Triển khai tên lửa đáng sợ tới châu Á, Mỹ tung con bài giúp “thay đổi cục diện”

VietTimes -- Ở đâu đó trên vùng biển Thái Bình Dương, một chiến hạm tàng hình của hải quân Mỹ đang chở theo những loại vũ khí mới mà giới phân tích cho rằng có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh tại các khu vực tranh chấp như Biển Đông.
Chiến hạm USS Gabrielle Giffords là chiến hạm tấn công ven biển mới nhất của hải quân Mỹ (Ảnh: Getty)

Tàu USS Gabrielle Giffords – một chiến hạm có hình dáng thon, dài, vận tốc cao và là tàu chiến đấu trên biển (LCS) – đã rời khỏi San Diego vào đầu tháng này, mang theo một mẫu tên lửa Naval Strike Missile (NSM) mới của hải quân Mỹ cùng một trực thăng không người lái để giúp nó khóa mục tiêu.

NSM là mẫu tên lửa hành trình trên biển rất khó bị radar phát hiện và có thể chuyển hướng để tránh các hệ thống phòng thủ của kẻ địch – theo Raytheon, nhà thầu quốc phòng chính của Mỹ đối với loại vũ khí này. NSM bắt cặp với trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout, được sử dụng để phát hiện các mục tiêu.

Theo đô đốc John Fage – phát ngôn viên Hạm đội 3 của hải quân Mỹ - nói rằng các vũ khí này sẽ giúp tăng khả năng tấn công của hải quân Mỹ.

“Lầu Năm Góc hiện đang xây dựng một lực lượng quân sự hoạt động bền vững, có cơ hội chiến đấu và sống sót tốt hơn khi đối đầu với chiến lược bao vậy, đánh chặn đầy nguy hiểm của PLA (Quân đội Nhân dân trung Quốc)” – theo chuyên gia phân tích quốc phòng của Rand Corp Timothy Heath, trong đó nhắc tới chiến thuật sử dụng hỗn hợp chiến hạm, phi cơ và tên lửa của PLA nhằm kiểm soát nhiều phần của Thái Bình Dương.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều tố lẫn nhau đang đẩy nhanh quá trình quân sự hóa khu vực Biển Đông. Hiện Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền (phi lý) với gần như toàn bộ diện tích vùng biển này. Kể từ năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường áp đặt các tuyên bố chủ quyền bằng cách quân sự hóa nhiều bãi cạn và đảo trên khắp Biển Đông và nói rằng hoạt động thường xuyên của hải quân Mỹ trong khu vực cho thấy Trung Quốc cần phải tăng cường khả năng bảo vệ các lợi ích của họ.

“Khi phải đối diện với những chiến hạm và phi cơ quân sự được trang bị vũ khí nhiều đến vậy, làm sao chúng tôi có thể không xây các cơ sở phòng thủ được?” – Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa từng nói tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6 năm nay.

Tên lửa NSM có gì đáng sợ?

Tàu Gabrielle Giffords là chiếc LCS đầu tiên được triển khai cùng với tên lửa NSM, nhưng phần lớn các chiến hạm trong hạm đội LCS – dự kiến sẽ có số lượng lên tới trên 30 chiếc – đều sẽ được trang bị tên lửa này – giới chức hải quân Mỹ nói trước một tiểu ủy ban vũ trang Thượng viện hồi đầu năm nay.

Mẫu tàu chiến đấu ven biển có 2 biến thể, một là lớp biến thể 3 thân Independence như tàu Gifford và hai là lớp biến thể đơn thân lớp Freedom. Cả hai biến thể này đều được thiết kể để hoạt động ở các khu vực duyên hải hoặc vùng biển nông xung quanh đường bờ biển và các hòn đảo.

Tên lửa NSM từng trải qua một khoảng thời gian thử nghiệm khá ngắn ngủi trước khi được triển khai. Được phát triển bởi công ty Quốc phòng và Không gian Kongsberg của Na Uy, nó đã dược thử nghiệm thành công khi phóng từ tàu chiến đấu ven biển USS Coronado của Mỹ vào năm 2014. Hãng Raytheon sau đó trở thành nhà thầu chính cho Mỹ về loại tên lửa này vào năm 2018.

