọn sản phẩm của Trung Quốc cho thiết bị chiến đấu chính của mình chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự cản trở mạnh mẽ từ phía chính quyền ông Donald Trump khiến nhiều nước dù quan tâm đến vũ khí tiên tiến nhưng khó có thể hạ quyết tâm để mua.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng do sự tiến bộ không ngừng của khoa học công nghệ và công nghệ công nghiệp Trung Quốc, cũng như nhiều điều kiện chính trị của Mỹ gắn liền với việc bán vũ khí, những ưu thế của vũ khí thiết bị quân sự Trung Quốc sẽ dần hiển hiện.
"Mặc dù lợi thế này có thể không được hiện thực hóa tại triển lãm hàng không này nhưng khi ngày càng có nhiều đại diện từ các nước Trung Đông đến tham dự Triển lãm hàng không Chu Hải, dấu hiệu cho thấy đã xuất hiện việc mở ra tình thế mới trong mua vũ khí của Trung Quốc", ông nói.
Có phải chiến đấu cơ J-35 Trung Quốc sao chép F-35 của Mỹ?
Những vũ khí thiết bị Trung Quốc gây chú ý nhất tại Triển lãm hàng không Chu Hải
Tại sao J-20 "Mãnh Long" trở thành biểu tượng cho quá trình hiện đại hóa quân sự Trung Quốc?
Theo Lianhezaobao, NetEasy