Đô đốc Trung Quốc muốn đánh chìm 2 tàu sân bay, dạy Mỹ một bài học?

VietTimes -- Trong tình huống ngày càng gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, Biển Đông là điểm nóng quan trọng trong mâu thuẫn lợi ích giữa hai cường quốc, hải quân Mỹ tiếp tục thực hiện các hoạt động tuần tra trong khuôn khổ chiến dịch “Tự do hàng hải” trên vùng nước mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trái phép.
Tên lửa đạn đạo siêu âm chống hạm DF-21D. Ảnh: Military Watch Magazine.
Tên lửa đạn đạo siêu âm chống hạm DF-21D. Ảnh: Military Watch Magazine.

Đáp lại những hoạt động được cho là thách thức khiêu khích từ Hoa Kỳ, Phó Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), chuẩn Đô đốc Luo Yuan, đề nghị PLA xem xét phương án đánh chìm hai tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ.

Tình huống này, theo phân tích của chuẩn Đô đốc sẽ nhanh chóng giải quyết những mâu thuẫn và xung đột trên cả Biển Đông và Hoa Biển Đông, gửi một thông điệp cứng rắn và mạnh mẽ tới Washington, cho thấy được sự nguy hiểm trong việc kích động xung đột quân sự với Bắc Kinh ở Đông Á.

Đô đốc Luo đề cập đến năm cơ sở căn bản "dẫn đến sự yếu kém của quân đội Mỹ" mà một trong những vấn đề Mỹ quan ngại nhất là thương vong. " Thương vong quân nhân Mỹ - một cái giá mà chính quyền Mỹ không thể chấp nhận.

Tàu sân bay lớp Nimitz và tàu đổ bộ Wasp của Hải quân Mỹ. Ảnh: Military Watch Magazine.
 Tàu sân bay lớp Nimitz và tàu đổ bộ Wasp của Hải quân Mỹ. Ảnh: Military Watch Magazine.

Tàu sân bay hạng nặng lớp Nimitz có lượng giãn nước đến 100.000 tấn, mỗi tàu được biên chế quân số khoảng 6.000 người bao gồm thủy thủ đoàn, phi công, lính thủy đánh bộ và lực lượng phục vụ, tàu đổ bộ trực thăng hạng năng lớp Wasp có lượng giãn nước 40.000 tấn, quân số theo biên chế là khoảng 3.000 người. Nếu những chiến hạm trị giá hàng tỷ USD này bị đánh chìm, phải mất vài năm để tái biên chế, đồng thời tổn thất sinh lực cũng thực sự đáng kể.

Chiến lược đặc biệt nghiêm trọng, do hải quân Mỹ đang phải giải quyết rất nhiều vấn đề hóc búa với chương trình phát triển tàu sân bay mới, các tàu sân bay lớp Ford và tàu đổ bộ trực thăng thế hệ mới lớp America. Nếu tàu sân bay bị đánh chìm cũng sẽ gây ra sự chậm trễ đáng kể trong quá trình đóng và đưa các tàu sân bay mới vào khai thác sử dụng.

Đô đốc Yuan nhấn mạnh lợi thế của Trung Quốc, cho thấy hệ thống vũ khí trang bị hiện đại chống hạm của Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, được thiết kế để có thể vượt qua hàng phòng thủ dày đặc của cụm tàu sân bay tấn công, có thể gây thiệt hại nặng nề cho các hạm tàu thù địch trên Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông. Ông nhấn mạnh, "Chúng ta sẽ thấy nước Mỹ hoảng loạn như thế nào".

Máy bay ném bom hạng nặng H-6 . Ảnh: Military Watch Magazine.
 Máy bay ném bom hạng nặng H-6 . Ảnh: Military Watch Magazine.

Phát biểu về lý do cho đề xuất của mình, Luo nói rằng Trung Quốc phải "sử dụng sức mạnh của mình để tấn công vào những thiếu sót của kẻ thù. Tấn công bất cứ nơi nào kẻ thù sợ bị tấn công. Bất cứ nơi nào kẻ thù yếu, chỉ cần tập trung phát triển (một lợi thế)".

Trong số các vũ khí “sát thủ tàu sân bay” Trung Quốc, tên lửa đạn đạo chống tàu tầm xa DF-21D được coi như một vũ khí nguy hiểm nhất – một phương tiện chiến đấu có khả năng tấn công các hàng không mẫu hạm ở tầm rất xa, đầu đạn có tốc độ siêu âm. Hải quân Mỹ thừa nhận rằng hiện nay phòng thủ tên lửa trên các chiến hạm không có khả năng đánh chặn thành công.

PLA hiện cũng đang thử nghiệm một tên lửa đạn đạo chiến thuật chống tàu siêu âm, có những tính năng kỹ thuật tương tự như tên lửa chống tàu phóng trên không Kh-47M2 Kinzhal của Nga, được cho là không thể đánh chặn. Với tốc độ siêu âm và tính năng cơ động ngoài dự đoán, tên lửa này cũng cũng có khả năng chọc thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có trên các chiến hạm Mỹ. Tốc độ siêu âm lớn của tên lửa cho phép vô hiệu hóa bất kỳ chiến hạm nào chỉ bằng một đòn tấn công.

Máy bay ném bom hạng nặng H-6 của Trung Quốc, trước đây từng được trang bị các tên lửa đạn đạo, rất có khả năng trở thành phương tiện mang cho các loại tên lửa này nếu được đưa vào biên chế. Máy bay ném bom trong vai trò phương tiện mang tên lửa chống hạm tầm xa sẽ tấn công tàu sân bay Mỹ trong các cụm tàu tấn công hải quân trên tầm bắn nằm ngoài  phạm vi tác chiến hiệu quả của các phương tiện phòng không chiến hạm tiên tiến nhất hiện nay.

Tất nhiên, phát biểu của chuẩn Đô đốc Luo Yuan hoàn toàn theo cảm tính và nặng về tuyên truyền. Mặc dù Washington không chấp nhận một thương vong lớn về sinh lực và cố gắng tránh một trường hợp tương tự xảy ra, Nhưng điều đó sẽ không có nghĩa là Mỹ đầu hàng khi bị đánh chìm hai tàu sân bay. Trận Trân Châu Cảng là một ví dụ điển hình. Thay vào đó, giữa 2 cường quốc có thể sẽ bùng phát chiến tranh hạt nhân, ít nhất là trong khu vực với tổn thất không thể dự tính.