Điểm ưu việt của NSM chính là có tầm bắn trên 160 km, tức xa hơn 30% so với tên lửa Harpoon mà hải quân Mỹ thường sử dụng để diệt hạm. Thêm vào đó, khả năng phối hợp với trực thăng không người lái cho phép chiến hạm sử dụng NSM khóa mục tiêu nằm ngoài phạm vi phát hiện của radar mặt đất được trang bị trên tàu.

Trực thăng Fire Scout cho phép chiến hạm có được “tầm nhìn rộng hơn”, chuyên gia phân tích Carl Schuster, cựu đại tá hải quân Mỹ, nhận định. “Khả năng khóa mục tiêu cũng quan trọng như hệ thống tên lửa. Bạn chỉ có thể tấn công thứ mà bạn phát hiện được” – ông Schuster nói.

Ngoài ra, việc trang bị NSM cho các tàu tấn công ven biển cỡ nhỏ có thể giúp gỡ bỏ bớt gánh nặng đối với các tàu khu trục cỡ lớn hơn – vốn được thiết kế để chiến đấu ở các vùng nước sâu và khu vực rộng lớn hơn – theo chuyên gia Timothy Heath.

“Tôi cho rằng sẽ có thêm nhiều chiến hạm LCS sẽ vận hành ở khu vực Biển Đông, tháo bỏ gánh nặng cho các tàu cỡ lớn hiện vẫn đang phải làm nhiệm vụ tuần tra trong khu vực này” – ông Heath nói.

Dù hải quân Mỹ không chính thức công bố địa điểm mà tàu USS Gabrielle Gifford đang hướng tới, nhưng nhiều người ngờ rằng đó có thể là Singapore, nơi mà tàu USS Montgomery – cũng là một chiếc LCS nhưng không được trang bị tên lửa NSM – đã được triển khai tới trong mùa Hè năm nay.

“Nhiệm vụ của tàu USS Gabrielle Gifford sẽ là thực hiện các chiến dịch an ninh hàng hải, hợp tác đảm bảo an ninh, cung cấp khả năng phản ứng trước khủng hoảng và duy trì hiện diện hải quân ở bất cứ đâu cần tới nó. Tuy nhiên, chúng tôi không công khai chi tiết cụ thể bởi đó là vấn đề an ninh” – Đô đốc John Fage nói.

Trong năm nay, giới tướng lĩnh hải quân Mỹ từng nhiều lần nói về kế hoạch triển khai 2 tàu chiến đấu ven biển tới hoạt động ở gần Singapore, và sẽ triển khai thêm sau khi hạm đội LCS được hoàn thiện.

Hình ảnh tên lửa NSM được khai hỏa từ chiến hạm (Ảnh: Seaforces)

Thông điệp mà Mỹ muốn gửi đi là…

Việc triển khai các vũ khí tối tân trên tới Thái Bình Dương của Mỹ đã gửi đi một thông điệp quan trọng và cuối cùng có thể “thay đổi cục điện” trên vùng biển Tây Thái Bình Dương, nơi mà Trung Quốc đang nắm giữ lợi thế 3-chọi-1 xét về số lượng tên lửa hành trình so với Mỹ - ông Schuster nhận định.

“Đây là bước đi đầu tiên hướng tới việc giải quyết sự bất cân bằng sức mạnh đó, và các bước tiếp theo sẽ xuất hiện trong các năm tới đây” – ông Schuster nói.

Các vũ khí này không chỉ gửi tới thông điệp tới Trung Quốc mà còn tới các đối tác của Mỹ tỏng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

“Hiệu ứng từ việc triển khai này sẽ giúp tăng cường uy tín của Mỹ về sức mạnh đánh chặn trong khu vực” – ông Heath cho hay – “Nó cũng giúp cho quan hệ đối tác với nước Mỹ bớt rủi rỏ hơn, bởi các khoản đầu tư trong việc triển khai này cho thấy rõ cam kết của Mỹ với khu vực”.

Washington trước nay vẫn nỗ lực tạo hình ảnh một đối tác đáng tin cậy hơn là Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là trên Biển Đông – nơi mà họ thường xuyên thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải. Trong khi Trung Quốc – tuyên bố chủ quyền (phi lý) đối với gần như toàn bộ Biển Đông – cáo buộc sự hiện diện của quân đội Mỹ đe dọa hòa bình và sự ổn định trong khu vực.

Theo CNN